FINTECH và những thách thức đối với các cơ quan quản lý châu Á
Fintech Việt nhộn nhịp đón vốn | |
Thấu hiểu người dùng để bứt phá trong cuộc đua ngân hàng số | |
Gấp rút mở đường cho Fintech |
Năm 2009, ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008, Paul Volcker, cựu Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đã có câu nói nổi tiếng “Sự đổi mới tài chính quan trọng nhất mà tôi thấy trong 20 năm qua là máy rút tiền tự động” (New York Post 2009). Trong khi tác động lâu dài của nó vẫn chưa được xác định, thì sự phát triển của công nghệ tài chính, hay còn gọi là “fintech” trong hơn một thập kỷ qua, đến nay được coi là đã thay đổi hoàn toàn hệ thống tài chính và hứa hẹn sẽ có tác động lớn hơn trong nhiều năm tới. Những gì đang diễn ra ở châu Á là một trường hợp đặc biệt. Hai khía cạnh nổi bật trong bối cảnh của châu Á bao gồm: (a) tác động của fintech đối với tài chính toàn diện; và (b) phản ứng của các ngân hàng trung ương và các cơ quan quản lý.
Fintech được định nghĩa rộng rãi là công nghệ tiên tiến nhằm cải thiện và tự động hóa việc cung cấp và sử dụng các dịch vụ tài chính cho người tiêu dùng và doanh nghiệp. Nó bao gồm một phạm vi rộng lớn từ tiền tệ kỹ thuật số và hệ thống thanh toán (ví dụ: ví điện thoại di động, tài sản mã hóa, dịch vụ chuyển tiền) đến quản lý tài sản (ví dụ: ngân hàng trực tuyến, nhà môi giới trực tuyến, cố vấn robot, giao dịch tài sản điện tử, quản lý tài chính cá nhân, giao dịch di động) đến tài chính thay thế (ví dụ: huy động vốn cộng đồng, cho vay ngang hàng [P2P], cho vay bảng cân đối kế toán trực tuyến, lập hóa đơn và tài trợ chuỗi cung ứng).
Fintech đã được công nhận là một công cụ đầy hứa hẹn để thúc đẩy tài chính toàn diện, tức là đưa các sản phẩm và dịch vụ tài chính tiếp cận đến các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ bị loại trừ trước đây, đặc biệt là ở các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi. Ở châu Á, fintech đã mang lại những lợi ích đáng kể cho các hộ gia đình và doanh nghiệp bằng cách vượt qua hệ thống ngân hàng “vật lý” truyền thống và cung cấp nhiều dịch vụ tài chính khác nhau với chi phí thấp hơn hoặc đặc biệt cho những người trước đây không tiếp cận được vì thu nhập thấp, thiếu thông tin tín dụng hoặc ở vùng xa xôi hẻo lánh.
Có lẽ đáng chú ý nhất là sự phát triển của các nền tảng dựa trên internet cho dịch vụ tài chính thay thế, bao gồm cho vay P2P và huy động vốn cộng đồng, đã tạo ra một cuộc cách mạng trong việc tiếp cận tài chính của các cá nhân, công ty khởi nghiệp và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn để đánh giá rủi ro tín dụng của những người không có đủ dữ liệu truyền thống cũng đã góp phần phát triển tài chính toàn diện. Một số ứng dụng nhất định, chẳng hạn như việc sử dụng blockchain để giảm chi phí chuyển tiền, đang có tác động đáng kể.
Phản ánh vai trò này của fintech, Kế hoạch hành động tài chính toàn diện của Nhóm G20 đã được cập nhật tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 năm 2014 ở Brisbane, Australia bao gồm cam kết thực hiện Nguyên tắc G20 về tài chính toàn diện đổi mới dưới dạng tầm nhìn chung về tiếp cận toàn cầu (BIS và WBG 2016). Vào năm 2018, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới đã phát triển Chương trình nghị sự về công nghệ tài chính Bali (IMF 2018), trong đó đưa ra các vấn đề chính để các nhà hoạch định chính sách và cộng đồng quốc tế cân nhắc khi các quốc gia xây dựng phương pháp tiếp cận chính sách của họ.
Cùng với những lợi ích, cuộc cách mạng fintech kéo theo hàng loạt rủi ro tiềm ẩn mới đối với sự ổn định của hệ thống tài chính và những thách thức đối với việc bảo vệ người tiêu dùng. Phạm vi rộng của chúng ảnh hưởng đến các ngân hàng trung ương cũng như các cơ quan quản lý và giám sát. Các ngân hàng sẽ mất một lượng tiền đáng kể vào tay các nền tảng cạnh tranh? Liệu chúng có thu hẹp bảng cân đối kế toán của mình theo đó có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh tế không? Nếu các ngân hàng mất nguồn vốn từ hoạt động cho vay và gửi tiền, liệu ngân hàng có bị cắt giảm lợi nhuận và trở nên kém ổn định hơn không? Nếu các cá nhân và công ty chuyển từ tiền pháp định của ngân hàng trung ương sang sử dụng tài sản mã hóa để giao dịch, liệu điều này có đe dọa đến hiệu quả của chính sách tiền tệ và làm giảm khả năng của ngân hàng trung ương trong việc giám sát các luồng giao dịch không? Nếu các nền tảng cho vay P2P bị phá sản, sự ổn định tài chính có thể bị suy yếu không?
Tài sản mã hóa (cryptoassets) có thể được sử dụng như một cách để cố gắng lách luật chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Nếu các dịch vụ fintech không được quản lý đầy đủ và người tiêu dùng không được giáo dục đầy đủ, họ có thể phải chịu những tổn thất không mong muốn, chi phí dịch vụ quá cao và mất quyền riêng tư đối với dữ liệu cá nhân của họ. Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn để đưa ra quyết định tín dụng có thể dẫn đến nguy cơ phân biệt đối xử với người tiêu dùng.
Cho đến nay, hầu hết các nghiên cứu đều kết luận rằng về quy mô, fintech vẫn chưa đạt đến quy mô có thể đe dọa đáng kể đến sự ổn định của hệ thống tài chính. Tuy nhiên, các ngân hàng trung ương đang tích cực nghiên cứu các rủi ro tiềm ẩn và các phản ứng chiến lược. Ở một số nền kinh tế châu Á, các khoản thanh toán phần lớn đã chuyển sang phương thức không dùng tiền mặt, làm tăng nhu cầu về phản ứng chính sách của các cơ quan có liên quan. Một câu hỏi quan trọng là liệu các ngân hàng trung ương có nên phát triển các loại tiền kỹ thuật số của riêng họ (tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương – CBDC (central bank digital currencies)) hay không, và nếu có, các loại tiền đó có nên được cung cấp cho người gửi tiền (bán lẻ) hay chỉ trên thị trường liên ngân hàng (bán buôn). Mặt khác, các CBDC có thể cung cấp cho người gửi tiền một tài sản an toàn mới và cung cấp cho các ngân hàng trung ương khả năng giám sát giao dịch cao hơn nữa. Ngoài ra, còn có quan điểm tranh luận về việc các ngân hàng trung ương có cạnh tranh trực tiếp với các ngân hàng tư nhân về tiền gửi (bán lẻ) hay không, vì điều này có thể làm suy yếu cơ sở bán lẻ của các ngân hàng tư nhân. Các ngân hàng trung ương vẫn đang tiếp tục nghiên cứu về chủ đề này.
Những đổi mới về tài chính cũng buộc các cơ quan quản lý phải theo kịp tốc độ để hoàn thành nhiệm vụ giám sát của họ. Chìa khóa cho vấn đề này là phải cân bằng không khoan nhượng giữa hành vi bất hợp pháp với sự quan tâm về ổn định tài chính theo hướng cho phép sự đổi mới diễn ra. Nhiều cơ quan quản lý đã áp dụng phương pháp tiếp cận “Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát – regulatory sandbox” để giám sát sự phát triển của các sản phẩm và dịch vụ tài chính mới trước khi quyết định phê duyệt và đưa ra các quy định thích hợp.