Giá nhà ở không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà vừa gửi báo cáo Quốc hội việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII về lĩnh vực xây dựng.
Giới đầu cơ bất động sản lợi dụng các yếu tố xã hội để đẩy giá lên cao, thu lợi bất chính làm bất ổn thị trường |
Dư thừa nhà ở cao cấp
Đánh giá về tình hình thị trường bất động sản giai đoạn 12/2015 đến nay, báo cáo của Bộ Xây dựng nêu rõ, trong những năm qua, cùng với sự phục hồi và tăng trưởng ổn định của thị trường bất động sản, cơ cấu hàng hóa bất động sản ngày càng đa dạng, phong phú cả về chủng loại và phân khúc sản phẩm, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân và xã hội.
Năm 2018, tình trạng sốt ảo, làm giá, đẩy giá đất lên cao thu lợi bất chính xảy ra tại một số địa phương (Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang, TP. Hồ Chí Minh). Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương có giải pháp chấn chỉnh kịp thời nhằm ổn định thị trường bất động sản.
Trong năm 2019 tiếp tục xuất hiện tình trạng giá đất nền tăng cao trong thời gian ngắn tại một số địa phương, tình trạng xuất hiện một số dự án không đủ cơ sở pháp lý được thực hiện giao dịch, mua bán.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, tình trạng này tuy chưa ảnh hưởng lớn nhưng là nguy cơ gây bất ổn đối với thị trường bất động sản và ảnh hưởng đến an ninh kinh tế và trật tự an toàn xã hội.
Từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng và trực tiếp tới nhiều ngành, lĩnh vực trong đó có thị trường bất động sản. Về cơ bản thị trường bất động sản không bị ảnh hưởng quá nghiêm trọng, các tác động chỉ mang tính chất cục bộ ở một số yếu tố của thị trường và một số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
Theo ông Phạm Hồng Hà, cơ cấu hàng hóa bất động sản, nhất là nhà ở tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã được điều chỉnh theo hướng tích cực nhưng vẫn còn chưa phù hợp với nhu cầu thị trường.
Thị trường dư thừa sản phẩm nhà ở cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao, nhưng lại thiếu sản phẩm nhà ở bình dân phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận dân cư đô thị.
Báo cáo của Bộ Xây dựng chỉ rõ: “Nguồn cung nhà ở trung cao cấp dư thừa trong khi rất thiếu nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp. Nhu cầu phân khúc nhà ở bình dân, giá thấp (dưới 25 triệu đ/m2) chiếm đến 70% - 80% thị trường nhưng nguồn cung hiện nay lại đang thiếu”.
Ông Phạm Hồng Hà cho biết, trong ngắn hạn, có thể thị trường sẽ tiếp tục gặp một số khó khăn nhất định do tác động của đại dịch, tuy nhiên về dài hạn, các doanh nghiệp bất động sản vẫn thấy được tiềm năng và tín hiệu lạc quan từ thị trường bất động sản, đặc biệt là phân khúc bất động sản công nghiệp do sự chuyển dịch của các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
Còn với các dự án nhà ở, phân khúc đất nền là phân khúc ít chịu tác động của đại dịch khiến đất nền là kênh đầu tư an toàn cho các doanh nghiệp bất động sản.
Trên cơ sở đánh giá các yếu tố vĩ mô cũng như các chỉ số cụ thể của thị trường, ông Phạm Hồng Hà nhận định: “Hiện nay thị trường bất động sản chưa có biểu hiện cực đoan như “đóng băng” hay “phát triển nóng””.
Giá nhà vẫn cao so với số đông người dân
Báo cáo của Bộ Xây dựng chỉ rõ, giá cả hàng hóa bất động sản, nhất là giá nhà ở chưa ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực của bất động sản, cũng như không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân.
Giá bất động sản trên thị trường không có xu hướng giảm mà vẫn tăng so với cuối năm 2019. Cụ thể, tại Hà Nội giá căn hộ chung cư tăng 0,16% so với cùng kỳ năm 2019, nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 0,01% so với cùng kỳ năm 2019. Tại TP. Hồ Chí Minh giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,25% so với cùng kỳ năm 2019, đối với nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 0,15% so với cùng kỳ năm 2019.
Giới đầu cơ bất động sản vẫn hoạt động công khai, lợi dụng các yếu tố xã hội như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị... để đẩy giá lên cao thu lợi bất chính làm bất ổn thị trường.
Theo ông Phạm Hồng Hà, công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản, quản lý sử dụng đất đai, giao dịch bất động sản tuy đã được chú trọng và tăng cường, tuy nhiên việc thực hiện vẫn chưa được thường xuyên, liên tục.
“Việc kiểm soát thị trường bất động sản của các cơ quan nhà nước chưa hiệu quả, nhất là tại các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương. Nhiều địa phương khi phát hiện vi phạm vẫn chưa kiên quyết xử lý, còn thiếu quyết liệt trong việc thu hồi các dự án chậm tiến độ, các dự án vi phạm quy định của pháp luật’, ông Phạm Hồng Hà cho hay.
Các quy định của pháp luật về đối tượng cần hỗ trợ về nhà ở xã hội ngày càng mở rộng, trong khi nguồn lực về vốn còn rất hạn chế không đáp ứng được nhu cầu. Thu nhập của các hộ thu nhập thấp tuy đã được cải thiện, nâng cao từng bước nhưng còn thấp, rất khó khăn trong việc chi trả chi phí nhà ở, kể cả trường hợp đã được Nhà nước hỗ trợ một phần.
Việc phối hợp giữa các Bộ, ngành đôi khi còn chưa chặt chẽ, có chính sách chưa được hướng dẫn triển khai kịp thời. Không ít các địa phương chưa quan tâm đúng mức đến phát triển nhà ở xã hội; chưa tích cực xây dựng cơ chế ưu đãi thêm để phát triển nhà ở xã hội thuộc thẩm quyền để thu hút các doanh nghiệp tham gia; chưa tích cực hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào các dự án nhà ở xã hội từ nguồn ngân sách địa phương.
Theo Bộ Xây dựng, thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục kiểm tra, rà soát các dự án bất động sản chậm triển khai, để đất hoang hóa, chủ đầu tư yếu kém không còn khả năng triển khai dự án để quyết định việc cho dãn tiến độ, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với nhu cầu thị trường hoặc thu hồi dự án.
Bộ Xây dựng sẽ tến hành thanh tra, kiểm tra và công bố công khai các dự án bất động sản đang thế chấp ngân hàng, các dự án không thực hiện bảo lãnh, các dự án chưa nộp tiền sử dụng đất, các dự án chậm tiến độ, các dự án chưa nghiệm thu chất lượng công trình, chưa nghiệm thu phòng cháy chữa cháy đã đưa vào sử dụng.