Giải ngân gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng còn chậm là do nguồn cung nhà ở còn hạn chế
Tạo cơ chế cho nhà ở xã hội Tạo cú hích cho các ngân hàng đẩy mạnh cho vay nhà ở xã hội Xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội: Thách thức còn “bủa vây” |
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu khai mạc hội nghị. |
Ngày 22/2, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” năm 2024.
Nhiều địa phương chưa quan tâm phát triển nhà ở xã hội
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vừa là một trong những trụ cột của các chính sách an sinh xã hội, vừa là một giải pháp hữu hiệu thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời góp phần tạo nguồn cung, tái cơ cấu lại thị trường bất động sản, cân đối trong cơ cấu sản phẩm bất động sản, đặc biệt là phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở giá phù hợp cho người thu nhập thấp và trung bình như hiện nay.
Theo Bộ Xây dựng, từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô hơn 411.000 căn hộ, trong đó 71 dự án đã hoàn thành với quy mô gần 40.0000 căn.
Nhiều địa phương đã tích cực trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy khởi công xây dựng nhà ở xã hội như tỉnh Bắc Ninh 15 dự án, 6.000 căn; Bắc Giang 5 dự án, 12.475 căn; Hải Phòng 7 dự án, 11.678 căn; Bình Dương 7 dự án, 6.557 căn...
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng thẳng thắn nhìn nhận việc triển khai Đề án vẫn còn rất nhiều khó khăn, tồn tại những hạn chế, vướng mắc cần phải tập trung và quyết liệt giải quyết trong thời gian tới. Cụ thể, còn nhiều địa phương có kết quả thực hiện chậm so với kế hoạch đăng ký tại Đề án. Một số địa phương đến nay vẫn chưa có dự án nhà ở xã hội được khởi công mới.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, một số địa phương trọng điểm mặc dù có nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn nhưng việc đầu tư nhà ở xã hội còn hạn chế so với mục tiêu của Đề án đến năm 2025.
Cụ thể, Hà Nội 3 dự án, 1.700 căn, đáp ứng 9%; TP. Hồ Chí Minh 7 dự án, 4.996 căn, đáp ứng 19%; hoặc một số địa phương không có dự án nhà ở xã hội khởi công trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay như Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định, Long An, Quảng Ngãi...
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, nhiều địa phương chưa quan tâm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động khu công nghiệp.
Nhiều địa phương chưa đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm, chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp.
Một số thành phố lớn, tập trung nhiều người lao động thu nhập thấp, có nhu cầu về nhà ở xã hội cao, tuy nhiên địa phương đăng ký nhà ở xã hội hoàn thành trong năm 2024 thấp như: Hà Nội 1.181 căn, TP. Hồ Chí Minh 3.765 căn, Đà Nẵng 1.880 căn, Cần Thơ 1.535 căn...
Tỷ lệ giải ngân còn thấp
"Việc giải ngân gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng còn chậm so với mong muốn và nhu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Thanh Hà - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, thực hiện triển khai Chương trình 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11/03/2023 của Chính phủ, NHNN đã ban hành nhiều công văn, chỉ thị, văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực triển khai cho vay.
Hiện nay có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỷ đồng. Đến nay, các ngân hàng thương mại đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền cam kết là khoảng 7.000 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 06 dự án nhà ở xã hội tại 5 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 415 tỷ đồng.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tỷ lệ giải ngân của Chương trình 120.000 tỷ đồng vẫn còn thấp là do phần lớn các dự án được công bố mới đang ở giai đoạn hoàn thiện thủ tục, bắt đầu triển khai.
Đặc biệt, nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế do UBND một số tỉnh, thành phố còn chưa công bố danh mục dự án đủ điều kiện vay vốn Chương trình; một số dự án thuộc danh mục được công bố nhưng chủ đầu tư không có nhu cầu vay vốn (do đã hoàn thành hoặc đã vay vốn từ các nguồn khác); một số dự án còn gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng, thủ tục tính tiền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất…
Theo ông Phạm Thanh Hà, Chương trình 120.000 tỷ đồng được triển khai trong 10 năm (đến năm 2030) nhằm thực hiện Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội. Vì vậy, để đẩy mạnh Chương trình 120.000 tỷ đồng, cần có sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương quyết liệt đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ, từ đó tạo ra khối lượng hoàn thành công trình để có thể giải ngân cho vay.
Năm 2024, Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nỗ lực phấn đấu hoàn thành khoảng 130 nghìn căn hộ. Bên cạnh đó, cần rà soát lại việc triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ để có giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy việc tiếp cận, giải ngân gói tín dụng này.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng, các bộ, ngành, địa phương phải coi việc triển khai Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp là nhiệm vụ chính trị quan trọng, đảm bảo an sinh, đời sống ấm no, đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương phải có trách nhiệm công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư nhà ở xã hội cho doanh nghiệp để nghiên cứu, đề xuất đầu tư.