Giải pháp hút DN đầu tư vào nông nghiệp
Đầu tư vào nông nghiệp: Nhận diện rào cản thể chế | |
“Làn sóng” đầu tư vào nông nghiệp sạch | |
Giải đáp về ưu đãi cho DN đầu tư vào nông nghiệp |
Nghị định mới cần có các nội dung sao cho ít nhất sau 5 năm, phải có 5% số DN cả nước đầu tư vào nông nghiệp nông thôn. Nếu không được thì sửa nghị định chẳng có ý nghĩa gì - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã phát biểu như vậy trong cuộc họp bàn dự thảo nghị định về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Hiện nay số DN đầu tư vào nông nghiệp nông thôn mới chỉ bằng 1% số DN cả nước. Các chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 210/2013/NĐ-CP đã qua 3 năm thực hiện nhưng chưa phát huy hiệu quả như mong muốn. Và để nhận được sự hỗ trợ như nghị định đưa ra, DN phải qua 16 bước với 40 văn bản liên quan. Phần lớn địa phương ưu tiên dành ngân sách cho hạ tầng ít bố trí vốn cho hỗ trợ DN như nghị định.
Muốn kêu gọi DN đầu tư vào nông nghiệp thì Nhà nước phải có chính sách, giải pháp về cơ chế, pháp lý hỗ trợ cho đầu ra của sản phẩm |
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Hà Công Tuấn cho biết, sau 3 năm thực hiện Nghị định 210/2013 mới chỉ thu hút được 64 dự án của DN đầu tư vào nông nghiệp ở 23, tỉnh, thành phố (trong đó phần nhiều là các dự án của DN đăng ký thêm). Và do trong bối cảnh ngân sách khó khăn nên vốn bố trí cho 64 dự án này cứ sau mỗi năm lại bị bớt đi một nửa. Năm 2015 bố trí được 168 tỷ đồng. Năm 2016 là 78 tỷ và năm 2017 chỉ có 32 tỷ đồng, trong tổng số 380 tỷ mà Nhà nước cam kết.
Ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng Hội Nông nghiệp Việt Nam phản ánh: “Thủ tục hành chính cũng bị kêu nhiều. Ở cấp bộ và lãnh đạo tỉnh thì giải quyết thủ tục đầu tư, sản xuất kinh doanh rất nhanh nhưng cấp sở, ngành địa phương thì lại chậm, vướng là vướng chủ yếu ở địa phương”.
“Tôi đã thấy DN cầm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà khóc vì mua đất xây nhà máy, mua xong thì vấp quy hoạch”, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu. Theo bà, cách hỗ trợ DN hiện nay theo lối cũ, là căn cứ theo danh mục ưu đãi đầu tư do UBND tỉnh duyệt nhưng ai bảo đảm danh mục này mang lại hiệu quả cho DN, chưa kể danh mục đó chồng chéo giữa 2 tỉnh liền nhau.
Trước các ý kiến đã nêu, Phó Thủ tướng cho rằng chúng ta còn lúng túng khi triển khai chủ trương tích tụ ruộng đất và chính sách dồn điền đổi thửa, tạo lập một thị trường chuyển nhượng đất đai. Vì vậy nhiều DN không có diện tích đất đủ lớn để đầu tư sản xuất. Chính quyền địa phương dễ thay đổi quy hoạch sử dụng đất, gây rủi ro rất lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh lâu dài của DN. Bên cạnh đó chính sách bảo hiểm nông nghiệp không hiệu quả thì ngân hàng bấu víu vào đâu mà cho vay.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Không chỉ thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn mà còn phải phát triển DN trong khu vực nông nghiệp, nông thôn. Mới có 1% tổng số DN đầu tư vào nông nghiệp với số vốn chiếm khoảng gần 3% tổng số vốn đầu tư của cộng đồng DN vào sản xuất, kinh doanh là con số nhỏ bé trong khi nông nghiệp có nhiều tiềm năng và thị trường nông thôn rộng lớn.
Muốn kêu gọi DN đầu tư thì Nhà nước phải có chính sách, giải pháp về cơ chế, pháp lý hỗ trợ cho đầu ra của sản phẩm bằng cách phát triển thị trường buôn bán, sàn giao dịch nông sản. Có như vậy, DN mới yên tâm đầu tư vào nông nghiệp. Và quan trọng là phải có hành lang pháp lý, cơ chế vững chắc, đồng thời cần quan tâm đến vấn đề khởi nghiệp trong nông nghiệp để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp thay vì chỉ có khuyến khích DN đầu tư.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý cơ quan soạn thảo hoàn thiện lại dự thảo nghị định, cập nhật các nội dung của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (dự kiến được Quốc hội thảo luận, thông qua tại kỳ họp thứ 3) và các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 về thể chế kinh tế thị trường. Cần coi trọng các nội dung về tạo thuận lợi thương mại, mở rộng đối tượng điều chỉnh, quy định công bố công khai quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, các chính sách liên quan tới phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ…
Khắc phục bất cập của Nghị định 210, nghị định mới mở rộng diện DN, dự án được Nhà nước hỗ trợ với các giải pháp hỗ trợ rất cụ thể về tích tụ ruộng đất, đưa ra các giải pháp cho thuê quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất hay chuyển nhượng quyền sử dụng đất; hỗ trợ DN phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thị trường… Mức hỗ trợ cũng khá cụ thể như miễn, giảm tiền sử dụng đất (mức miễn giảm có thể tới 70%), hỗ trợ 80% kinh phí mua bản quyền công nghệ, hỗ trợ 60% kinh phí đầu tư nhà máy chế biến nông, lâm, thủy sản… Để thực hiện các nội dung hỗ trợ, theo tính toán của cơ quan soạn thảo là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hàng năm NSNN (bao gồm cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) bố trí khoảng 11.200 tỷ đồng. Sự hỗ trợ này sẽ mang lại hiệu quả không nhỏ. Đó là có khoảng 1000 DN sẽ đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tạo việc làm cho 30.000 lao động trực tiếp và 90.000 lao động gián tiếp. |