“Làn sóng” đầu tư vào nông nghiệp sạch
Báo cáo Tổng kết năm 2015 của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) mới được công bố cho thấy, 2015 là một năm khó khăn cho sản xuất trồng trọt, hiện tượng El nino kéo dài từ đầu năm dẫn đến hạn hán trên diện rộng ở miền Trung, Tây Nguyên; xâm nhập mặn Đồng bằng Sông Cửu Long, thời tiết cực đoan mưa to gây ngập lụt ở một số tỉnh phía Bắc...
Mặt khác, giá cả nông sản xuống thấp, tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, vì vậy tốc độ tăng trưởng trồng trọt thấp nhất trong nhiều năm gần đây. Năm 2015, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất trồng trọt ước khoảng 2,0 %; giá trị sản phẩm thu hoạch trên một ha đất trồng trọt khoảng 82-83 triệu đồng; lương thực có hạt đạt 50,26 triệu tấn.
Năm 2016, nhiều khả năng sẽ xuất hiện làn sóng DN khởi nghiệp trong lĩnh vực Nông nghiệp |
Đứng trước thực trạng trên của ngành nông nghiệp, gần đây, một số DN trong ngành này đã mạnh dạn đầu tư vào khoa học công nghệ, sản xuất các sản phẩm mới theo hướng hữu cơ. Ông Phạm Minh Thiện, Giám đốc điều hành Công ty Cỏ May (Đồng Tháp) cho biết, công ty đã bỏ ra số tiền 7 triệu euro để nhập máy móc từ châu Âu để sản xuất các sản phẩm tinh dầu chiết xuất từ cám gạo.
“Cám gạo thay vì cho lợn ăn thì tương đối lãng phí. Tại sao không đưa khoa học công nghệ vào khai thác giá trị gia tăng trong cám gạo?”, ông Thiện nói về trăn trở của mình trước khi nhập khẩu máy móc về sản xuất tinh dầu cám hướng đến mục tiêu xuất khẩu sang thị trường tiêu thụ sản phẩm này lớn nhất thế giới là Nhật Bản. “Cơ hội để xuất khẩu tinh dầu cám gạo qua Nhật Bản là rất lớn”, ông Thiện nhấn mạnh.
Thực tế, các nhà khoa học phương Tây những năm gần đây đã nghiên cứu ra các loại máy móc công nghệ mới có thể chiết xuất được dầu mè, hoa bia, cafein, thậm chí có thể tách được cả dư lượng thuốc bảo vệ thực vật có trong gạo.
“Nhìn thấy sự phong phú về chủng loại sản phẩm nông sản ở Đồng bằng sông Cửu Long, cộng với việc ứng dụng khoa học công nghệ mới ở Tây Âu sẽ giúp DN có lợi nhuận lớn từ vài chục đến vài trăm phần trăm/năm, chúng tôi quyết định đầu tư”, ông Phạm Minh Thiện nói thêm.
Chọn cách đi vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ – organic và bước đầu gặt hái những thành công từ sản phẩm mít, xoài sấy khô, với doanh số bán hàng tăng vài chục phần trăm/năm, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc công ty Vinamit cho rằng, Việt Nam là nước nông nghiệp, nền sản xuất vẫn chủ yếu là tiểu nông – sản xuất nhỏ, nếu DN đi theo mô hình đại công nghiệp – sản xuất quy mô lớn thì sẽ gặp nhiều khó khăn khi cạnh tranh với DN nông nghiệp từ các quốc gia khác, do chi phí giá thành sản xuất cao hơn. Tuy nhiên, nếu DN chuyển hướng, đi vào sản phẩm organic thì sẽ có thị trường rộng mở hơn.
Một nguyên nhân khác, khiến DN phải chuyển hướng sản xuất sản phẩm organic, được ông Nguyễn Lâm Viên chỉ ra, đó là, nguồn nguyên liệu nông sản phục vụ chế biến thường không ổn định. Lúc thừa lúc thiếu.
Ngay như Vinamit cần 200.000 tấn nguyên liệu mít/năm, nhưng chỉ mua được 40.000 tấn/năm. Hoặc đối với sản phẩm sấy khô khác đang bán chạy như tôm tươi là xoài sấy, DN cũng lo lắng vì nguyên liệu thường không ổn định.
“Xoài thường ra hoa vào dịp Tết âm lịch. Nhưng thời điểm này, người ta (công nhân được thuê chăm sóc vườn cây) thường nghỉ ăn Tết, không tưới nước, khiến xoài rụng bông hết, năng suất thấp, dẫn đến nguyên liệu chế biến xoài sấy khô bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, ông Viên dẫn chứng thêm.
Cũng cần nói thêm, những biến động mạnh về nguyên liệu khiến các DN nhỏ kinh doanh nông sản phát triển thiếu bền vững. DN thường thành công ở mấy năm đầu, nhưng càng về sau càng gặp khó.
Ông Nguyễn Lâm Viên thừa nhận quy luật này và cho rằng, để cải thiện được tình trạng này, đòi hỏi DN sản xuất nông nghiệp Việt Nam phải đi theo sản xuất chuỗi, ứng dụng công nghệ, tạo ra chất lượng và cần phải hướng đến organic.
“Thị trường cho sản phẩm organic còn rộng, nếu chúng ta biết cách làm, đi theo ngách này thì cơ hội vẫn còn nhiều để chiến thắng”, ông Viên nhấn mạnh.
Gần đây, ngày càng nhiều DN ứng dụng khoa học công nghệ vào chế biến nông sản sạch như: Công ty Việt Đức (sản xuất xoài sấy dẻo) xuất khẩu sang thị trường Đức; Công ty Bé Dũng ở Bình Thuận (sản xuất thanh long sấy khô)…
Các chuyên gia kinh tế dự báo, năm 2016, nhiều khả năng sẽ xuất hiện làn sóng DN khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp organic, DN ứng dụng khoa học công nghệ chế biến nông sản… Đó có thể sẽ là “phao cứu sinh” cho một nền nông nghiệp đang gặp nhiều thách thức nghiêm trọng khi hội nhập sâu rộng với thế giới.