Giải tỏa đền bù: Phải làm sao để người dân có công ăn việc làm ổn định
Thời điểm vàng cho đầu tư cơ sở hạ tầng | |
PPP vẫn là nguồn vốn không thể thiếu để phát triển cơ sở hạ tầng | |
Ngũ Hành Sơn: Tín hiệu mới cho bất động sản từ đòn bẩy cơ sở hạ tầng |
Những năm qua, với sự phát triển hài hoà giữa hạ tầng cơ sở, đặc biệt là cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh, Đà Nẵng được đánh giá là “đô thị đáng sống” của Việt Nam. Đời sống người dân thành phố từng bước được nâng lên rõ rệt. Nhất là những hộ dân thuộc diện giải toả đền bù, được bố trí tái định cư về nơi ở mới, cơ sở hạ tầng khang trang, hiện đại và tiện ích hơn.
Có thể nói, đó là nỗ lực vượt bậc của các cấp chính quyền thành phố trong suốt chặng đường phát triển 26 năm qua kể từ ngày trực thuộc Trung ương. Điển hình như trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, với tổng số dự án tái định cư đã hoàn thành trên toàn địa bàn tính đến nay khoảng 43 dự án; với tổng số hồ sơ đã bàn giao mặt bằng hơn 3.037 hồ sơ.
Hiện trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn đang triển khai 37 dự án; với tổng hồ sơ chưa bàn giao mặt bằng 2.813 hồ sơ. Chính quyền Đà Nẵng luôn bảo đảm dân chủ, tuân thủ các quy trình, thủ tục về chính sách đền bù, giải toả và chú trọng giải quyết đảm bảo các lợi ích chính đáng của nhân dân nên đã hạn chế thấp nhất tình trạng cưỡng chế thu hồi đất.
Cùng với đó, đề cao công tác vận động, giải thích, thuyết phục nhân dân tại các khu vực quy hoạch cần giải toả để phát triển kinh tế - xã hội. Các cấp, hội, đoàn thể cũng luôn quan tâm, thường xuyên lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân. Qua đó, kịp thời giải quyết các kiến nghị hợp tình, hợp lý của người dân, để người dân hiểu và ủng hộ chủ trương phát triển, xây dựng Ngũ Hành Sơn trở thành đô thị hiện đại, văn minh.
Ông Trần Thanh Tuấn, Tổ 36, khu vực Đồng Nò, phường Hòa Quý chia sẻ, gia đình ông thuộc diện di dời giải tỏa. Ban đầu ông và gia đình chưa thống nhất với phương án đền bù, hỗ trợ. Qua nhiều lần tiếp dân, đối thoại và được sự vận động thuyết phục thấu tình đạt lý của chính quyền địa phương, gia đình chấp hành chủ trương, tự nguyện di dời bàn giao mặt bằng...
Theo Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn Nguyễn Hòa, giải tỏa đền bù, giải phóng mặt bằng là 1 trong 3 nhiệm vụ trọng tâm hàng năm địa phương đăng ký với UBND thành phố. Ban Thường vụ Quận ủy thành lập Ban vận động Giải phóng mặt bằng, do Phó Bí thư Thường trực Quận ủy làm Trưởng ban. Các ban, ngành, đoàn thể xây dựng chương trình phối hợp, chủ động nắm chắc tình hình của nhân dân tại các dự án triển khai và phản ánh kịp thời những vấn đề phát sinh, tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu kiến nghị của nhân dân về chủ trương, cơ chế, chính sách, phương án bồi thường, các điều kiện bảo đảm cho tái định cư.
Các cơ quan liên quan tập trung giải quyết những vấn đề phát sinh, khiếu nại, tố cáo của nhân dân trong việc thực hiện chủ trương bồi thường, giải tỏa đền bù thực hiện dự án; động viên nhân dân khắc phục những khó khăn trước mắt, bàn giao mặt bằng cho dự án đúng tiến độ, thời gian.
Công tác đền bù giải phóng mặt bằng được đảm bảo sẽ đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông |
Để đạt được kết quả cao nhất, địa phương xác định công tác giải tỏa đền bù, giải phóng mặt bằng là hoạt động khó khăn, phức tạp, nhạy cảm vì tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống, liên quan đến thói quen, tập quán, sinh hoạt của người dân. Vì vậy, địa phương thống nhất quan điểm “vận động là chính”. Việc bồi thường, di dời các hộ dân trong khu vực quy hoạch được giải quyết thỏa đáng trên cơ sở quy định của pháp luật, lợi ích người dân luôn được đặt lên hàng đầu.
Một trong những bài toán nan giải đối với công tác giải tỏa đền bù là làm sao để người dân thuộc diện giải tỏa đền bù có công ăn việc làm ổn định, đời sống tại nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ. Đó là vấn đề chính quyền TP. Đà Nẵng luôn trăn trở trong việc thực hiện các dự án.
Tại quận Ngũ Hành Sơn, để giải bài toán trên, chính quyền đã triển khai thực hiện có hiệu quả đề án “Hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề và giải quyết việc làm cho nông dân thuộc diện di dời giải tỏa, thu hồi đất sản xuất trên địa bàn quận giai đoạn 2011-2020” và triển khai đồng bộ các giải pháp tổng hợp, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả “Đề án giảm nghèo trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn giai đoạn 2016-2020”.
Cùng với đó, các phường trên địa bàn tập trung các giải pháp hỗ trợ người dân vùng giải toả tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh doanh, sản xuất mô hình nông nghiệp theo hướng đô thị, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà, vay vốn học sinh, sinh viên… Đối với hộ gia đình thuộc diện di dời giải toả có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng chính sách có công đều được xem xét hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở ổn định cuộc sống...
Ông Nguyễn Hòa cho biết, với định hướng xây dựng thành đô thị hiện đại phía Đông Nam thành phố nên ngay sau khi được thành lập, nhiều dự án hạ tầng đô thị triển khai trên địa bàn. Cao điểm nhất vào giai đoạn 2005-2015, toàn quận như một đại công trường, cùng lúc có hàng trăm dự án được khởi động, với hàng ngàn hộ dân bị tác động, phải di dời, giải tỏa và hàng chục ngàn ngôi mộ phải di chuyển...
Nhưng với sự nỗ lực không mệt mỏi của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân, quận Ngũ Hành Sơn gặt hái thành quả ngọt ngào, là 1 trong 4 đơn vị được thành phố công nhận “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022”.