Thời điểm vàng cho đầu tư cơ sở hạ tầng
PPP vẫn là nguồn vốn không thể thiếu để phát triển cơ sở hạ tầng | |
Đối tác công - tư: Ứng xử sao cho bình đẳng? |
Thiếu cơ sở hạ tầng chất lượng sẽ khó thu hút FDI
Trả lời câu hỏi đâu là lĩnh vực quan trọng nhất giúp Việt Nam cải thiện khả năng thu hút FDI mà EuroCham đưa ra trong khảo sát Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) trong hai quý vừa qua, các doanh nghiệp, nhà đầu tư châu Âu đều phản hồi là cơ sở hạ tầng và thủ tục hành chính là những vấn đề hàng đầu cần tập trung ưu tiên cải thiện.
Thực tế này cũng được chỉ ra trong Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 (GCR) của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF). Cụ thể theo GCR 2019 (các năm 2020 và 2021 WEF không công bố báo cáo GCR thường niên do tác động của dịch bệnh Covid-19), mặc dù có được sự cải thiện đáng kể, tăng 10 bậc (từ vị trí 77 lên vị trí 67/141 nền kinh tế) trên bảng xếp hạng nhưng riêng trụ cột cơ sở hạ tầng chỉ ở vị trí 77/141 (giảm tới 5 bậc so với GCR 2018), với thứ hạng thấp trên hầu hết các lĩnh vực hạ tầng giao thông, đặc biệt là về chất lượng vận tải đường bộ và hàng không.
Trong khi đó theo dữ liệu của WB, chi phí thương mại phi thuế quan của Việt Nam cao hơn các nước ASEAN, với chi phí do tắc nghẽn vận tải lên tới 21% GDP trong năm 2016, vượt xa mức trung bình toàn cầu là 12%.
Phối cảnh Cảng hàng không Long Thành. |
Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu HSBC trong một báo cáo gần đây cho biết, cơ sở hạ tầng lạc hậu và quá tải liên tục được coi là trở ngại đối với năng lực sản xuất trong tương lai. Bởi, phần lớn vốn FDI chảy vào lĩnh vực sản xuất, nên hạ tầng giao thông hạn chế sẽ gây trở ngại cho sản xuất và xuất khẩu hàng hóa công nghiệp.
“Do đó, việc nâng cấp và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng hiện có sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam giảm bớt các rào cản đối với thương mại, thúc đẩy khả năng cạnh tranh và tăng cường thu hút FDI, từ đó góp phần hỗ trợ tăng trưởng dài hạn”, báo cáo của HSBC nhận định.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại là một trong ba đột phá chiến lược để góp phần đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và xa hơn là mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030.
Theo các chuyên gia, đây chính là “thời điểm vàng” để biến những yếu điểm cơ sở hạ tầng thành thế mạnh trong trung và dài hạn nếu tận dụng hiệu quả các yếu tố thuận lợi hiện nay, cả về quyết tâm chính trị, chính sách, các nguồn vốn lớn cho đầu tư công (vốn đầu tư từ ngân sách chung và vốn từ Chương trình phục hồi) cũng như mong muốn, nhu cầu tham gia của khu vực tư nhân…
Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại, chất lượng không chỉ là tiền đề cho phát triển bền vững, tăng khả năng cạnh tranh mà còn là cơ sở để thu hút được nhanh hơn, nhiều hơn các dòng vốn FDI chất lượng cao, quy mô lớn và có tính lan tỏa tốt hơn.
Đổi mới tư duy, cách làm
Theo khuyến nghị của các chuyên gia và các tổ chức quốc tế, trong đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển hạ tầng giao thông - cơ sở hạ tầng “truyền thống” vẫn là cốt lõi. Trong đó, ngoài giao thông đường bộ được chú trọng hàng đầu (đặc biệt là đường cao tốc Bắc Nam) thì các dự án hạ tầng hàng không (Cảng hàng không Long Thành, Nhà ga T3 cảng hàng không Tân Sơn Nhất…), đường sắt cũng đang được Chính phủ quan tâm triển khai quyết liệt.
Các chuyên gia lưu ý, giải phóng mặt bằng chậm, thiếu nguyên vật liệu, năng lực nhà thầu hạn chế… là những yếu tố chính khiến nhiều dự án rơi vào tình trạng đình trệ kéo dài và đội vốn thời gian qua. Do đó, cần tập trung xử lý dứt điểm các vấn đề này để các dự án cơ sở hạ tầng thực sự được triển khai nhanh, hiệu quả trong thời gian tới.
Về vốn, bên cạnh nguồn vốn chủ yếu là đầu tư công thì khoảng 1/3 nhu cầu kỳ vọng sẽ đến từ khu vực tư nhân. Trong bối cảnh đó, Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu HSBC cho rằng, mô hình đối tác công tư (PPP) nổi lên như một giải pháp “bền vững” để hỗ trợ nhu cầu ngày càng tăng của cơ sở hạ tầng mà không gây thêm gánh nặng về tài khóa và nợ. Tuy nhiên, quy mô của những dự án PPP đến nay vẫn còn rất hạn chế và chủ yếu tập trung trong lĩnh vực năng lượng.
“Mặc dù Việt Nam đã đạt được tiến bộ trong việc đơn giản hóa khung pháp lý để giải quyết các vấn đề còn tồn tại (Luật PPP có hiệu lực từ 1/1/2021 cho phép Nhà nước cam kết các cơ chế chia sẻ doanh thu) nhưng chỉ thế thôi chưa đủ. Nhìn rộng ra, Việt Nam cần thêm nhiều cải cách hơn nữa để cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút sự tham gia của khối tư nhân vào các kế hoạch cơ sở hạ tầng dài hạn, thúc đẩy khả năng cạnh tranh của Việt Nam”, theo báo cáo của HSBC.
Cùng quan điểm này, ông Alain Cany - Chủ tịch EuroCham cho rằng, vốn FDI đang sẵn có và có thể hỗ trợ. Tuy nhiên, kể từ khi Luật PPP có hiệu lực, số lượng các dự án theo phương thức đối tác công tư trên thực tế đã giảm dần.
“Nguyên nhân là do khuôn khổ pháp lý còn quá đơn giản, chưa xác định rõ quyền của nhà đầu tư và không đủ để điều chỉnh nhiều vấn đề lớn liên quan đến phương thức PPP. Tôi hy vọng Chính phủ sẽ tiếp tục khai thông các thủ tục hành chính và xây dựng khung pháp lý toàn diện để các doanh nghiệp FDI có thể đóng góp nhiều hơn”, ông Alain Cany đề xuất.
Với nguồn đầu tư công, trong nhiệm kỳ này, Chính phủ dự kiến dành khoảng 470.000 tỷ đồng cho các dự án, công trình giao thông. Tại hội nghị Ban Chỉ đạo các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong lúc khó khăn, nguồn vốn đầu tư cho các công trình, dự án giao thông trọng điểm góp phần quan trọng thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, hỗ trợ an sinh xã hội. Do đó, đây là “nhiệm vụ chính trị quan trọng, đã làm thì phải hiệu quả, đến nơi đến chốn”.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu lãnh đạo từng bộ, ngành, địa phương, ban quản lý dự án, nhà thầu đều phải “thay đổi suy nghĩ, cách xử lý vấn đề, tổ chức thực hiện”; đẩy mạnh triển khai; nắm bắt và xử lý ngay những vướng mắc, đặc biệt liên quan đến giải phóng mặt bằng, nguyên vật liệu xây dựng cho các dự án; thực hiện đúng kế hoạch đề ra với từng dự án cụ thể trên tinh thần công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng tiêu cực.
Theo ông Nguyễn Minh Cường - Kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam, trong bối cảnh bên ngoài còn nhiều rủi ro, bất định và trong nước Việt Nam cũng đang chuyển dần sang thắt chặt chính sách tiền tệ thì chính sách tài khóa, đặc biệt là giải ngân hiệu quả đầu tư công từ kế hoạch hàng năm và Chương trình phục hồi phải là chỗ dựa để thúc đẩy tăng trưởng trong năm tới, qua đó giúp bù đắp phần nào những giảm sút từ những động lực khác, nhất là xuất khẩu. |