Giảm phí trước bạ liệu có “vực dậy” thị trường ô tô?
Theo số liệu mới nhất của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tháng 5/2023, doanh số bán hàng của toàn thị trường ô tô chỉ đạt 20.726 xe, giảm 8% so với tháng 4 trước đó và giảm 53% so với cùng kỳ năm 2022. Trong số 20.726 xe bán ra toàn thị trường, bao gồm 14.483 xe du lịch, 6.096 xe thương mại và 147 xe chuyên dụng. Doanh số xe du lịch giảm 8%, xe thương mại giảm 6% và xe chuyên dụng giảm 16% so với tháng trước đó.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, các đơn vị thành viên VAMA có tổng doanh số bán hàng toàn thị trường là 113.527 xe, giảm 36% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xe du lịch giảm 41%, xe thương mại giảm 12% và xe chuyên dụng giảm 63%. Xét về nguồn gốc xe, trong khi doanh số bán của xe lắp ráp trong nước đạt 62.096 xe, giảm 43% thì xe nhập khẩu là 51.431 xe, giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bộ Công thương tiếp tục đề nghị giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất trong nước và gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt |
Được biết, đây là tháng thứ 2 liên tiếp VAMA có doanh số bán hàng giảm. Đây được xem là tín hiệu đáng lo ngại.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp; thúc đẩy cả phía cầu và cung. Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục chuẩn bị phương án hỗ trợ bổ sung về miễn giảm thuế, phí, lệ phí; nghiên cứu, tính toán phương án giảm thuế trước bạ đối với ô tô... Đồng thời, Bộ Công thương cũng tiếp tục đề nghị giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất trong nước và gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, trong bối cảnh nhiều thách thức hiện nay. Sức ép kinh tế cũng làm ảnh hưởng tâm lý người tiêu dùng, thắt chặt chi tiêu.
Dự thảo nghị định của Chính phủ về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước xây dựng theo hướng giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Thời gian áp dụng 6 tháng, kể từ ngày 1/7 đến hết năm nay. Trước đó, trong năm 2022, để kích cầu tiêu dùng và hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, Chính phủ đã hai lần giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (đó là trong 6 tháng cuối năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022).
Theo nhận định của các chuyên gia, việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đã khuyến khích các nhà sản xuất, phân phối ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước nối lại chuỗi cung ứng, kích thích nhu cầu mua xe của người dân, khiến số lượng tiêu thụ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tăng lên mạnh, bù đắp được phần giảm thu lệ phí trước bạ.
Tuy số phí trước bạ có giảm nhưng doanh số bán xe tăng mạnh, khiến thu ngân sách từ ô tô vẫn tăng cao, hỗ trợ các nhà sản xuất, nhà phân phối tiêu thụ được lượng xe tồn kho kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, tạo đà cho việc tái sản xuất, phục hồi tốc độ tăng trưởng của ngành. Đồng thời, thúc đẩy các nhà sản xuất ô tô trong nước đẩy mạnh sản xuất, lắp ráp xe mới đưa vào thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của xe ô tô đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa, hướng tới mục tiêu xuất khẩu sang khu vực Asean. Từ đó, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
“Mặc dù việc giảm thuế phí sẽ đem lại những hiệu ứng tích cực, kích thích tiêu dùng trong nước, nhưng vẫn cần tính toán kỹ tác động đến cân đối thu ngân sách nhà nước, tác động đến cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên theo nguyên tắc Đối xử quốc gia trong khuôn khổ WTO và các hiệp định thương mại tự do FTA”, chuyên gia khuyến cáo.