Gỡ khó cho nhà ở xã hội trong tiếp cận vốn ưu đãi
Tiếp tục gỡ "nút thắt" để phát triển nhà ở xã hội | |
Dự án thương mại không muốn “gánh” nhà ở xã hội | |
Doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội “kêu cứu” |
Nguồn vốn ưu đãi đã sẵn sàng
Trao đổi với Thời báo Ngân hàng, lãnh đạo các NHTM cho biết đã sẵn sàng để cho vay hỗ trợ lãi suất 2% đối với các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, sửa chữa, cải tạo chung cư cũ theo Nghị định 31/2022 của Chính phủ và Thông tư 03/2022/NHNN. Hiện nay nhiều ngân hàng như Vietcombank, Agribank, OCB, HDBank… đã lên kế hoạch phân bổ chỉ tiêu cho vay hỗ trợ lãi suất đến các chi nhánh cấp tỉnh để ngay khi được NHNN phê duyệt sẽ triển khai hỗ trợ đồng bộ đối với các khách hàng DN, hợp tác xã, trong đó có các DN là chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, sửa chữa cải tạo chung cư cũ.
Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, NHNN thành phố đã chỉ đạo các TCTD hướng dẫn xây dựng quy trình, tập huấn trên toàn hệ thống của mình. Việc tổ chức được thực hiện qua hai kênh là phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện để nắm bắt thông tin phản ánh của DN, hiệp hội DN, từ đó chỉ đạo kịp thời giải quyết nhu cầu và thông qua trang web, đường dây nóng của NHNN thành phố để tiếp nhận thông tin phản ánh của DN và xử lý nhanh những vướng mắc nếu có.
Bộ Xây dựng mới chỉ lựa chọn được 4 dự án nhà ở xã hội đáp ứng đủ hồ sơ pháp lý để cho vay ưu đãi lãi suất trong đợt đầu |
Tương tự bà Nguyễn Thị Đậm - Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Tiền Giang cho hay, UBND tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo các sở, ngành phối hợp với chi nhánh NHNN tỉnh để rà soát hồ sơ khách hàng nhằm tiến hành hỗ trợ ngay khi được phê duyệt. Các TCTD tại Tiền Giang hiện cũng đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn vốn, tổ chức phổ biến, công khai chính sách hỗ trợ đối với các khoản vay của DN, HTX, hộ kinh doanh theo Nghị định 31/2022 đến các cán bộ, các phòng, ban làm công tác trực tiếp đối với gói vay vốn này.
“Riêng đối với các trường hợp cho vay hỗ trợ chủ đầu tư nhà ở xã hội, trong đợt đầu, Tiền Giang có 1 dự án được Bộ Xây dựng đề xuất hỗ trợ vay vốn. NHNN sẽ chỉ đạo để các TCTD tham gia cho vay sớm nhất”, bà Đậm cho biết.
Trên phạm vi toàn quốc, theo NHNN Việt Nam, đến nay các NHTM đã hoàn thành đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất. NHNN đã tổng hợp, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính báo cáo cấp có thẩm quyền để giao bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2022 (gần 16.035 tỷ đồng), bố trí kế hoạch đầu tư công năm 2023 (trên 23.965 tỷ đồng). Đồng thời, NHNN cũng đã có thông báo hạn mức hỗ trợ lãi suất dự kiến năm 2022 tới từng NHTM để triển khai sớm chính sách.
Để hỗ trợ các NHTM sớm triển khai chính sách, NHNN đã tiếp nhận, tổng hợp, giải đáp tất cả các câu hỏi, thắc mắc nhận được dưới mọi hình thức, cả bằng văn bản và qua trao đổi trực tiếp, trao đổi qua điện thoại, tin nhắn, thư điện tử. NHNN đã có văn bản 4593/NHNN-TD ngày 05/7/2022 trả lời, giải đáp gần hơn 20 vấn đề thuộc phạm vi, chức năng quản lý của NHNN về phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc, điều kiện, thời hạn, phương thức hỗ trợ lãi suất, thực hiện dự toán, quyết toán, thu hồi số tiền đã hỗ trợ lãi suất, quản lý hạn mức hỗ trợ lãi suất. Riêng đối với các câu hỏi liên quan đến đối tượng được hỗ trợ lãi suất, NHNN đã tổng hợp và có các văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng giải đáp cho các NHTM.
Sẽ “nhắc” các địa phương làm đúng thủ tục
Ghi nhận của Thời báo Ngân hàng, đến thời điểm giữa tháng 7/2022 hầu hết các địa phương trên cả nước đều đã gửi báo cáo về Bộ Xây dựng. Các địa phương đã đề xuất ngành Ngân hàng cho vay ưu đãi với chủ đầu tư của 240 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và 83 dự án cải tạo chung cư cũ. Tổng nhu cầu vay khoảng 40.900 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Nghị định 31 quy định trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành phố là lập danh mục dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ tại địa phương mình gửi Bộ Xây dựng. Đối chiếu các quy định này, hiện nay Bộ Xây dựng mới chỉ lựa chọn được 4 dự án nhà ở xã hội đáp ứng đủ hồ sơ pháp lý để cho vay ưu đãi lãi suất trong đợt đầu. Bốn dự án này thuộc về các tỉnh Lào Cai, Hòa Bình, Tây Ninh, Tiền Giang với quy mô 6.426 căn hộ, tổng mức đầu tư 4.600 tỷ đồng và nhu cầu vay vốn theo đề xuất của các địa phương khoảng 1.700 tỷ đồng.
Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, sở dĩ 236 dự án còn lại của 37 tỉnh, thành phố chưa được đưa vào danh sách các dự án được vay ưu đãi đợt này là vì các địa phương đã giao cho Sở Xây dựng đề xuất danh mục dự án và gửi về Bộ Xây dựng. “Qua rà soát có nhiều dự án đủ điều kiện nhưng thẩm quyền ban hành văn bản gửi về Bộ Xây dựng chưa đúng. Bộ Xây dựng đã có văn bản đôn đốc, nhắc nhở các địa phương, đề nghị các địa phương trong thời gian tới lưu ý thực hiện đúng”, ông Hưng nói.
Ngoài ra, cũng theo ông Hưng, hiện các ngân hàng còn băn khoăn về những khách hàng được vay vốn hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31. Cụ thể, đối với các dự án nhà ở xã hội, dự án cải tạo chung cư cũ, các ngân hàng đề nghị làm rõ là cho vay ưu đãi với chủ đầu tư hay nhà thầu thực hiện dự án hoặc cả hai. Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản trực tiếp làm rõ trường hợp khách hàng được thụ hưởng gói hỗ trợ 2% lãi suất là các “chủ đầu tư” dự án, bao gồm cả các chủ đầu tư thực hiện dự án tháo dỡ toàn bộ và xây dựng lại chung cư cũ.
“Các quy định này đều phù hợp với pháp lý đã được thể hiện trong Nghị định 100/2015/NĐ-CP, Nghị định 69/2021/NĐ-CP và Luật Nhà ở 2014. Vì thế các ngân hàng có thể mạnh dạn cho vay theo danh mục do Bộ Xây dựng công bố”, ông Hà nhấn mạnh.
Hội đồng Nhân dân TP.HCM khóa X, phiên họp thứ 6, ngày 8/7/2022 đã thông qua chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030, trong đó, mục tiêu đến năm 2025 diện tích nhà ở bình quân 23,5m2/người, trong đó sẽ tăng thêm 50 triệu m2 diện tích mặt sàn; đến năm 2030 bình quân một người sẽ nâng lên 26,5m2 và giai đoạn 2026-2030 sẽ tăng 57,5 triệu m2 diện tích mặt sàn. Theo đó, HĐND thành phố đã thông qua nghị quyết dành 10% tổng nguồn vốn ngân sách để phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2025, giai đoạn 2026-2030 số ngân sách dành ra khoảng 8.640 tỷ đồng. |