Gỡ vướng mắc về thuế cho chuỗi cung ứng nông sản
Khai trương Trung tâm cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn Xây dựng trung tâm cung ứng nông sản hiện đại |
Trong các mối quan hệ liên kết này, doanh nghiệp được xem là khâu kết nối quan trọng giữa sản xuất và thị trường. Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp cùng với nông dân, chủ trang trại, chủ nông trại, hợp tác xã sẽ góp phần nâng cao năng suất lao động, phát triển sản xuất hàng hóa lớn gắn với dự báo về thị trường đầu ra. Tuy nhiên, để làm được việc này cần phải tiến hành cùng lúc chính sách khuyến khích, hỗ trợ đủ hấp dẫn và minh bạch đối với hoạt động hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Đồng thời, phải tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong chính sách đang cản trở hoặc gây khó khăn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ trong chuỗi giá trị liên kết cung ứng - sản xuất - tiêu thụ nông sản.
Nông sản là đầu ra của sản xuất nông nghiệp, có ảnh hưởng sâu rộng nên cần cân nhắc kỹ các yêu cầu về hiệu quả, tính khả thi và thực tiễn quản lý thuế... |
Ông Nguyễn Văn Phụng, chuyên gia cao cấp về thuế và quản trị doanh nghiệp cho biết, khu vực nông thôn và các nông hộ thường không có điều kiện thuận lợi về đầu tư cơ sở hạ tầng, thụ hưởng dịch vụ công và phúc lợi xã hội... Vì vậy, trong quy định của pháp luật thuế, thường thấy một số ưu đãi, khuyến khích dành cho sản xuất kinh doanh tại khu vực này. Cụ thể như hiện tại Luật Thuế thu nhập cá nhân đang có quy định miễn thuế thu nhập cá nhân (không thu thuế, không phải kê khai nộp thuế) đối với thu nhập (lãi) của tất cả cá nhân, hộ gia đình có được thu nhập từ hoạt động sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và làm muối.
Bên cạnh đó, nông sản là đầu ra của sản xuất nông nghiệp, lĩnh vực liên quan tới gần 80% dân số, có ảnh hưởng sâu rộng nên cần cân nhắc kỹ các yêu cầu về hiệu quả, tính khả thi và thực tiễn quản lý thuế... Do vậy, nên lựa chọn đưa vào quy định pháp luật diện không chịu thuế giá trị gia tăng đối với nông sản.
Cùng với đó, hiện các mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng trong đầu vào của sản xuất nông nghiệp bao gồm nhiều loại, nhưng phần nhiều nhất vẫn là phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; thức ăn chăn nuôi. Trước đó các mặt hàng này thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng với mức thuế suất 5%; đồng thời thuế giá trị gia tăng của nguyên liệu, vật tư đầu vào (phần lớn chịu thuế suất 10%) được khấu trừ toàn bộ.
Theo Tổng cục Thuế, các doanh nghiệp sản xuất phân bón, cơ khí đã có văn bản nêu những khó khăn và Hiệp hội doanh nghiệp các ngành hàng này đã có đề xuất quyết liệt đưa một số mặt hàng nông nghiệp vào diện chịu thuế suất 0%.
Nhưng trên thực tiễn, việc không chịu thuế lại đã và đang gây khó khăn cho cả nông dân và các doanh nghiệp sản xuất vì Việt Nam đã hạ dần mức bảo hộ về thuế đối với các mặt hàng này (từ trên dưới 10% xuống 0%) và áp thuế giá trị gia tăng thống nhất giữa hàng nhập khẩu với hàng cùng loại sản xuất trong nước nên hàng nhập khẩu luôn bám theo hàng trong nước để hưởng lợi.
Vừa qua, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Quốc hội văn bản sửa đổi thuế giá trị gia tăng đối với phân bón, máy móc thiết bị chuyên dùng cho sản xuất nông nghiệp theo hướng quay trở lại như trước. Việc đưa vào diện chịu thuế giá trị gia tăng với mức thuế suất 5% không chỉ phù hợp với thực tiễn của nền kinh tế, mà cũng là mở rộng diện chịu thuế, mở rộng cơ sở thuế như Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021 – 2030.