Gói 16.000 tỷ đồng: Quy định chặt quá, doanh nghiệp nản
Theo Quyết định 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã tái cấp vốn 16.000 tỷ đồng để Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho người sử dụng lao động vay vốn lãi suất 0%/năm trả lương ngừng việc cho người lao động. Tiền đã có, ngân hàng sẵn sàng cho vay nhưng cho đến giờ, khi chỉ còn nửa tháng nữa hết hạn giải ngân (31/7/2020) vẫn chưa có DN nào xin vay từ gói hỗ trợ này.
Là đơn vị đầu mối tham mưu cho Thủ tướng ban hành Quyết định 15 nên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) đã trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi quy định liên quan đến gói 16.000 tỷ đồng. Theo tờ trình của Bộ LĐ-TBXH, gói hỗ trợ này chưa thể triển khai do các tiêu chí, điều kiện đưa ra hết sức chặt chẽ và không có DN nào đáp ứng được. Tờ trình đã chỉ ra, các DN vẫn còn vốn duy trì, nên vẫn bố trí làm việc bán thời gian nhằm giữ chân người lao động. Tâm lý e ngại khi phải chứng minh tình trạng tài chính khó khăn, không còn tiền trả lương cũng làm DN không chủ động trong việc lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho người lao động.
Với mục tiêu sửa đổi các tiêu chí đủ điều kiện được vay vốn ưu đãi từ gói 16.000 tỷ đồng phù hợp với thực tế, Bộ LĐ-TBXH trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định 15 về hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo đó, bộ này đề nghị sửa đổi nội dung Khoản 2 Điều 13 Quyết định 15 từ “đang gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho người lao động, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả lương cho người lao động ngừng việc” thành “doanh thu quý I/2020 giảm từ 20% trở lên so với quý IV/2019 hoặc so với cùng kỳ năm 2019”. Bộ LĐ-TBXH cho rằng, việc sửa đổi như vậy sẽ khắc phục các tiêu chí, điều kiện chưa thực sự phù hợp để tiếp tục hỗ trợ DN và người lao động vượt qua những tác động của đại dịch Covid-19, chia sẻ khó khăn với DN, bảo đảm cuộc sống của nhân dân, người lao động cả nước, góp phần ổn định xã hội, đảm bảo an sinh xã hội trong thời gian tới.
Đánh giá cao nội dung sửa đổi tại dự thảo, ông Trần Năng Lượng - chủ một nhà hàng ở Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết, việc cụ thể hóa tiêu chuẩn, điều kiện bằng các con số cụ thể sẽ giúp DN dễ dàng hơn trong việc chứng minh thuộc đối tượng thụ hưởng. Tuy nhiên, ông Lượng không khỏi băn khoăn bởi thực tế, doanh thu quý I/2020 của các DN cơ bản không bị ảnh hưởng nhiều so với thời gian trước do vẫn có khoảng 2,5 tháng kinh doanh trong điều kiện bình thường. Dịch Covid-19 chỉ thực sự bùng phát và tác động mạnh vào nửa cuối tháng 3/2020.
Cùng đánh giá quy định tại dự thảo sửa đổi theo hướng cụ thể hóa các tiêu chí, điều kiện sẽ tác động tích cực đến DN, ông Hoàng Tâm - Phó giám đốc Công ty cổ phần Vinh Phát còn băn khoăn khi quy định “…lao động ngừng việc liên tục từ một tháng trở lên…” chưa được xem xét sửa đổi. Ông Tâm cho rằng, đại bộ phận các DN thực hiện chính sách giảm giờ làm, giảm lương nhằm giữ chân người lao động để có nguồn lao động phục vụ hoạt động sau dịch. Bởi vậy các DN vẫn chưa thể tiếp cận với chính sách mới dù đang rất khó khăn trong bố trí nguồn tài chính phục vụ hoạt động nói chung, trong đó có hoạt động trả lương cho người lao động.
Đồng tình với đánh giá thực trạng, hạn chế và nguyên nhân của Bộ LĐ-TBXH và các băn khoăn từ phía DN. TS. Cấn Văn Lực – thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho biết, dự thảo sửa đổi theo hướng cụ thể hóa tiêu chí “khó khăn về tài chính” thành “mức độ sụt giảm doanh thu” sẽ giúp chính sách sát với thực tiễn hơn, trở nên khả thi hơn, DN sẽ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi. Tuy nhiên, dự thảo chỉ sửa đổi “duy nhất” nội dung trên thì sẽ không khắc phục được hết các khó khăn đã được nêu tại báo cáo của Bộ LĐ -TBXH.
Để chính sách có thể triển khai tốt hơn, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, nên sửa đổi cả quy định “…lao động ngừng việc liên tục từ một tháng trở lên…” theo hướng linh hoạt hơn, phù hợp với tình hình thực tế của DN hơn, có thể xem xét hỗ trợ đối với cả các DN đang thực hiện việc cho người lao động làm việc luân phiên, giãn, giảm thời gian làm việc. Các quy định cứng nhắc như hiện nay đang làm khó DN. Bởi lẽ, bần cùng lắm, DN mới phải cho người lao động ngưng việc liên tục trong thời gian dài.
Về quan ngại “trục lợi chính sách” khi nới lỏng điều kiện, giới chuyên gia cho rằng, gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng không có gì để trục lợi, phải khó khăn lắm DN mới tìm đến sự hỗ trợ này. “Nếu lo lắng về việc trục lợi chính sách mà chúng ta đưa ra các quy định quá cứng nhắc, chặt chẽ về điều kiện tiếp cận gói hỗ trợ. Điều này sẽ làm cho các DN nản lòng trước chính sách và rất có thể DN sẽ phải dừng hoạt động trước khi tiếp cận được với chính sách hỗ trợ”, TS. Cấn Văn Lực cho biết.