Hạt điều xuất khẩu có cơ hội mới
Ngành điều đối mặt nhiều khó khăn | |
Hạt điều Việt xuất khẩu: Nhiều nhưng chưa mạnh | |
Nghịch cảnh hạt điều |
Ông Đặng Hoàng Giang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết, kế hoạch xuất khẩu năm 2020 của toàn ngành điều là đạt kim ngạch xuất khẩu nhân điều sơ chế là 3,2 tỷ USD. Nhưng thực tế, ngành điều có thể đạt kim ngạch xuất khẩu và tiêu thụ nội địa cao hơn thế trong cả năm 2020. Các biến động thị trường tiêu thụ thế giới vừa qua cho thấy, mặc dù giá mua hạt điều không tăng đột biến, nhưng nhu cầu tiêu thụ có tăng, trong khi nhiều nước sản xuất và tiêu thụ hạt điều cao như Ấn Độ lại giảm nguồn cung do dịch bệnh kéo dài. Cụ thể, tổng nguồn cung điều thô toàn thế giới năm nay khoảng gần 4 triệu tấn. Nhưng 6 tháng đầu năm 2020, Ấn Độ đình trệ sản xuất do ảnh hưởng dịch bệnh. Trong khi đó, Việt Nam bắt đầu niên vụ mới chậm hơn mọi năm đến gần hai tháng. Tuy thế, dự báo năm nay sẽ không thiếu nguyên liệu để sản xuất điều nhân xuất khẩu.
Ảnh minh họa |
Theo doanh nghiệp thuộc Vinacas, từ đầu tháng 6/2020 đến nay, nhu cầu hạt điều trên thị trường thế giới đang chững lại, tại những thị trường lớn như Hoa Kỳ (Mỹ), châu Âu (EU) nhiều nhà nhập khẩu đang thông báo hoãn hay chậm thời gian giao hàng. Nhưng doanh nghiệp xuất khẩu không quá lo lắng vì nguồn cầu hạt điều thô từ Tây Phi vẫn còn lớn, trong khi dự trữ hạt điều thô ở châu Á trong những tháng tới là không nhiều. Và thị trường vẫn có thể tăng tương đối trong trung hạn, bất chấp việc dịch bệnh còn phức tạp như hiện nay.
Theo ông Đặng Hoàng Giang, sản lượng hạt điều thô toàn cầu năm 2020 này dự kiến giảm so với 2019 khoảng 21.000 tấn. Riêng Việt Nam, xuất khẩu hạt điều trong 6 tháng/2020 đạt 1,47 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2019. Và so với những nhóm hàng nông sản khác, hạt điều có khối lượng xuất khẩu vượt trội hơn. Ở các thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ, EU, Ấn Độ… lượng tiêu thụ hạt điều nhân chế biến sâu (hạt điều tẩm gia vị, điều rang muối…) đang tăng mạnh tại kênh bán lẻ như siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Còn tại kênh khách sạn, nhà hàng đang chậm lại do việc giãn cách xã hội vẫn còn. Nhưng nhìn tổng thể thị trường tiêu thụ toàn cầu vẫn có xu hướng tăng nhẹ trong thời gian tới.
Hiện tại, ở thị trường trong nước, giá điều nguyên liệu diễn biến trái chiều (nơi tăng, nơi giảm), nhưng chênh lệch giá không đáng kể. Cụ thể, hạt điều khô mua xô (chưa phân loại) tại Bình Phước giảm từ 31.000 đồng/kg xuống 30.500 đồng/kg. Tại Đắk Lắk, điều khô loại 1 có giá 47.000 đồng/kg, hạt điều tươi (chưa phân loại) tăng từ 23.500 đồng/kg lên 26.000 đồng/kg. Tính cả trong 6 tháng đầu năm, giá điều thô biến động giảm với mức giảm từ 2.000 đồng - 3.000 đồng/kg. Mức giá này dù không tốt, nhưng các doanh nghiệp có nhà máy chế biến vừa và nhỏ ở Việt Nam vẫn bán, do phải thu hồi vốn chuẩn bị cho nhập khẩu điều thô về chế biến. Còn lại số ít doanh nghiệp có nhà máy công suất nhỏ phải tạm dừng sản xuất vì thiếu nguyên liệu và lượng hàng bán không kịp quay vòng vốn (cả nước có 3.000 nhà máy chế biến hạt điều, nhưng nhà máy chế biến quy mô nhỏ chiếm đến 80% nên tổng công suất không lớn). Thời gian tới, để đáp ứng nhu cầu thị trường, các doanh nghiệp chế biến đang tăng thu mua hạt điều thô trong nước nhằm góp phần giữ vững và phát triển vùng nguyên liệu tại chỗ. Hay tăng nhập khẩu từ thị trường gần là Campuchia, với giá thu mua hợp lý, chi phí vận chuyển thấp. Giảm dần phụ thuộc vào các thị trường châu Phi (Bờ Biển Ngà). Các nhà máy chế biến hạt điều Việt Nam cần theo dõi sát diễn biến thị trường, đồng thời cũng nên có kế hoạch chuẩn bị cho năm 2021.
Vinacas dự báo, giá xuất khẩu điều nhân của Việt Nam trong ngắn hạn sẽ tăng nhẹ, do các nước phương Tây tăng nhu cầu dự trữ điều. Và Việt Nam vẫn được coi là trung tâm chế biến, xuất khẩu hạt điều hàng đầu thế giới, xếp trên Ấn Độ, các quốc gia châu Phi và Brazil.