Ngành điều đối mặt nhiều khó khăn
Doanh nghiệp ngành điều lại hụt hơi | |
Ngành điều đề xuất gói tín dụng 800 triệu USD |
Theo số liệu của Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), trong 7 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã xuất khẩu được gần 245 ngàn tấn điều nhân, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, giá xuất khẩu bình quân trong 7 tháng đầu năm lại giảm gần 22%, dẫn tới kim ngạch xuất khẩu giảm 14%, chỉ đạt 1,8 tỷ USD. Việt Nam đã nhập 940 ngàn tấn điều thô trong 7 tháng đầu năm nay, với tổng kim ngạch đạt 1,2 tỷ USD, tăng 42% về lượng nhưng giảm 6,4% về giá trị do giá nhập khẩu bình quân giảm trên 31% so với cùng kỳ năm trước.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, giá điều nhân hiện đã ở mức đáy, do đó khả năng cuối năm nay giá điều nhân sẽ tăng, nhưng không nhiều. Tuy vậy, ông Cao Thúc Uy - Giám đốc Công ty điều Cao Phát cho rằng, thực sự không nên quá kỳ vọng giá sẽ đột biến để rồi có thể sẽ hụt hẫng. Mà thay vào đó, các nhà sản xuất cần tính toán giá mua điều thô dựa trên giá nhân hiện tại để tránh rủi ro trong tương lai…
Ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Vinacas cho biết, năm 2018 ngành điều trải qua nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, ngay từ đầu năm 2019, Vinacas đã đề ra nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn. Ông Công cho biết thêm, mới đây, Tập đoàn Tân Long - một DN lớn trong lĩnh vực nông sản của Việt Nam đã tham gia vào ngành điều với việc mua 215.000 tấn điều thô từ các nước châu Phi, trong đó có 176.000 tấn mua của Tanzania. Bên cạnh đó, Tập đoàn này cũng đã cam kết sẽ hợp tác với tất cả các DN của Vinacas nhằm phân bổ nguồn nguyên liệu này cho các DN để giải toả đáng kể nỗi lo vốn đang đè nặng.
Nói về điều này, ông Trương Sĩ Bá - Chủ tịch tập đoàn Tân Long cho biết, từ trước đến nay, việc lệ thuộc nguồn cung điều thô từ một số DN nước ngoài đã gây nhiều khó khăn cho DN Việt Nam (bị ép giá, nguyên liệu không ổn định, không điều tiết được lượng nhân sản xuất ra…). Vì thế, Tập đoàn Tân Long đã quyết tâm mua phần lớn điều thô tồn vụ của Tanzania (176.000 tấn) để có thể hình thành “van điều chỉnh” điều thô - nhân theo hướng có lợi cho ngành điều Việt Nam.
Bên cạnh đó, nguồn hạt điều thô trong nước cũng có thêm đảm bảo khi đại diện đến từ Bình Phước - “thủ phủ” trồng điều của Việt Nam. Bà Đào Thị Lanh - Chủ tịch Hội điều Bình Phước cho biết, mục tiêu đến năm 2035, toàn tỉnh sẽ có 200.000 ha trồng điều với sản lượng 352.000 tấn, để nâng kim ngạch xuất khẩu của ngành điều Bình Phước đạt 1 tỷ USD.
Tỉnh cũng đã có những chính sách dài hạn để tăng cường hỗ trợ nông dân tái canh tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng hạt điều. Về chế biến, tỉnh cũng sẽ quy hoạch lại các đơn vị nhỏ lẻ, tự phát, không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và tập trung phát triển các DN điều quy mô lớn, đầu tư bài bản, đáp ứng tốt các tiêu chuẩn quốc tế.
Mặc dù cũng kỳ vọng vào thị trường điều trong thời gian tới nhưng Vinacas nhận định, sản xuất điều nhân sẽ ngày càng khó khăn hơn vì các nước nhập khẩu lớn để chế biến sâu nhân hạt điều là Mỹ và EU trong thời gian tới sẽ áp dụng thêm một số tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và sẽ kiểm tra thêm dư lượng hoá chất cấm. Do đó, các DN nên tăng cường đầu tư sản xuất chế biến sâu để có giá cả ổn định hơn, tăng thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm và có thị trường bền vững hơn.
Hơn thế, cảnh báo ngành sản xuất điều nhân sẽ bị cạnh tranh trực tiếp từ các nước chuyên xuất khẩu điều thô, ông Nguyễn Thế Phiệt - Lãnh sự danh dự Bờ Biển Ngà tại TP. HCM, cũng là người đại diện Vinacas tại Bờ Biển Ngà cho biết, một số nước châu Phi bắt đầu tập trung vào chế biến điều, vì thế, các DN Việt Nam phải có chiến lược phát triển mang tính khác biệt, bền vững và minh bạch hơn. Thậm chí ông Phiệt cũng đề xuất việc tạo điều kiện cho những DN có uy tín trong lĩnh vực điều được hưởng những ưu đãi.
Khuyến cáo thêm các DN Việt Nam khi ký kết hợp đồng thu mua điều thô, chủ tịch Vinacas Phạm Văn Công lưu ý, các DN nên yêu cầu đưa vào điều khoản giải quyết tranh chấp hợp đồng tại Việt Nam thay vì việc khá dễ dãi khi đặt bút ký hợp đồng với lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Châu Phi.