Hiểm họa từ thuốc lá điện tử
Nguy hại đến sức khỏe
Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử với những dấu hiệu như đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác.
Mới đây, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tiếp nhận nữ bệnh nhân 20 tuổi ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, suy tim, tổn thương não lan tỏa tất cả các vị trí, tổn thương gan… Nguyên nhân được xác định do bệnh nhân ngộ độc một chất ma túy thế hệ mới có trong thuốc lá điện tử.
Trước đó, Trung tâm cũng tiếp nhận trường hợp bệnh nhân 17 tuổi đã sử dụng thuốc lá điện tử được 2 năm. Thời điểm nhập viện, bệnh nhân mất ngủ nhiều đêm, xuất hiện ảo giác có người lạ bên cạnh. Bệnh nhân bồn chồn, lo lắng, có nhiều hành động bất thường như bật tắt điện liên tục. Gia đình cho biết, thuốc lá điện tử và các loại tinh dầu được người thân của bệnh nhân mua trực tuyến thông qua mạng xã hội. Hiện mẫu tinh dầu thuốc lá điện tử do bệnh nhân sử dụng đã được gửi đi xét nghiệm chuyên sâu.
Là bác sĩ trực tiếp điều trị cho các trường hợp bị ảnh hưởng của thuốc lá điện tử, bác sĩ Trần Thị Hồng Ngân, Khoa Thận lọc máu, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) cho biết, ống dung dịch trong thuốc lá điện tử thường chứa nicotine, chất tạo hương, propylene glycol và glycerin thực vật. Chất nicotine có khả năng gây nghiện cao, tăng nguy cơ sử dụng rượu, ma túy và các chất gây nghiện khác.
Ngoài ra, theo Liên minh Kiểm soát thuốc lá Đông Nam Á (SEATCA) cũng chỉ ra rằng, trong dung dịch thuốc lá điện tử còn có: glycerin, propylene glycol và hương liệu (có trên 15.500 các loại hương liệu). Trong đó, propylene có thể tạo thành propylene oxide, một chất gây ung thư khi được đun nóng và hóa hơi; glycerin/glycerin gốc thực vật khi được đun nóng và hóa hơi, tạo thành acrolein, gây kích ứng đường hô hấp trên. Các chất độc hại trong thuốc lá điện tử còn liên quan đến nhồi máu cơ tim, gây tổn thương phổi.
Đặc biệt, đa phần thuốc lá điện tử có chứa Nicotine - chất gây nghiện cao và là nguyên nhân gây các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, và ung thư. Sử dụng nicotine quá liều gây ngộ độc. Nghiện nicotine là một trong những nguyên nhân gây các bệnh tim mạch, đột quỵ. Đối với trẻ em và phụ nữ mang thai, nicotine trong thuốc lá điện tử gây hại cho sự phát triển não bộ ở trẻ em vì não bộ của trẻ đang trong giai đoạn phát triển; ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của bà mẹ và thai nhi trong thai kì, gây ra sinh non và thai chết lưu. Đối với thanh thiếu niên, những thay đổi do nicotine gây ra trong hệ thần kinh trong não khiến người dùng ở nhóm tuổi trẻ dễ bị nghiện nicotine hơn và vì thế ảnh hưởng đến sức khỏe sẽ đến sớm và trầm trọng hơn trong tương lai.
Nguy hiểm của thuốc lá điện tử còn đến từ việc, đa phần thuốc lá điện tử đều là hàng nhập lậu, xách tay… vì Việt Nam không cho cấp phép nhập thuốc lá điện tử. Các sản phẩm này thu hút giới trẻ thông qua hương vị hấp dẫn, thiết kế sản phẩm bắt mắt, thời trang, mang đậm phong cách công nghệ, được quảng bá trên mạng xã hội của giới trẻ bằng những người nổi tiếng và giữ khách hàng bằng các sản phẩm có hàm lượng nicotine cao. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt trường hợp ngộ độc thuốc lá điện tử do có ma túy trong lọ tinh chất.
Nhanh chóng đưa vào khuôn khổ
Đáng chú ý, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế cho biết, xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử đang gia tăng ở nhóm tuổi 15 - 24 (chiếm 7,3%) so với các nhóm 25 - 44 tuổi (chiếm 3,2%) và nhóm 45 - 64 tuổi (chiếm 1,4%). Những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong gần 10 năm qua có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử đang nhắm vào giới trẻ.
Để giảm số người chết sớm do thuốc lá cũng như đạt mục tiêu giảm 30% tỷ lệ hút thuốc vào năm 2030, Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho rằng, vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Một ưu tiên rất cao là tăng thuế và giá thuốc lá vì giá thuốc lá ở Việt Nam hiện thuộc loại rẻ nhất trên thế giới. Điều này khiến những người trẻ tuổi dễ tiếp cận và dễ bắt đầu hút thuốc. Giá thuốc lá thấp cũng làm cho việc bỏ thuốc của những người đang hút thuốc trở nên khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá vẫn còn có hạn chế. Tại một số địa phương, việc lập kế hoạch, tổ chức thực hiện phòng, chống tác hại thuốc lá chưa thực sự được quan tâm.
Bên cạnh đó, trong Luật phòng chống tác hại thuốc lá không có quy định nào về cấm thuốc lá điện tử. Một số quy định của Luật không còn phù hợp với thực tiễn như: Quy hoạch sản xuất, kinh doanh thuốc lá (Điều 20), một số nhiệm vụ của Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá (Điều 29)…. dẫn đến việc thực hiện còn nhiều bất cập.
Do đó, các chuyên gia kiến nghị, Quốc hội, Chính phủ cần nghiên cứu, đánh giá để sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, trong đó quy định cụ thể về quản lý và phòng chống tác hại của thuốc lá mới; kiên quyết không cho phép sản xuất, kinh doanh và lưu hành các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam; cần có chính sách phù hợp để quản lý các điểm bán lẻ thuốc lá; cấm buôn bán thuốc lá ngoài cổng trường học...
Năm 1987, các thành viên trong Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã quyết định chọn ngày 31/5 hàng năm là ngày Thế giới không thuốc lá (World No Tobacco Day – WNTD) nhằm gây sự chú ý, nâng cao ý thức của cộng đồng về tác hại do thuốc lá gây ra. Mới đây, ngày 24/5/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã thay mặt Chính phủ ký Quyết định số 568/QĐ-TTg ban hành Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030, với các mục tiêu và giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ để tăng cường hiệu quả của công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá. Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại thuốc lá đến năm 2030 sẽ là định hướng quan trọng cho công tác phòng, chống tác hại thuốc lá trong thời gian tới. |