Hoàn thiện chính sách cho phát triển đô thị bền vững
Tìm động năng phát triển kinh tế đô thị | |
Tìm kế sách phát triển bền vững đô thị biển | |
Quy hoạch tổng thể quốc gia: Cần khả thi và hiệu quả |
Vừa qua, Thành ủy TP. Thủ Đức tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý về định hướng quy hoạch chung thành phố đến năm 2040. Báo cáo tại hội nghị cho biết, định hướng quy hoạch chung TP. Thủ Đức đến năm 2040 là tăng cường kết nối về giao thông, phát huy vai trò trung tâm, động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng tầm và phát huy những lợi thế về vị trí mang tính cửa ngõ, kết nối TP. Thủ Đức với liên vùng.
Chiến lược cho TP. Thủ Đức phát triển là sử dụng đất linh hoạt, hiệu quả; phân bổ mật độ dân số theo nhu cầu và khả năng đáp ứng của hạ tầng; kiến tạo các trung tâm đô thị chính và thứ cấp; kiến tạo các trọng điểm sáng tạo; bố trí mạng lưới giao thông công cộng; xây dựng các kết nối, phát triển đa dạng các giải pháp…
Định hướng quy hoạch chung TP. Thủ Đức đến năm 2040 là tăng cường kết nối về giao thông, phát huy vai trò trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội... |
Trước đó, UBND TP.HCM đã triển khai các đề án khoa học đầu tư, xây dựng 4 huyện thành quận hoặc thành phố trực thuộc TP.HCM. Trong đó, huyện Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh sẽ phát triển thành thành phố trực thuộc TP.HCM và huyện Nhà Bè sẽ phát triển thành quận đô thị vệ tinh.
Theo PGS.TS. Vũ Tấn Hưng - Phó viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, việc chuyển đổi và nâng cấp các đơn vị hành chính từ huyện lên quận hoặc thành phố trực thuộc TP.HCM ngày càng trở nên cấp thiết và có vai trò quan trọng đối với quá trình hình thành đô thị hiện đại, văn minh. Vấn đề này được Đảng, Nhà nước quan tâm và xây dựng thành chiến lược có tầm nhìn lâu dài và bền vững.
Tại Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị đã nêu rõ quan điểm “Quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị phải đi trước một bước và tạo ra nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị”.
Cụ thể, phát triển hệ thống đô thị bền vững theo mạng lưới, phân bổ hợp lý, phù hợp với từng vùng, miền, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền, phát triển các đô thị có chức năng tổng hợp với quy mô và dân số ở mức hợp lý theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, với các chỉ tiêu cụ thể như tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%. Tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1,5-1,9% vào năm 2025, đến năm 2030 đạt khoảng 1,9 - 2,3%...
Trong đó, quan trọng nhất là việc tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật và ban hành các cơ chế, chính sách có tính đột phá vượt trội cho phát triển đô thị bền vững; bảo đảm kết hợp đồng bộ và hài hoà giữa cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị với phát triển các đô thị mới, phát triển mạnh mẽ liên kết ngành, liên kết vùng và lợi thế kết nối đa chiều của các đô thị, bảo đảm chất lượng sống tại đô thị ở mức cao, đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho dân cư đô thị.
Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM, hiện nay tại Việt Nam, tỷ lệ đô thị hoá mới đạt gần 40%, thấp hơn mục tiêu đề ra. Thực tế, quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị vẫn còn nhiều hạn chế, trong đó không ít nơi tồn tại tình trạng nâng loại đô thị khi chưa đủ tiêu chí. Vì vậy, trong thời gian tới, yêu cầu cấp thiết được đặt ra là quy hoạch mạng lưới đô thị, các đô thị hạt nhân cấp quốc gia, vùng, tỉnh theo hướng phát triển các đô thị xanh, thông minh, có bản sắc phù hợp với thực tiễn đất nước.
Hiện nhiều tỉnh thành đang tồn tại vướng mắc giữa các loại quy hoạch. Đơn cử, quy định quy hoạch cấp dưới phải phù hợp với quy hoạch cấp trên; trường hợp quy hoạch cấp dưới có mâu thuẫn với quy hoạch cấp trên thì phải điều chỉnh và thực hiện theo quy hoạch cấp trên. Trong đó, trên thực tế thì quy hoạch cấp dưới đã có nhưng lại chưa có đầy đủ các quy hoạch cấp trên, điển hình là chưa có quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh… Vì vậy, rất cần thiết phải xem xét sửa đổi một số điều chưa phù hợp với thực tiễn và quá trình phát triển tại Luật Quy hoạch 2017, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật có liên quan đến quy hoạch 2018 và xây dựng Đề án Luật Quản lý và phát triển đô thị...
Bàn về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, cần bổ sung những quy định cụ thể để xử lý các vướng mắc phát sinh từ thực tiễn. Hiệp hội đề nghị bổ sung quy định xây dựng hệ thống đô thị, đô thị thông minh, đô thị hạt nhân cấp quốc gia, cấp vùng liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền, có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường vào Luật Quy hoạch 2017; đồng thời đẩy mạnh công tác sửa đổi, bổ sung hoàn thiện đồng bộ các Luật Đất đai, Quy hoạch đô thị, Xây dựng, Kinh doanh bất động sản, Nhà ở.
“Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp với các địa phương để tập trung hoàn thành việc xây dựng quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng, làm căn cứ xây dựng quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch cấp tỉnh và cũng là căn cứ để xây dựng chiến lược về phát triển đô thị quốc gia, chương trình quốc gia về xây dựng, chỉnh trang tái thiết đô thị và phát triển đô thị bền vững để hướng đến nâng tầm vai trò và vị thế của Việt Nam trong khu vực và quốc tế”, ông Châu nói.
Phát triển hệ thống đô thị bền vững theo mạng lưới, phân bổ hợp lý, phù hợp với từng vùng, miền, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền, phát triển các đô thị có chức năng tổng hợp với quy mô và dân số ở mức hợp lý theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, với các chỉ tiêu cụ thể như tỷ lệ đô thị hoá đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%. Tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1,5-1,9% vào năm 2025, đến năm 2030 đạt khoảng 1,9-2,3%... |