Hoàn thiện hành lang pháp lý để phát triển blockchain
châu đình linh |
Những lầm tưởng đã khiến thời gian trước nhiều người đánh đồng blockchain là tiền ảo, là lừa đảo, tác động lớn tới các doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ này làm nền tảng để phát triển những ứng dụng thông minh, giúp cuộc sống trở nên tiện ích hơn. Tại Quyết định số 2117/QĐ-TTg ngày 16/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành danh mục công nghệ ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0, trong đó có công nghệ blockchain.
Trao đổi với Thời báo Ngân hàng, TS. Châu Đình Linh chia sẻ, blockchain được dự báo sẽ dẫn dắt công nghệ trong tương lai, công nghệ này sẽ được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, trong đó có hệ thống tài chính - ngân hàng giúp gia tăng giá trị.
Ông có thể ví dụ về việc blockchain sẽ được ứng dụng trong ngân hàng như thế nào?
Trước hết, cần nói lại một chút là blockchain được làm ra để chống thay đổi của dữ liệu, công nghệ này có hai thành phần bên trong. Thứ nhất, nó được thiết lập bằng hàm băm (hash function) - đảm bảo dữ liệu làm ra là duy nhất, một chiều, không thể suy ngược. Thứ hai là chữ ký số. Đó là khi dữ liệu được mã hoá, một người có dữ liệu này muốn chuyển quyền cho người khác thì khi chuyển giao sẽ phải kèm với chuyển giao lại chữ ký số, có chữ ký số này thì mới có quyền can thiệp vào, mới có được thông tin của dãy hàm băm đó.
Ứng dụng blockchain trong ngân hàng có thể lấy ví dụ như việc chuyển tiền trong hệ thống SWIFT rất phức tạp, bao gồm rất nhiều lệnh và thông qua nhiều trung gian, nhưng nếu sử dụng công nghệ blockchain thì tiết kiệm thời gian hơn rất nhiều. Trong giao dịch thanh toán quốc tế trên nền tảng blockchain, các bên tham gia sẽ cùng ký kết một hợp đồng thông minh (smart contract) - được hiểu là các mã máy tính tự thực thi chức năng sau khi đã được kích hoạt, và không thể thay đổi.
Thực tế tại Việt Nam, đã khá nhiều ngân hàng ứng dụng công nghệ blockchain trong phát hành thư tín dụng (LC) như BIDV, VietinBank, MB, HDBank; Vietcombank đưa vào ứng dụng blockchain cho ngân hàng số của mình; TPBank là ngân hàng Việt Nam đầu tiên ứng dụng thành công chuyển tiền quốc tế qua blockchain…
Vậy để ứng dụng blockchain, ngân hàng có cần thay đổi về quy trình nghiệp vụ, mô hình tổ chức và nhân sự không, thưa ông?
Trước hết, xét về toàn diện công nghệ blockchain sẽ thay đổi diện mạo ngân hàng trong tương lai khá nhiều. Dễ nhận thấy nhất hệ thống thông tin của ngân hàng không còn tập trung mà được phân tán ra, giúp dữ liệu được bảo mật tốt hơn. Thứ nữa là sự thay đổi trong dịch vụ, để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Có những dịch vụ mang tính đặc thù của ngành Ngân hàng sẽ được chuyển hoá rất nhanh. Ngay bản thân cơ quan quản lý nếu ứng dụng blockchain cũng nâng cao khả năng bảo mật hơn, việc sử dụng một hệ thống tập trung cũng đòi hỏi phải đầu tư nâng cấp nhiều hơn so với ứng dụng blockchain.
Còn theo tôi, mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp ứng dụng blockchain nói chung và ngân hàng nói riêng sẽ không thay đổi nhưng thành phần bên trong thì có bởi vì chúng ta có hạ tầng thông tin khác thì buộc những hoạt động bên trong phải cải tiến, cải thiện để đáp ứng. Chúng ta rất khó để dùng một quy trình cũ, con người cũ mang ra vận hành một hệ thống nền tảng thông tin mới được. Tổng quan mô hình kinh doanh đích đến cuối cùng là phục vụ khách hàng không có gì thay đổi, chỉ khác ở phương thức triển khai để phục vụ khách hàng tối ưu hơn, tiết kiệm hơn, nhanh hơn, được xác minh rõ ràng và bảo mật hơn.
Để blockchain phát triển thì điều kiện cần vẫn là hoàn thiện hành lang pháp lý. Quan điểm của ông về việc này?
Thị trường đang rất chờ đợi sẽ thí điểm Sandbox để tạo không gian cho những công nghệ mới có đất phát triển. Sandbox không những tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sáng tạo công nghệ của thời đại 4.0, trong đó có blockchain, mà còn là điều kiện để cơ quan quản lý có thêm thời gian nghiên cứu, xem xét, chỉnh sửa các điều kiện pháp lý, vấn đề có liên quan tới những công nghệ này.
Những lo ngại, quan ngại là có, bởi dù đây không phải là một công nghệ mới, nhưng cho đến hiện nay thì blockchain mới được nhìn nhận về triển vọng phát triển, và cũng cần thời gian để đánh giá tác động từ công nghệ này. Nếu chúng ta cho phép thí điểm blockchain ở một số lĩnh vực phù hợp thì sẽ là cú hích cho sự phát triển. Những đối tượng chịu sự tác động của công nghệ blockchain cũng sẽ cần có sự chọn lọc kỹ lưỡng, không áp dụng rộng rãi ngay lập tức trên thị trường mà cần qua thời gian đánh giá thì mới xem xét có nhân rộng hay không. Giữ được sự hài hoà để không làm cản trở đổi mới sáng tạo, song vẫn đảm bảo năng lực quản lý đó là vấn đề cốt yếu và quan trọng.
Xin cảm ơn ông!