JICA nỗ lực thúc đẩy hợp tác, góp phần giúp Việt Nam phục hồi
Nhiều thành tích nổi bật
Theo Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam, sau các năm 2020 và 2021 chịu tác động đình trệ nghiêm trọng vì đại dịch COVID-19, cuộc sống và các hoạt động kinh tế - xã hội hiện đã trở lại gần như bình thường. Tuy nhiên, những di chứng, hội chứng hậu COVID-19 vẫn còn kéo dài. Nền kinh tế, đặc biệt là các ngành dịch vụ, đã phải gánh chịu những thiệt hại vô cùng to lớn do đại dịch. Do vậy, JICA sẽ tiếp tục tập trung vào lĩnh vực phát triển kinh tế và mở rộng “mạng lưới an toàn”, bao gồm lĩnh vực y tế, nhằm góp phần giúp Việt Nam sớm phục hồi và trở lại quỹ đạo tăng trưởng.
Số liệu kết thúc nửa cuối năm tài khóa 2021 (từ tháng 10/2021 đến tháng 3/2022), trên cơ sở phân loại theo từng loại hình hợp tác vừa được JICA cập nhật cho thấy về hợp tác vốn vay ODA, có 25 dự án đang triển khai. Về hợp tác kỹ thuật (HTKT), có 6 dự án đã hoàn thành, 25 dự án đang triển khai (trong đó có 4 dự án bắt đầu triển khai mới).
Ông Shimizu Akira, Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam |
Về viện trợ không hoàn lại, có 1 dự án đã kết thúc, 5 dự án đang triển khai. Về các chương trình do các doanh nghiệp Nhật Bản đề xuất, có 10 dự án đã hoàn thành, 72 dự án đang triển khai (trong đó có 8 dự án mới). Chương trình đối tác phát triển, có 1 dự án đã hoàn thành, 35 dự án đang triển khai (trong đó có 4 dự án mới). Còn chương trình phái cử tình nguyện viên, có 10 tình nguyện viên mới được phái cử, đến nay có 16 tình nguyện viên đang hoạt động.
Chia sẻ thêm về các kết quả nổi bật trong nửa cuối tài khóa 2021, ông Shimizu Akira cho biết trong lĩnh vực y tế, JICA đã tập trung hỗ trợ Việt Nam ứng phó và kiểm soát dịch bệnh COVID-19.
Một số hoạt động nổi bật đã được triển khai và hoàn tất nhanh chóng gồm: Mua sắm thiết bị thông qua UNICEF- JICA đã bàn giao hộp lạnh bảo quản vắc-xin kèm thiết bị theo dõi nhiệt độ phục vụ cho việc vận chuyển vắc-xin; Kết hợp cùng Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), JICA đã hỗ trợ tăng cường năng lực cho các cán bộ trong điều tra và giám sát các bệnh truyền nhiễm, cung cấp thiết bị phòng ngừa dịch bệnh nhằm hỗ trợ phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn lây lan các bệnh truyền nhiễm khu vực biên giới; JICA đã bàn giao cho Bệnh viện Trung ương Huế các thiết bị y tế thiết yếu và xe cứu thương phục vụ cho vận chuyển và điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 triệu chứng nặng.
Bên cạnh đó, JICA đã triển khai nhiều hỗ trợ khác cho cuộc chiến chống các bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam như: Bàn giao các thiết bị chính cho Phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp III (BSL-3) tại Viện Pasteur TP.HCM vào tháng 1/2022; Bàn giao các thiết bị y tế (Máy tim phổi nhân tạo ECMO, hộp lạnh bảo quản vắc-xin, thiết bị y tế phục vụ tiêm chủng an toàn vắc-xin COVID-19...) cho Bệnh viện Chợ Rẫy…
Ngoài ra, Giải thưởng Chủ tịch JICA lần thứ 17 (vào tháng 1/2022) đã được trao cho Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy - ba bệnh viện đóng vai trò trung tâm trong hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19. Đồng thời, Giải thưởng cũng được trao cho Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Kyushu, Đại học Nagoya với thành công trong việc phát triển giống lúa triển vọng có khả năng chống chịu sâu bệnh, thích hợp với điều kiện thời tiết tại địa phương.
“Giải thưởng này là thành quả của nỗ lực hợp tác giữa JICA và các tổ chức liên quan tại Nhật Bản và Việt Nam từ trước đến nay, chúng tôi rất tự hào khi các đơn vị của Việt Nam được lựa chọn trao giải trong hàng nghìn dự án JICA đang được triển khai trên toàn thế giới”, ông Shimizu Akira nói.
Kế hoạch nửa đầu tài khóa 2022
Thúc đẩy tăng trưởng và tăng cường năng lực cạnh tranh (thông qua các dự án liên quản đến xây dựng cơ sở hạ tầng; Phát triển nguồn nhân lực; Thể chế kinh tế thị trường); Hỗ trợ các đối tượng dễ bị tổn thương (thông qua các dự án liên quan đến Y tế; Biến đổi khí hậu – Phòng chống thiên tai – Cải thiện môi trường) và Tăng cường quản trị Nhà nước sẽ tiếp tục được JICA thúc đẩy trong thời gian tới.
Theo Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam, trong năm tài khóa 2022, JICA sẽ tiếp tục hỗ trợ toàn diện tăng cường hệ thống y tế Việt Nam như tăng cường năng lực cho các bệnh viện nòng cốt thông qua hỗ trợ hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý trang thiết bị y tế, cung cấp thiết bị y tế cho Bệnh viện Bạch Mai…
Trong lĩnh vực tăng trưởng kinh tế, Dự án đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh tuyến số 1 Bến Thành – Suối Tiên được Nhật Bản và Việt Nam quan tâm hàng đầu. Đến nay, tất cả các đoàn tàu trong Dự án đã được vận chuyển từ Nhật Bản về đến Việt Nam. Tính đến tháng 5/2022, tiến độ hoàn thành của công trình đạt khoảng 90%. Công trình đang được khẩn trương hoàn thành để nhanh chóng đưa vào sử dụng.
Ngoài ra, công trình thuộc Dự án Điện gió trên đất liền tại tỉnh Quảng Trị được quyết định đầu tư theo hình thức cho vay đầu tư hải ngoại vào tháng 5/2021 đã hoàn thành và bắt đầu vận hành thương mại vào cuối tháng 10/2021, JICA cũng sẽ hỗ trợ Dự án cung cấp năng lượng carbon trung tính do Chính phủ Việt Nam chủ trương thúc đẩy…
Đối với lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, vốn được xem như nền tảng cho tăng trưởng, có 260 sinh viên đã tốt nghiệp và 138 sinh viên mới nhập học tại trường Đại học Việt Nhật. Ngoài ra, trong khuôn khổ các chương trình học bổng dài hạn của JICA, 162 cán bộ, công chức, viên chức Việt Nam hiện đang theo học các chương trình đào tạo Thạc sỹ và Tiến sỹ tại các trường đại học tại Nhật Bản. Dự kiến, 35 cán bộ Việt Nam tiếp theo sẽ được lựa chọn để lên đường sang Nhật Bản học tập từ năm học 2022.
Chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính vào tháng 11/2021 và chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tháng 4/2022 đã củng cố hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản. “Hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản trong năm 2023, JICA sẽ nỗ lực hơn nữa thúc đẩy hợp tác, góp phần thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị giữa hai nước”, ông Shimizu Akira khẳng định.