Kết hợp hài hòa công tác giảng dạy - nghiên cứu khoa học và chăm sóc gia đình
Tại nhiều gia đình Việt Nam từ xưa đến nay luôn quan niệm “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” - đàn ông chính là trụ cột gia đình còn phụ nữ giữ trọng trách sinh con, đẻ cái, chăm sóc việc nội trợ, lo liệu cho gia đình... Quan niệm này đặt ra cho phụ nữ Việt Nam nói chung và những giảng viên nữ của Học viện Ngân hàng nói riêng không ít những khó khăn thách thức.
Trước hết, thách thức lớn nhất là bài toán cân đối giữa công việc và gia đình, là làm sao để người phụ nữ vừa có thể dồn hết tâm lực cho công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, vừa có thể quan tâm, chăm sóc thật tốt cho gia đình của mình. Bởi lẽ, với thiên chức làm vợ, làm mẹ, cho dù có làm công tác gì đi chăng nữa, người phụ nữ cũng không thể sao nhãng việc gia đình, không thể không quan tâm chăm sóc gia đình. Mang thai, sinh con là thiên chức của người phụ nữ, nhưng cũng lấy đi của những người vợ, người mẹ rất nhiều sức khỏe. Công việc nội trợ, quán xuyến gia đình, chăm sóc con cái, phụng dưỡng cha mẹ già đôi khi mang đến cho phụ nữ rất nhiều công việc không tên, lấy đi không ít thời gian của người phụ nữ. Đặc biệt với những nữ giảng viên trẻ, khó khăn càng nhiều hơn khi có con nhỏ và công việc gia đình nội ngoại còn bỡ ngỡ. Chính vì vậy, nhiều giảng viên nữ bị quá tải về sức lực, thiếu thời gian nghỉ ngơi, trau dồi kiến thức, cập nhật thông tin; gánh nặng gia đình làm giảm sút sự thăng tiến, vươn lên của họ, tạo cho họ tâm lý an phận, ít nỗ lực phấn đấu và không tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học.
PGS.TS. Đỗ Thị Kim Hảo phát biểu tại Hội nghị tổng kết hoạt động sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2019-2020 |
Mặc dù xã hội ngày nay ngày càng đề cao vấn đề bình đẳng giới, tuy nhiên, không phải người phụ nữ nào cũng may mắn có được sự chia sẻ công việc gia đình, sự ủng hộ của người chồng, của gia đình khi dành nhiều thời gian đầu tư cho công việc và công tác nghiên cứu khoa học. Thêm vào đó, trong khi những bộn bề thường nhật gói gọn trong hai chữ “việc nhà” lấy đi không ít thời gian của người phụ nữ thì những dịch vụ xã hội hỗ trợ cho phụ nữ giảm bớt gánh nặng việc nhà vẫn còn hạn chế hoặc có chi phí cao, khó tiếp cận. Những trở ngại nói trên ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng tham gia công tác xã hội của phụ nữ nói chung và giảng viên nữ nói riêng.
Một thách thức không nhỏ khác là “định kiến giới trong xã hội còn tồn tại dưới nhiều hình thức” tại Việt Nam, một quốc gia đang phát triển, chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo. Định kiến về vai trò của phụ nữ, đặc biệt là vai trò của nữ trí thức như: phụ nữ không nên học cao, không nên dành nhiều thời gian cho công tác nghiên cứu, không nên đi học, đi công tác xa trong thời gian dài… mà nên dành thời gian để chăm sóc gia đình. Đây chính là những rào cản tác động trực tiếp đến sự phấn đấu của nữ giảng viên trong công tác, bởi đặc thù của công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học gắn với việc phải liên tục học hỏi, nâng cao trình độ, đào sâu, tìm tòi, hướng đến những vấn đề mới, có tính sáng tạo.
Bên cạnh những khó khăn, thách thức, trong những năm vừa qua, giảng viên nữ của Học viện Ngân hàng cũng như bao phụ nữ Việt Nam khác cũng có những thuận lợi nhất định trong tham gia công tác xã hội. Cụ thể, trên quan điểm bình đẳng nam nữ là một cuộc cách mạng, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về quyền bình đẳng nam nữ, quyền lợi và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Qua hơn một thập kỷ đổi mới, các quyền phụ nữ đã ngày càng được đảm bảo thực hiện tốt hơn. Quyền bình đẳng nam nữ trong lĩnh vực lao động được Hiến pháp ghi nhận. Bộ Luật Lao động có một chương riêng về lao động nữ. Ngoài việc tạo vị thế và bảo đảm quyền bình đẳng giới, pháp luật cũng có các quy định hạn chế những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và chức năng làm mẹ, nuôi dạy con cái của phụ nữ như quy định khi mang thai, sinh đẻ. Các cơ quan, đoàn thể thành lập “Ban vì sự tiến bộ phụ nữ” với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực hỗ trợ, thúc đẩy người phụ nữ cố gắng nhiều hơn trong công tác của mình.
Riêng trong công tác nghiên cứu khoa học, những đóng góp của phụ nữ cũng được tôn vinh, cổ vũ và khuyến khích thông qua những chương trình, hoạt động được tổ chức như giải thưởng Kovalevskaia, giải thưởng L'OREAL, giải thưởng Phụ nữ Việt Nam, chương trình “Phụ nữ với sở hữu trí tuệ và nghiên cứu khoa học” với 12 buổi tọa đàm một năm do Hội nữ tri thức Việt Nam phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Chương trình Đổi mới Sáng tạo Việt Nam - Phần Lan tổ chức…
Mặc dù vậy, trước những khó khăn còn hiện hữu, để tăng cường sự đóng góp của phụ nữ trong công tác, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ giúp chị em có thể kết hợp hài hoà được công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học với việc chăm sóc gia đình hạnh phúc. Ở tầm vĩ mô, Nhà nước cần tiếp tục tăng cường đầu tư cho giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng; sử dụng lao động nữ hợp lý, chính sách xã hội phải phản ánh được lợi ích và nguyện vọng của phụ nữ, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò của phụ nữ nói chung và phụ nữ trong công tác xã hội nói riêng. Việc nâng cao nhận thức sẽ giúp chị em vượt qua được rào cản định kiến về giới, vượt qua những áp lực và có lựa chọn, quyết định đúng đắn trong sự nghiệp học tập và công tác.
Ở cấp độ vi mô, phụ nữ cần được gia đình, đồng nghiệp và xã hội chia sẻ, tạo điều kiện để giải quyết được bài toán kết hợp hài hoà giữa công việc và gia đình để có một cuộc sống hạnh phúc. Tại cơ quan, ban lãnh đạo các cấp cũng như các đồng nghiệp nam cần thực sự chú trọng vấn đề bình đẳng giới trong công tác, tôn trọng những suy nghĩ, ý kiến đóng góp của chị em, có như thế giảng viên nữ mới có thể phát huy hết năng lực của mình trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học, mang đến những công trình khoa học có ý nghĩa thiết thực với xã hội. Về phía gia đình, giữa hai vợ chồng cần có cùng quan điểm tôn trọng nhau, không câu nệ, rạch ròi trong phân công việc nhà nhưng luôn ý thức giúp nhau việc nhà, động viên nhau làm tốt công việc, nhất là khi cần đầu tư thời gian, đầu tư công sức. Bên cạnh đó, việc thúc đẩy phát triển các tổ chức, dịch vụ phục vụ đời sống gia đình: dịch vụ thương mại điện tử, hệ thống siêu thị, nhà trẻ, dịch vụ giúp việc nhà… cũng có ý nghĩa quan trọng làm giảm bớt thời gian nội trợ cho người phụ nữ, giúp họ dành nhiều thời gian hơn cho công tác chuyên môn.
Và một điều cuối cùng nhưng rất quan trọng, đó là bản thân mỗi giảng viên nữ cũng phải nỗ lực hơn, có niềm đam mê và nhiều nghị lực vượt khó, bởi lẽ, bên cạnh những khó khăn mà nam giới cũng gặp phải, chị em còn phải vượt qua những rào cản từ chính hoàn cảnh riêng của mỗi người để không ngừng học hỏi, không ngừng cố gắng mang sự sáng tạo của mình hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu, đóng góp vào sự phát triển của nhà trường và xã hội. Trong quỹ thời gian có hạn của mỗi người, người phụ nữ cần sắp xếp công việc một cách hợp lý, khoa học, có những ưu tiên phù hợp cho công việc hay gia đình. Sẽ không có sự cân bằng đúng nghĩa mà là sự hài hoà giữa các yếu tố ưu tiên trong từng thời điểm của cuộc sống. Tại những thời điểm công việc căng thẳng, phải đi công tác xa, chị em nên trao đổi để nhận được sự cảm thông từ gia đình, dành thời gian tập trung cho công tác, nhưng trong điều kiện bình thường, chị em lại hết lòng chu toàn với gia đình, tổ ấm của mình. Thêm vào đó, việc học hỏi ứng dụng các phương pháp làm việc khoa học, ứng dụng công nghệ cũng là giải pháp quan trọng giúp chị em rút ngắn được thời gian, giải quyết công việc có hiệu quả hơn, phục vụ tốt hơn công việc và cuộc sống của mình.