Khẳng định vai trò huyết mạch trong nền kinh tế
Thời gian qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Trong đó, các doanh nghiệp là đối tượng chịu tác động sớm và sâu sắc. Sản xuất và lưu thông hàng hóa bị đình trệ, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy. Người lao động trong các cơ sở sản xuất theo đó cũng phải đối mặt với muôn vàn khó khăn.
Trong bối cảnh đó, với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, hệ thống ngân hàng đã và đang nỗ lực hết mình, bằng nhiều biện pháp kịp thời và hiệu quả, cùng doanh nghiệp và người dân vượt qua những thách thức, nhằm góp phần thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Cùng với đó, các ngân hàng cũng đang rất tích cực tự đổi mới mình trong xu thế của cuộc CMCN 4.0, giữ vững vị thế là động lực cho sự phát triển của đất nước.
Ông Phạm Hải Long - Giám đốc Agrex Sài Gòn:
Đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển
Ông Phạm Hải Long |
Trong vài năm trở lại đây, hệ thống ngân hàng trong nước đã có những bước phát triển vượt bậc về mọi mặt. Nhất là trong lĩnh vực công nghệ, chuyển đổi số. Có thể nói ngành Ngân hàng đã có sự thay đổi nhanh chóng, thúc đẩy hệ thống phát triển, tiệm cận với các ngân hàng hiện đại trong khu vực, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hưởng lợi, góp phần đưa nền kinh tế đất nước đi lên.
Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp xuất khẩu, Agrex Sài Gòn nhận thấy rõ vai trò điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tỷ giá của NHNN rất tốt, thể hiện qua sự ổn định và theo chiều hướng có lợi cho nền kinh tế đất nước. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình kinh tế khu vực và thế giới có nhiều biến động, dịch bệnh diễn ra trong một thời gian dài nhưng sự quan tâm của Chính phủ, vai trò của NHNN đối với việc điều hành các chính sách tiền tệ, các ngân hàng hỗ trợ lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ... giúp giảm bớt phần nào áp lực, khó khăn, vực dậy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu từ đầu năm đến nay với tỷ giá ổn định, lãi suất vay ngoại tệ thấp đã giúp các doanh nghiệp lấy lại được đà phát triển sau một thời gian “đuối sức” vì dịch bệnh và xuất khẩu khó khăn.
Riêng Agrex Sài Gòn cũng là một trong những doanh nghiệp được hưởng lợi từ những chính sách điều hành của ngân hàng khi chỉ hết quý I/2021, doanh nghiệp đã đạt 50% kế hoạch năm. Hiện nay, hệ thống ngân hàng hiện đại, chuyên nghiệp, dịch vụ đầy đủ, đa dạng, không còn khoảng cách với hệ thống ngân hàng quốc tế nên mọi giao dịch của khách hàng doanh nghiệp từ tín dụng, vay VND, vay ngoại tệ, mở LC... đều khá thuận tiện, không tốn nhiều thời gian, công sức, chi phí hợp lý. Đây là động lực thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp vươn lên mạnh mẽ bằng chính nội lực của mình để xây dựng kinh tế đất nước ngày càng vững mạnh.
Bà Nguyễn Hương - Tổng giám đốc Đại Phúc Land:
Làm tốt vai trò chuyển tải vốn cho nền kinh tế
Bà Nguyễn Hương |
Trước tiên, có thể khẳng định hệ thống ngân hàng đã làm tốt vai trò chuyển tải vốn cho nền kinh tế đất nước. Đối với các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bất động sản nói riêng, càng không thể phủ nhận vai trò của hệ thống ngân hàng trong việc tài trợ phát triển dự án, cũng như đối với người mua nhà.
Có thể nói, hiện nay gần như tất cả các dự án của các chủ đầu tư trong nước quy mô lớn nhỏ khác nhau đều cần đến nguồn vốn vay từ ngân hàng thương mại. Song quan trọng hơn, để giúp người đi mua nhà, đất, chung cư có được nguồn tài chính ổn định với lãi suất hợp lý giúp nhanh chóng, dễ dàng hơn trong việc thực hiện hóa giấc mơ an cư thì nguồn vốn vay ngân hàng có thể coi là động lực quan trọng. Đặc biệt, đối với những chủ đầu tư uy tín, có tên tuổi, thương hiệu và mức độ tín nhiệm cao thì quy trình thẩm định, cho vay vốn kinh doanh, phát triển dự án hiện nay rất thuận lợi, lãi suất phù hợp dựa trên mối quan hệ hợp tác bình đẳng, đôi bên cùng có lợi.
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của kinh tế đất nước, hệ thống ngân hàng cũng đã có nhiều chuyển biến đáng kể theo chiều hướng tích cực. Ngoài những chính sách tiền tệ chung mang tầm định hướng lâu dài, lãi suất ổn định, phù hợp, “dễ thở” đối với sức khỏe của các doanh nghiệp theo từng bối cảnh cụ thể thì một trong những điều có thể dễ dàng nhận thấy là phần lớn các công ty tài chính, ngân hàng thương mại cổ phần quốc doanh và ngoài quốc doanh hiện nay đang hoạt động rất chuyên nghiệp, đáp ứng và ngày càng tiệm cận hơn với các quy chuẩn về lĩnh vực tài chính ở khu vực và quốc tế.
Ngoài ra, còn phải kể đến những “điểm cộng” như dịch vụ đa dạng, tác phong làm việc chuyên nghiệp, giao dịch online thuận tiện, nhanh chóng, tiết kiệm chi phí và thời gian cho các doanh nghiệp. Nếu đem so sánh một số ngân hàng thương mại lớn trong nước với ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam sẽ không thấy mấy sự khác biệt từ sản phẩm, dịch vụ cho đến quy trình xử lý nghiệp vụ, thái độ phục vụ khách hàng. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn luôn ưu tiên lựa chọn ngân hàng trong nước vì có nhiều sản phẩm phù hợp với nhu cầu, am hiểu đặc thù riêng của từng loại hình khách hàng để từ đó có cách làm việc, điều chỉnh linh hoạt với phương châm luôn đồng hành và đem lại nhiều lợi ích nhất cho mỗi khách hàng của mình.
Ông Đinh Văn Lộc - Giám đốc Viet Da Travel:
Tiếp sức cho doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn
Ông Đinh Văn Lộc |
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch của cả thế giới, trong đó có Việt Nam. Tại TP. Đà Nẵng “thủ phủ” du lịch của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, những ảnh hưởng này lại càng rõ nét. Theo đó, hoạt động lữ hành bị đình trệ, cơ sở lưu trú hoạt động cầm chừng, thậm chí phải đóng cửa hàng loạt, các chiến dịch kích cầu du lịch phải tạm dừng... Trong “cơn bĩ cực” ấy, các doanh nghiệp trong ngành vẫn phải “gồng mình” vượt khó để chờ những tín hiệu lạc quan hơn trong thời gian tới.
Rất may, trong thời gian gần đây hàng loạt các chính sách hỗ trợ ngành du lịch đã được kích hoạt. Trong số đó, đối với ngành Ngân hàng các gói tín dụng ưu đãi được triển khai trong thời gian qua đã tiếp sức cho nhiều doanh nghiệp du lịch vượt qua được những khó khăn. Thực tế, trên địa bàn Đà Nẵng cũng như các địa phương lân cận trong khu vực nhiều ngân hàng đã hạ lãi suất cho vay, có chính sách hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng. Đặc biệt, là việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp liên quan đến dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn hay thực phẩm... Tiếp sức cho các doanh nghiệp du lịch sớm vượt qua “cơn bĩ cực”, nhiều TCTD trên địa bàn tập trung đẩy mạnh kích cầu tín dụng, giải ngân nguồn vốn vay mới với lãi suất ưu đãi; tập trung giải ngân vốn vào các doanh nghiệp phục vụ thị trường nội địa, đảm bảo rút ngắn thời gian phê duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng... Những nỗ lực này đã góp phần giúp nhiều doanh nghiệp trong ngành “công nghiệp không khói” sớm “bình phục” và quay lại với nhịp sống thị trường.
Ông Lê Hồng Hà - Tổng giám đốc Vietnam Airlines:
Chắp cánh cho hàng không bay xa
Ông Lê Hồng Hà |
Trung tuần tháng 3/2021 vừa qua, Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) và Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện nhằm cùng nhau phát triển trong nhiều lĩnh vực để nâng cao trải nghiệm khách hàng và đóng góp chung vào sự bền vững của nền kinh tế - xã hội đất nước. Sự kết hợp giữa tập đoàn tài chính hàng đầu và lực lượng vận tải chủ lực tại Việt Nam sẽ cho phép hai bên cùng xúc tiến các hoạt động hỗ trợ nhau mở rộng và phát triển hoạt động kinh doanh để khai thác thế mạnh, tiềm lực sẵn có, với mục tiêu chung là cung cấp những sản phẩm, dịch vụ tiện ích và phù hợp với các tập khách hàng.
Ông Lê Hồng Hà - Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết: “Một trong những điểm nổi bật của thỏa thuận giữa Vietnam Airlines và MB là hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Chúng tôi mục tiêu trở thành Hãng hàng không số trước năm 2025 và đã đầu tư phù hợp vào phát triển công nghệ để vận hành doanh nghiệp, và đáp ứng tiêu chuẩn chung của hàng không thế giới. Với uy tín, kinh nghiệm sâu rộng cùng tiềm lực mạnh, chúng tôi cam kết mang tới trải nghiệm dịch vụ toàn diện cho khách hàng của hai bên trong thời gian tới”.
Vietnam Airlines và MB đều có chung tầm nhìn là trở thành các doanh nghiệp tiên phong trong quá trình chuyển đổi số. Bằng cách tiếp tục số hóa hầu hết các quy trình quản trị nội bộ, ứng dụng công nghệ mới xuyên suốt các lĩnh vực trọng yếu, hai bên sẽ cung cấp sản phẩm dịch vụ tích hợp với trải nghiệm người dùng tốt hơn, gia tăng giá trị cho khách hàng, nhờ đó tăng doanh thu bán hàng và hiệu quả hoạt động cho doanh nghiệp.
Cũng trong thời gian qua, Vietnam Airlines và NHTMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vừa chính thức ra mắt sản phẩm thẻ tín dụng liên kết với hai hạng thẻ là Sacombank Vietnam Airlines Visa Signature và Sacombank Vietnam Airlines Visa Platinum dành cho khách hàng cá nhân trên toàn quốc với những đặc quyền, ưu đãi vượt trội.
Thẻ tín dụng Sacombank Vietnam Airlines Visa Signature và Sacombank Vietnam Airlines Visa Platinum vừa là nguồn tài chính dự phòng thiết yếu vừa là công cụ thanh toán hiện đại dành cho những khách hàng thường xuyên sử dụng dịch vụ bay của Vietnam Airlines. Dòng thẻ này mang lại nhiều tiện ích, ưu đãi khi khách hàng thực hiện chi tiêu, mua sắm, đi du lịch… Hơn nữa, hai loại thẻ tín dụng liên kết còn mang đến những đặc quyền như gói bảo hiểm du lịch toàn cầu, miễn phí chuyển đổi ngoại tệ, hoàn phí thường niên cùng các điều kiện đi kèm.
Bà Bùi Thị Thanh Hương – Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group:
Động lực quan trọng cho phát triển
Bà Bùi Thị Thanh Hương |
Ngành Ngân hàng giữ vai trò huyết mạch, vừa là nguồn lực, vừa là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế. Đối với doanh nghiệp, vai trò quan trọng nhất của ngành Ngân hàng là cung ứng vốn kịp thời cho nhu cầu sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Nguồn vốn vay chính là công cụ đòn bẩy để doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh.
Điểm rất đáng trân trọng là trong giai đoạn khó khăn, ngành Ngân hàng luôn có sự đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp tối đa. Đơn cử như trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19, NHNN và ngành Ngân hàng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tín dụng, chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch.
Theo đó, ngày 13/3/2020 NHNN Việt Nam đã ban hành Thông tư 01 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Là một trong các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh Covid-19, chúng tôi vô cùng cảm kích và trân trọng trước động thái hỗ trợ kịp thời của ngành Ngân hàng, giúp doanh nghiệp không bị bỏ lại phía sau, được tiếp sức vượt qua đại dịch.
Ông Phạm Văn Thinh - Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam:
Ngành Ngân hàng có nhiều cơ hội trong tương lai gần
Ông Phạm Văn Thinh |
Rủi ro kinh tế toàn cầu tăng lên khiến nhà đầu tư có xu hướng tăng nắm giữ tiền mặt, các nhà đầu tư thận trọng hơn trong quyết định đầu tư. Các ngân hàng cũng không nằm ngoài xu hướng này, việc đầu tư mở rộng ra các thị trường khác, trong đó có Việt Nam sẽ được đánh giá kỹ càng hơn. Trong khi đó, dịch bệnh khiến nợ xấu tiềm ẩn của các ngân hàng trở nên đáng lo ngại hơn. Cũng vì các lý do đó, các giao dịch cũng gặp nhiều khó khăn khi triển khai do việc hạn chế đi lại, giãn cách xã hội trong thời gian bệnh dịch. Ngoài ra, một phần nguồn vốn đầu tư bị hạn chế khi các nước có truyền thống đầu tư tại Việt Nam cũng chịu tác động mạnh của dịch bệnh như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc hay khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đã và đang là một địa chỉ đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư quốc tế. Bởi sự ổn định kinh tế vĩ mô, sức hấp dẫn trong tăng trưởng kinh tế trong thời gian vừa qua, sức hấp dẫn đến từ thị trường gần 100 triệu dân với thu nhập ngày càng tăng, tầng lớp trung lưu ngày càng lớn… Chưa kể, các ngân hàng nước ngoài cũng như các ngân hàng có cổ đông nước ngoài đã và đang kinh doanh với kết quả rất ấn tượng. Quá trình M&A ngành Ngân hàng cho đến nay đã trải qua được hơn ba chu kỳ khác nhau từ năm 2000 đến nay. Và hiện nay, M&A của ngành Ngân hàng sẽ tập trung vào một số lĩnh vực cụ thể còn nhiều tiềm năng tăng trưởng như tài chính tiêu dùng, ngân hàng bán lẻ và các dịch vụ ngân hàng, thay vì việc mua nhằm mục tiêu kiểm soát và gia nhập thị trường.
Hiện có khá nhiều ngân hàng đang xây dựng kế hoạch chào bán cổ phần, phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi các ngân hàng đang kinh doanh với hiệu quả cao, rõ ràng ngành Ngân hàng Việt Nam đang có một sức hấp dẫn rất lớn đối với các nhà đầu tư. M&A là một phương thức cho các ngân hàng nước ngoài xâm nhập thị trường, khi mà Chính phủ hạn chế ban hành giấy phép thành lập ngân hàng mới. Hơn thế nữa, Việt Nam đang tiếp tục là một điểm sáng về kinh tế cũng như trong kiểm soát dịch bệnh, điều này làm Việt Nam tiếp tục là một địa chỉ đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Việc EVFTA và EVIPA cùng nhiều FTAs khác được ký kết cũng đang mở ra cơ hội cho ngân hàng Việt đón làn sóng nhà đầu tư ngoại, khôi phục đà tăng trưởng sau dịch bệnh.