Kết nối doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp công nghệ cao
Tập đoàn De Heus (Hà Lan) và Tập đoàn Hùng Nhơn ký biên bản ghi nhớ hợp tác với UBND tỉnh Tây Ninh tại Diễn đàn |
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam ông Gabor Fluit cho biết trong tương lai, việc thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA - có hiệu lực từ 1/8/2020) sẽ tiếp tục mở ra bước phát triển tích cực cho Tây Ninh. Tuy nhiên, để thiết lập một mạng lưới thương mại mạnh mẽ giữa Châu Âu và Việt Nam thì việc tiếp cận thị trường thôi là chưa đủ. Các doanh nghiệp còn phải đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe đối với các sản phẩm xuất khẩu, đồng thời tuân thủ các yêu cầu của EVFTA và quy định nhập khẩu của Liên minh Châu Âu. Các nhà đầu tư châu Âu mong muốn chung tay, mang những nguồn lực này đến Tây Ninh đặc biệt đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Tỉnh Tây Ninh có thể đẩy mạnh xuất khẩu, tuân thủ các quy định khắt khe của EU và thiết lập vị thế của mình như một trung tâm nông nghiệp chất lượng cao, thân thiện với môi trường. Theo ông Gabor Fluit, các nhà đầu tư châu Âu rất hào hứng chung tay giúp đỡ, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, giúp các doanh nghiệp triển khai công nghệ tiên tiến và xác định các giải pháp tiết kiệm chi phí. Với sự hỗ trợ này, Tây Ninh có thể nâng cao năng lực xuất khẩu, tuân thủ các quy định của EU và trở thành một trung tâm xuất khẩu chất lượng cao và thân thiện với môi trường.
“Để phát triển theo định hướng này, EuroCham đã chuẩn bị một số khuyến nghị cần thiết cho chính quyền tỉnh nhằm thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư từ châu Âu. Đầu tiên, con đường phát triển trong tương lai phải cần ưu tiên tăng trưởng xanh. Để đảm bảo việc tăng trưởng bền vững và thân thiện với môi trường, điều cấp thiết không chỉ chính phủ mà cả người tiêu dùng đều phải tham gia tích cực vào mục tiêu tăng trưởng xanh. Việc khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời và gió là rất quan trọng để giảm lượng khí thải carbon và thúc đẩy năng lượng sạch hơn. Trong lĩnh vực nông nghiệp, áp dụng cách tiếp cận toàn diện gia tăng giá trị chế biến là việc cần thiết…”, ông Gabor Fluit khuyến nghị.
Để thúc đẩy đáng kể dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Châu Âu vào hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao và vào nền kinh tế chung của Tây Ninh, ông Sergio Silva, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Bồ Đào Nha Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Lĩnh vực Tăng trưởng Xanh (GGSC) của EuroCham khuyến nghị: Tây Ninh phát triển năng lượng mặt trời để tự tiêu thụ và các thỏa thuận “đằng sau công tơ điện” để chuyển giao năng lượng giữa các công ty nhằm giảm chi phí, trao nhiều quyền tự chủ hơn và cải thiện nền kinh tế của tỉnh.
Góp ý cho việc đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ông Paul Antoine Croize, Phó Chủ tịch Ủy ban ngành kinh doanh Thực phẩm, Nông nghiệp và Nuôi trồng Thủy sản Eurocham cho rằng, nông nghiệp chế biến sâu là chìa khóa để khai thác thêm giá trị từ sản lượng nông nghiệp. Với điều kiện tự nhiên rất thuận lợi, tỉnh Tây Ninh có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp giá trị cao. Tỉnh Tây Ninh nên chú ý đến phương pháp nâng cao sản lượng nông nghiệp đồng thời gia tăng giá trị nông sản sau chế biến; tăng cường xúc tiến thương mại và cải thiện sự phù hợp giữa cung và cầu. Minh chứng điển hình trong mô hình hợp tác phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ông Vũ Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) cho biết, VIDA đã quy tụ được những doanh nghiệp, doanh nhân có tâm huyết, trách nhiệm để hiện thực hóa mục tiêu "Giàu từ nông nghiệp", đưa nông nghiệp về đúng vị thế và tầm quan trọng là lợi thế quốc gia. Đồng thời VIDA đã thực hiện hỗ trợ phát triển những dự án quy mô lớn, giới thiệu các trung tâm nông sản chất lượng cao trên thế giới; sàn giao dịch nông sản online kết nối toàn cầu; triển khai hệ thống đào tạo nghề nông nghiệp số; xây dựng các trung tâm chế biến và bảo quản nông sản tại các vùng... Theo ông Hùng, Tập đoàn Hùng Nhơn là minh chứng sinh động của phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Với sự hỗ trợ từ VIDA, Hùng Nhơn đã được Tổ chức Chứng nhận quốc tế Control Union trao giấy chứng nhận Global GAP cho trang trại gà thịt. Đây là trang trại gà đầu tiên ở Việt Nam đạt chứng chỉ danh giá này. Để nhận được chứng chỉ này, Tập Đoàn Hùng Nhơn đã phải đáp ứng 349 tiêu chuẩn GlobalGAP, bao gồm 178 tiêu chuẩn bắt buộc phải tuân thủ 100%, 124 tiêu chí có thể tuân thủ đến mức 95% cũng được chấp nhận và có 47 kiến nghị, khuyến cáo nên thực hiện.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định, nhiệm vụ đặt ra với tỉnh Tây Ninh trong thời gian tới đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị cùng với việc khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của tỉnh, đặc biệt là nguồn lực đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân và FDI. Diễn đàn là dịp tốt để các nhà tài trợ, các nhà đầu tư trao đổi thông tin, tìm hiểu cơ hội, thúc đẩy hợp tác, đầu tư kinh doanh, nhất là đối với những lĩnh vực còn nhiều tiềm năng để đem lại lợi ích cho nhà đầu tư và đưa Tây Ninh phát triển nhanh, bền vững...
Trong khuôn khổ Diễn đàn kết nối doanh nghiệp đầu tư, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Tây Ninh năm 2023, De Heus Việt Nam (Hà Lan) và Tập đoàn Hùng Nhơn cam kết sẽ đầu tư một số dự án lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng vốn đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng; BaF Việt Nam cam kết thực hiện dự án tổ hợp sản xuất và chế biến thịt với tổng vốn đầu tư 600 tỷ đồng; Vinamilk cam kết thực hiện dự án Tổ hợp nhà máy sữa và trang trại bò sữa vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng. Bên cạnh đó, liên doanh giữa De Heus và Hùng Nhơn sẽ đầu tư sản xuất 10.000 heo giống, 200.000 heo nái thương phẩm tại Tây Nguyên và Đông Nam bộ, đồng thời sẽ phấn đấu phát triển 58 triệu con gà giống và 25 triệu con gà thịt tại Tây Ninh. |