Khẩn trương thiết lập các “vùng xanh” sản xuất, lưu thông hàng hóa
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp mới đây, rất nhiều kiến nghị đã đề cập tới việc lập các “vùng xanh” sản xuất nhằm duy trì các hoạt động kinh tế chống đứt gãy chuỗi sản xuất trong bối cảnh dịch rất phức tạp hiện nay.
“Hỗ trợ hay gói kích thích kinh tế lớn nhất lúc này theo chúng tôi, chính là tìm mọi cơ hội có thể, để có thể nới lỏng giãn cách, thiết lập vùng xanh, luồng xanh mở cửa thị trường được trong điều kiện có thể. Chúng ta đang thực hiện giãn cách rất lớn, các tỉnh, thành phố, các trung tâm công nghiệp đang giãn cách, làm thế nào để tận dụng mọi cơ hội, nếu không mở cửa rộng khắp thì những vùng xanh, những cơ hội thì có thể mở trong vùng hẹp, để làm sao tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp có thể duy trì được sản xuất kinh doanh”, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Từ “vùng xanh” cho sản xuất…
Vậy thế nào là “vùng xanh” cho sản xuất. Một doanh nghiệp an toàn, duy trì hoạt động được coi là một điểm xanh an toàn nhưng để là một "vùng xanh" an toàn lại là vấn đề lớn hơn nhiều. Hiện nay giải pháp “3 tại chỗ” nhằm để duy trì những điểm xanh sản xuất cũng đang bộc lộ nhiều bất cập, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam.
Khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp khi thực hiện "3 tại chỗ" là cơ sở hạ tầng của doanh nghiệp không đủ điều kiện đáp ứng công tác phòng chống dịch, chi phí thực hiện lớn. Bên cạnh đó, quy định, hướng dẫn của các cơ quan liên quan chưa cụ thể, thiếu nhất quán khiến doanh nghiệp lúng túng trong quá trình thực hiện.
DN tại TP. Hồ Chí Minh áp dụng " 3 tại chỗ" |
Trả lời báo chí tại họp báo Chính phủ tối 11/8, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, mô hình “3 tại chỗ” đã áp dụng thành công ở Bắc Ninh, Bắc Giang với số lượng công nhân ít và trong thời gian ngắn. Trong khi đó, các khu công nghiệp phía Nam số lượng người người lao động đông hơn, đến từ nhiều tỉnh khác nhau nên áp dụng "3 tại chỗ" lâu dài còn ảnh hưởng đến tâm lý công nhân.
Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh và 18 tỉnh, thành phố phía Nam, chuỗi cung ứng, logistics, vận tải bị đứt gãy sớm do dịch nên cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”. Ngoài ra chi phí thực hiện mô hình sản xuất này quá lớn.
Trên thực tế, sản xuất như một cỗ máy mà các doanh nghiệp đơn lẻ là những mắt xích trong cả dây chuyền, vì thế, nếu chỉ có điểm xanh mà không có "vùng xanh" cũng rất khó để duy trì sản xuất.
Bộ Công Thương đã tổng hợp ý kiến của các doanh nghiệp gửi đến Bộ Y tế, đề xuất giải pháp hỗ trợ thực hiện "3 tại chỗ", duy trì hoạt động sản xuất trong điều kiện có dịch. Ngay trong Hội nghị trực tuyến với Thủ tướng vừa qua, nhiều doanh nghiệp mong muốn các cấp, ngành sẽ triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để ngày càng mở rộng, thiết lập các “vùng xanh” nhằm giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội, duy trì và phát triển được các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) , trước mắt “doanh nghiệp xanh” phải được xây dựng với doanh nghiệp “sản xuất xanh” và “doanh nghiệp vận tải/logistic xanh” nhằm tháo gỡ khó khăn hiện tại về sản xuất, lưu thông hàng hóa.
Đại diện Ban IV cho biết, “doanh nghiệp xanh” trước mắt gồm “doanh nghiệp sản xuất xanh” và “doanh nghiệp vận tải/logistics xanh”, tiến tới “doanh nghiệp du lịch xanh”, “doanh nghiệp hàng không xanh”, “trang trại xanh”... Theo đó, doanh nghiệp sản xuất xanh và doanh nghiệp vận tải/logistic xanh là doanh nghiệp có toàn bộ nhân viên, người lao động, lái xe… được tiêm vaccine, tuân thủ 5K… đảm bảo sản xuất và lưu thông hàng hóa.
“Việc hình thành các loại hình doanh nghiệp sản xuất xanh, vận tải/logsitics xanh là nền tảng quan trọng để tới đây tiếp tục phát triển doanh nghiệp du lịch xanh, doanh nghiệp hàng không xanh, các trang trại xanh... để phục hồi những lĩnh vực kinh tế đặc biệt quan trọng này”- đại diện Ban IV nhấn mạnh.
Để phát triển “doanh nghiệp xanh”, Ban IV đề xuất Chính phủ giao chỉ tiêu và trách nhiệm cho các địa phương về tỉ lệ doanh nghiệp xanh trên tổng số doanh nghiệp tại địa bàn. Trên cơ sở đó, chính quyền các tỉnh sẽ chủ động hơn trong việc tính toán, sắp xếp thứ tự ưu tiên, sử dụng hiệu quả nguồn lực vaccine để tổ chức tiêm cho người lao động ở các nhà máy, nhóm lái xe, nhân lực logistics tại các công ty vận tải, dịch vụ xuất nhập khẩu... nhằm tạo lập và phát triển các doanh nghiệp xanh.
Với doanh nghiệp vận chuyển, logistics xanh, Ban IV đề xuất Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan cấp QR code cho tất cả đối tượng hoàn thành tiêm phòng, giúp nhân công, lái xe, các nhóm chủ thể được tiêm đi lại, thực hiện công việc dễ dàng (kèm theo việc kết hợp 5K) mà không đòi hỏi các giấy tờ, yêu cầu thủ tục có tính hành chính như hiện nay.
…đến “vùng xanh” cho nông sản
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, đặc biệt tại các tỉnh/thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, ngành nông nghiệp cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là trong tiêu thụ nông sản, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp duy trì sản xuất, xuất khẩu. Nếu không triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ thì dự kiến 6 tháng cuối năm 2021 nguồn cung nông sản thực phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước, xuất khẩu sẽ giảm mạnh…
Cần xây dựng "luồng xanh" và " vùng xanh " cho nông sản |
Để tháo gỡ khó khăn cho các vùng nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sẽ thúc đẩy thiết lập các vùng đệm để tập kết hàng hóa, cùng các địa phương xác định và xây dựng “luồng xanh”, “vùng xanh” cho nông sản để không làm đứt gãy chuỗi cung ứng.
Đây cũng là một trong những giải pháp mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra trong báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp trình Chính phủ về khó khăn, vướng mắc và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm 2021.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra phương án điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp với điều kiện thời tiết, diễn biến dịch Covid-19 tại từng tỉnh, thành phố nhằm đảm bảo cung ứng tốt lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, xuất khẩu. Đẩy mạnh phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Đồng thời, hướng dẫn địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh điều chỉnh phương thức kinh doanh của các chợ đầu mối, chợ truyền thống trên địa bàn, rà soát hoạt động cung ứng hàng hóa của các thương nhân kinh doanh mặt hàng chủ lực, thiết lập điểm tập kết hàng hóa tạm thời.
Thúc đẩy thiết lập các vùng đệm để tập kết hàng hóa, cùng các địa phương xác định và xây dựng "luồng xanh", "vùng xanh" cho nông sản để không làm đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là các nông sản có sản lượng lớn, thời vụ thu hoạch, thời gian bảo quản ngắn...