Khi doanh nghiệp tư nhân chậm lớn
Sau 2 tháng đầu năm trầm lắng, tình hình đăng ký doanh nghiệp đã sôi động trở lại vào tháng 3. Số liệu thống kê sơ bộ vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cập nhật ngày 27/3 cho thấy, tổng số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 3/2019 ước đạt hơn 12.400 doanh nghiệp, cao gấp hơn 2 lần so với tháng trước. Tính chung quý I, tổng số doanh nghiệp thành lập mới là 28.451 DN, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Con số này là hết sức khả quan nếu so với thời điểm cuối tháng 2, số doanh nghiệp đăng ký mới giảm tới 14,6% về số lượng.
Ảnh minh họa |
Mặc dù vậy, sự khởi sắc này chưa thể khiến các cơ quan quản lý nhà nước yên tâm. Bởi tính chung trong quý I, tổng số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động vẫn lên tới 15.000 doanh nghiệp, bằng khoảng 53% tổng số đăng ký mới. Trong vài năm gần đây, nếu ví nền kinh tế là bức tranh tổng thể mang gam màu tươi sáng, thì tình hình hoạt động của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước luôn là điểm tối khó khắc phục. Đơn cử như năm 2018, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể tăng tới 63,4%, bằng gần một nửa so với tổng số doanh nghiệp đăng ký mới.
Tình trạng “sớm nở tối tàn” tiếp diễn nhiều năm của doanh nghiệp Việt Nam khiến khu vực này tiếp tục quẩn quanh trong thể trạng chậm lớn, li ti hoá… Chậm lớn ở chỗ, dù là động lực phát triển quan trọng của nền kinh tế, nhưng thành phần này chỉ tăng thêm được 0,8 điểm % tỷ phần trong GDP sau 6 năm. Li ti hoá thể hiện ở số doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm 95-96% tổng số doanh nghiệp, tỷ lệ duy trì bền vững sau nhiều năm. Thể trạng doanh nghiệp tư nhân trong nước tạo thành khuyết thiếu cơ cấu nghiêm trọng khi nội bộ khu vực này không thể tạo ra lực lượng kế cận để phát triển thành doanh nghiệp lớn.
Hệ quả kéo theo đó là nền kinh tế Việt Nam có cơ cấu manh mún, tốc độ chuyển dịch sang phía quy mô lớn, hiện đại rất chậm. Bức tranh này cơ bản được giữ nguyên tới đầu năm 2019. Nhìn xa hơn trong quãng thời gian 10 năm trở về trước, không ít ý kiến cho rằng khu vực kinh tế tư nhân trong nước đã có bước lùi so với chính mình. Hầu hết doanh nghiệp thậm chí chưa hồi phục lại được mức trước năm 2010. Một số tập đoàn kinh tế tư nhân trỗi dậy song chưa đủ sức làm xoay chuyển bức chân dung tổng thể của khu vực kinh tế tư nhân.
Về nguyên tắc, kinh tế tư nhân trong nước phải là lực lượng đóng góp chủ yếu vào GDP thì sau 30 năm đổi mới, khu vực này chỉ đóng góp chưa đến 10%, lép vế hơn hẳn so với khu vực kinh tế nhà nước (28%) và kinh tế hộ gia đình (32%). Thể trạng yếu ớt và xu hướng phát triển của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang đặt ra những vấn đề đáng lo ngại.
Trước hết, đó là sự dễ bị tổn thương của chính khu vực này trước các biến động ngày càng khốc liệt của nền kinh tế. Dễ dàng nhận thấy điều này qua số doanh nghiệp giải thể hoặc phải ngừng kinh doanh trong những năm gần đây là rất lớn, bình quân 60.000-80.000 DN/năm.
Thực tế cho thấy, mấy năm vừa qua, số doanh nghiệp thành lập trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo không nhiều, và thường thấp hơn đáng kể so với số doanh nghiệp thành lập trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Lấy ví dụ gần nhất trong cả năm 2018, số doanh nghiệp thành lập mới trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng 0,1%, trong khi doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tăng tới 40%, đồng thời cũng là khu vực có tốc độ tăng mạnh nhất.
Kéo theo đó, tốc độ đa dạng hóa ngành nghề không theo kịp xu thế toàn cầu. Tỷ trọng doanh nghiệp Việt Nam phục vụ sản xuất chế biến chế tạo chỉ đạt khoảng 15%, trong khi mức trung bình của các nước đang phát triển là 17%, các nước phát triển là 27-28%. Rõ ràng, khu vực kinh tế tư nhân trong nước vẫn chưa thể đóng vai trò là lực lượng trụ cột, dẫn dắt cạnh tranh và định hình chân dung nền kinh tế. Và nhìn rộng hơn, sự chậm lớn của khối doanh nghiệp tư nhân giảm, còn làm giảm năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.