Khi khách sạn trở thành nơi để cách ly
Theo đánh giá của Công ty nghiên cứu thị trường Savills Việt Nam, công suất phòng của các khách sạn trên toàn cầu đều ghi nhận mức giảm mạnh do sự sụt giảm của lượng khách du lịch nội địa và quốc tế. “Công suất phòng khách sạn tại Việt Nam đã giảm 26% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 2, các thành phố trung tâm như TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội, có sụt giảm, nhưng vẫn duy trì được mức công suất tương đối tốt là 48% (TP.Hồ Chí Minh) và 60% (Hà Nội).
Song, 3 tuần đầu tiên của tháng 3 năm nay, công suất phòng khách sạn đã giảm mạnh trong cả nước, nhất là ở các điểm du lịch như Đà Nẵng, Hội An chỉ dưới 10%... Tại Nha Trang, nhờ lượng khách du lịch từ Nga và nội địa nên các khách sạn tại đây vẫn duy trì hoạt động được. Phú Quốc duy trì công suất khoảng 40% trong tháng 2 nhưng thời gian tới, việc tạm dừng các chuyến bay sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng lấp đầy của các khu du lịch này.
Khi đại dịch đã lây lan ra toàn cầu, nguy cơ dịch bệnh từ nước ngoài xâm nhập vào Việt Nam đang hiện hữu. Vì vậy, chúng ta cần triển khai các biện pháp ứng phó quyết liệt, đồng bộ mới mong sớm dập dịch, GS-TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Không chỉ ngành y tế mà cả cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp tăng tốc triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch: vận động nhân dân khai báo y tế tự nguyện; phân nhóm các trường hợp đã tiếp xúc với người từ vùng dịch trở về... từ đó hình thành lưới sàng lọc, có biện pháp hỗ trợ y tế kịp thời. Đồng thời, các địa phương chuẩn bị các khách sạn, cơ sở lưu trú để tổ chức cách ly có thu phí đối với người nước ngoài mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ, các chuyên gia làm việc tại các dự án quan trọng theo yêu cầu của Việt Nam; người Việt Nam về nước tránh dịch;… đều được Nhà nước bảo đảm các điều kiện để thực hiện cách ly tập trung theo quy định.
Hiện có 156 cơ sở lưu trú với 14.723 buồng, phòng và 18.305 giường của 24 tỉnh, thành phố đã được chọn trở thành “bệnh viện” - điểm cách ly tập trung. Điều này không chỉ giúp cho các khách sạn có thể duy trì hoạt động khi nhu cầu lưu trú đang rất thấp mà đây còn được xem là sự hỗ trợ rất có ý nghĩa đối với chính quyền trong thời gian này. Trong đó, Đà Nẵng đang dẫn đầu với 41 cơ sở, Đồng Nai có 26 cơ sở, Quảng Ninh có 12 cơ sở, TP. Hồ Chí Minh có 9 cơ sở, Hà Nội có 3 cơ sở...
Danh sách này đang ngày càng dài thêm. Song không phải cứ đăng ký là được lựa chọn. Các khách sạn được lựa chọn phải qua quá trình khảo sát, đánh giá của đoàn kiểm tra liên ngành: Sở Du lịch và Sở Y tế, phải đáp ứng được các tiêu chí “bệnh viện” theo khái niệm của Bộ Y tế.
Mỗi y bác sĩ sẽ nghỉ tại khách sạn với đầy đủ tiện nghi sau ca làm việc |
Chẳng hạn, khách sạn - “bệnh viện” phải có nhiều ánh sáng, không khí trong lành, đảm bảo thông thoáng khí do các phòng sẽ không sử dụng điều hòa nhiệt độ, giường phải cách nhau 2m, có nhà vệ sinh riêng, thường xuyên được vệ sinh, hạn chế các đồ đạc vật dụng trong phòng; xà phòng rửa tay, nước sạch; có thùng rác có nắp đậy...Điều đặc biệt quan trọng nữa là khu cách ly trả phí phải vừa đảm bảo chăm sóc được sức khỏe cho người cách ly, vừa đảm bảo bảo vệ được nhân viên phục vụ du khách trong thời gian cách ly. Nhân viên của các “bệnh viện” này lại chỉ được tham gia phục vụ "vòng ngoài", nhân viên y tế phụ trách "vòng trong" nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho nhân viên các cơ sở này.
Thêm nữa, các khách sạn đó phải nằm xa khu vực trung tâm thành phố, nơi thưa dân cư nhằm hạn chế tác động lây nhiễm tới người dân khu vực xung quanh. Tại Hà Nội, số lượng khách sạn muốn trở thành “bệnh viện” đã đạt tới gần 20. Nhưng không nhiều khách sạn này được chọn trở thành “bệnh viện” - điểm cách ly do chưa thỏa được nhiều tiêu chí, quan trọng nhất là cơ sở lưu trú phải bảo đảm được yêu cầu về hạ tầng, vật chất, nhân sự trong công tác phòng, chống dịch.
Việc trưng dụng các khách sạn để hình thành “bệnh viện” trả phí đối với người có nhu cầu ở nơi tốt hơn là một "lối ra" hay cho cả doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý. Bởi Việt Nam đang đón nhận hàng ngàn lượt người từ nước ngoài về tránh dịch, nguồn lực cơ sở du lịch được huy động sẽ giúp địa phương đó giải quyết được sự quá tải cũng như nhu cầu của chính người cách ly có điều kiện tài chính. Với công tác dịch tễ, khử khuẩn được thực hiện tốt, chặt chẽ khi dịch đi qua, các khách sạn này vẫn hoàn toàn có thể tiếp tục đón khách bình thường, giám đốc một công ty du lịch chia sẻ.
Nhằm tiếp sức và động viên tinh thần những “chiến sĩ áo trắng”, Công ty cổ phần Du lịch Thành Thành Công (TTC Hospitality), thuộc Tập đoàn TTC, bố trí 50/52 phòng có trang thiết bị, cơ sở hạ tầng đạt tiêu chuẩn 3 sao làm nơi nghỉ dưỡng, phục vụ ăn uống miễn phí cho khoảng 80 y bác sĩ, điều dưỡng đến lưu trú mỗi ngày. Đồng hành cùng TTC Hospitality, Ngân hàng Phương Đông (OCB) cũng góp phần hỗ trợ chi phí lưu trú, ăn uống, và các loại dịch vụ khác cho đội ngũ y bác sĩ tại khách sạn TTC với chương trình “OCB chung tay bảo vệ cộng đồng” , hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ phòng chống dịch Covid-19, với nhiều hoạt động thiết thực. Một cách gián tiếp chung tay cùng những người đang ngày đêm thầm lặng trên mặt trận chống đại dịch Covid-19, bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho nhân dân.