Khi nào bất động sản nghỉ dưỡng hồi phục?
Nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng chưa quan tâm trải nghiệm khách hàng Bất động sản nghỉ dưỡng đã sẵn sàng trở lại đường đua Bùng nổ mùa hè sôi động tại Vịnh giải trí Safabay |
Vẫn chưa thoát khỏi “vùng tối”
Giá bán của shophouse/biệt thự thuộc dự án L'Aurora Phú Yên dao động khoảng từ 85-130 triệu đồng/m2; dự án Vlasta Sầm Sơn, xã Quảng Hùng, Sầm Sơn, Thanh Hóa có giá từ 70-80 triệu đồng/m2... Loại hình condotel tại một số dự án như A La Carte Hạ Long, sổ đỏ lâu dài, giá rao bán khoảng 45-65 triệu đồng/m2; dự án The Sóng 5 Sao Plus Vũng Tàu, đất thuê 50 năm, giá khoảng 35-45 triệu đồng/m2. Còn dự án Flamingo Cát Bà, Hải Phòng, đã có sổ đỏ, giá rao bán khoảng 60 triệu đồng/m2...
Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vẫn tiếp tục duy trì trạng thái trầm lắng và chưa có dấu hiệu phục hồi.
Theo DKRA Group, loại hình bất động sản nghỉ dưỡng vẫn chưa thoát khỏi “vùng tối”. Cụ thể, ở phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng, nguồn cung sơ cấp giảm 5% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, nguồn cung mới cũng liên tục sụt giảm khi chỉ chiếm khoảng 6% tổng nguồn cung bất động sản cả nước. Sức cầu cũng ở mức thấp, lượng tiêu thụ giảm 69% so với cùng kỳ, là mức thấp nhất trong 1 thập kỷ qua. Cùng với đó, thị trường thứ cấp ghi nhận mức giá giảm trung bình 15% - 20% so với giá hợp đồng, cục bộ có những dự án giảm sâu đến 40% - 50% nhưng vẫn gặp khó khăn trong thanh khoản.
Ông Võ Hồng Thắng - Giám đốc mảng dịch vụ tư vấn và Phát triển dự án, DKRA Group cho biết, phân khúc nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng cũng không khá hơn khi nguồn cung tiếp tục sụt giảm. Hơn 97% nguồn cung sơ cấp trong quý đến từ lượng hàng tồn kho của những dự án cũ. Thị trường tiếp tục gặp nhiều khó khăn về thanh khoản lẫn khả năng tăng giá khi niềm tin của nhà đầu tư, cũng như động thái phục hồi của phân khúc này vẫn còn rất mơ hồ.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng vẫn còn nhiều điểm nghẽn như trình tự thủ tục đầu tư phải qua nhiều bước; việc xác định giá đất, quyền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, các thủ tục pháp lý nói chung chưa đồng bộ, còn chồng chéo khiến nhà đầu tư còn ngần ngại... Bên cạnh đó, là các vướng mắc liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sử dụng tài sản. Một số chủ đầu tư triển khai dự án chậm đã ảnh hưởng tới niềm tin của khách hàng, người dân.
Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đang chờ đợi cơ hội mới |
Tín hiệu khởi sắc
Theo bà Phạm Thị Miền - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam (VARs IRE), phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đã có tín hiệu tích cực hơn ở quý II so với quý I. Tuy nhiên, bà cũng cho rằng, vẫn chưa có nhiều chuyển biến rõ rệt, dù nguồn cung và lượng giao dịch ghi nhận tăng mạnh so với cùng kỳ. Theo đó, 6 tháng đầu năm 2024, toàn thị trường ghi nhận 3.114 sản phẩm mở bán mới, gấp hơn 2 lần so với 6 tháng đầu năm 2023 nhưng mới chỉ bằng 27% cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung mới trong 2 quý đầu năm đạt 58% tương đương với 1.799 giao dịch. Tuy nhiên, 87% nguồn cung, 94% lượng giao dịch đến từ 1 dự án phân khúc căn hộ du lịch (condotel) duy nhất ở tại Nha Trang và hiếm hoi trên cả nước được cấp sổ hồng.
Tuy nhiên, việc 3 luật mới liên quan đến bất động sản có hiệu lực sẽ giúp cho thị trường bất động sản nói chung và bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng khởi sắc. Ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 có hiệu lực từ 1/8/2024 là một trong những khung pháp lý quan trọng tác động tích cực đến thị trường bất động sản, đã khơi thông nhiều điểm nghẽn.
Ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc Kinh doanh Batdongsan.com.vn cho biết, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đang chờ đợi cơ hội mới. Các yếu tố vĩ mô về du lịch, bán lẻ đều có dấu hiệu hồi phục tích cực vào đầu năm 2024, tác động tích cực đến bất động sản nghỉ dưỡng. Mức độ quan tâm với các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng đã dần có sự cải thiện trong quý II/2024.