![]() |
Đảm bảo phục vụ tốt nhất nhu cầu thanh toán của nền kinh tế |
![]() |
Tìm sự cân bằng cho chính sách tiền tệ và tài khóa |
Nhận diện nhiều khó khăn
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (TCTK), ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1/2023 giảm 14,6% so với tháng trước và giảm 8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, chỉ số sản xuất ngành chế biến, chế tạo giảm tới 9,1% so với cùng kỳ năm trước, qua đó làm giảm 7% trong mức giảm chung. Tương đồng với đó, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước cũng đều giảm (cùng kỳ năm trước tăng đến hai con số). Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2023 ước đạt 46,56 tỷ USD, giảm 17,3%, so với tháng trước và giảm 25% so với cùng kỳ năm trước (trong đó xuất khẩu giảm 21,3%; nhập khẩu giảm 28,9%). Điểm tích cực trong xuất, nhập khẩu tháng vừa qua là cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 3,6 tỷ USD.
Cũng theo TCTK, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/1/2023 (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt 1,69 tỷ USD, giảm 19,8% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện (giải ngân) ước đạt 1,35 tỷ USD, cũng giảm tới 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2023 tăng 0,52% so với tháng trước và tăng 4,89% so với cùng kỳ năm 2022 (riêng lạm phát cơ bản tháng 1/2023 đã tăng 5,21%).
![]() |
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2023 |
Ngoại trừ lạm phát tăng nhanh (là điều không mong muốn nhưng tất yếu xảy ra vào mỗi tháng có Tết), các chỉ số khác (như điểm ra ở trên) cho thấy đều giảm khá mạnh dù so với tháng trước đó hay so với cùng kỳ. Việc cả Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán đều diễn ra trọn trong tháng 1 tất nhiên là một nguyên nhân quan trọng bởi đã lấy đi 1/3 số ngày làm việc, vận hành bình thường của cả cỗ máy kinh tế.
Nhưng bên cạnh đó còn nhiều yếu tố khác dẫn đến diễn biến kinh tế tháng 1 như vừa qua, từ hiệu ứng “nhạt dần” của giai đoạn phục hồi mạnh khi mở cửa nền kinh tế trở lại sau đại dịch, tới những khó khăn cả bên ngoài và bên trong vốn đã xuất hiện từ nửa cuối quý III/2022… Tất cả cho thấy những khó khăn của nền kinh tế ngay khi bước vào năm mới.
Tuy nhiên theo TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, với những đặc điểm rất khác biệt và có quá nhiều yếu tố ngoại lai trong tháng 1 năm nay, cần thêm số liệu của tháng 2 và tháng 3 thì mới có những đánh giá, nhận định sát đúng nhất về tình hình và xu hướng cho cả năm nay. Hơn nữa, bên cạnh những khó khăn và thách thức thể hiện qua những con số sụt giảm như đã nêu trên, cũng có những tín hiệu tích cực từ các số liệu khác cũng như diễn biến gần đây trên thị trường.
Ví dụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2023 tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành tăng gấp 2,1 lần cho thấy cầu trong nước vẫn được duy trì chứ không quá lo ngại như dự báo trước đó. Và nếu tiêu dùng tiếp tục duy trì được đà tăng tích cực này sẽ trở thành trụ cột ngày càng quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Hay mặc dù xuất, nhập khẩu hàng hóa giảm, nhưng vẫn có được mức xuất siêu lên tới 3,6 tỷ USD.
Một yếu tố tích cực khác được TS. Lê Duy Bình đưa ra là nhu cầu tuyển dụng lao động tại TP. Hồ Chí Minh và một số địa phương tăng khá mạnh và số lượng người lao động quay trở lại làm việc ngay sau Tết cao hơn so với những năm trước. Điều đó cho thấy các DN bắt đầu có các đơn hàng trở lại hoặc đơn hàng nhiều lên.
“Dù đây chưa phải là dấu hiệu chắc chắn nhưng cũng là tín hiệu tích cực. Bên cạnh đó, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam cũng đang cho thấy dấu hiệu phục hồi. Trong khi đó, ngành dịch vụ, đặc biệt là lĩnh vực du lịch được kỳ vọng sẽ giúp bù đắp cho những khó khăn của các ngành khác. Nhưng yếu tố được kỳ vọng nhất năm nay là chi tiêu Chính phủ năm nay sẽ tăng mạnh. Chính vì vậy, tôi tin tưởng mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm nay sẽ đạt được”, TS. Bình kỳ vọng.
Hóa giải những thách thức
Cùng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, diễn biến kinh tế tháng 1 cho thấy tuy còn rất nhiều khó khăn và thách thức song cũng xuất hiện các yếu tố tích cực.
Từ bên ngoài, kinh tế quý IV/2022 của thế giới và nhiều nền kinh tế lớn tăng trưởng tích cực hơn so với dự báo trước đó, cho thấy dấu hiệu kinh tế thế giới đang phục hồi nhanh hơn kỳ vọng, trong khi tốc độ tăng lạm phát cũng giảm nhiệt tương đối nhanh, tác động tích cực làm giảm nhiệt thắt chặt lãi suất và áp lực tỷ giá, qua đó cũng sẽ giúp bớt đi các tác động tiêu cực đối với kinh tế Việt Nam.
Trong nước, dịch bệnh vẫn được kiểm soát tốt; du lịch trong và sau tết phục hồi mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy cầu tiêu dùng trong nước; FDI tổng thể giảm nhưng riêng FDI “mới tinh” - FDI đăng ký mới - tăng rất mạnh, chứng tỏ sau tết Dương lịch nhiều NĐT nước ngoài đã chính thức đăng ký các dự án đầu tư mới, phản ánh niềm tin và kỳ vọng vào tiềm năng của Việt Nam.
“Những diễn biến kinh tế tháng 1 vừa qua, cả thách thức khó khăn cũng như những yếu tố tích cực về cơ bản cũng đã được nhận diện và trong tầm dự báo trước đó. Ví dụ dự báo lạm phát tăng lên trong tháng Tết thì thực tế vẫn là câu chuyện lâu nay chắc chắn xảy ra, hay các thách thức với xuất nhập khẩu, FDI, thị trường BĐS, TPDN đã bộc lộ trước đó và nằm trong dự báo. Cho nên, thực tế chúng ta không bất ngờ”, TS. Cấn Văn Lực nhận định.
Để nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi và vượt qua các khó khăn, thách thức đặt ra, các chuyên gia kiến nghị cùng với kiên định ổn định KTVM, cần có các giải pháp hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng.
Theo TS. Cấn Văn Lực, chúng ta cần thực hiện tốt 4 cân bằng: Giữa lạm phát và tăng trưởng; giữa lãi suất và tỷ giá; giữa cán cân ngân sách và hỗ trợ DN, người dân; giữa đầu tư công và đầu tư tư nhân. Trên cơ sở đó, cần sớm triển khai tốt, hiệu quả Nghị quyết 01 của Chính phủ, cũng như các hướng dẫn, các chỉ thị có liên quan của các bộ, ngành. Đặc biệt quan tâm hơn để thúc đẩy thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế, các chương trình mục tiêu quốc gia và giải ngân đầu tư công ngay từ đầu năm.
Trong khi đó TS. Lê Duy Bình một lần nữa nhấn mạnh, yếu tố được kỳ vọng nhất chính là đầu tư công.
“Nếu như giải ngân được nguồn vốn đầu tư công khoảng 700 nghìn tỷ như dự kiến trong năm nay sẽ tác động rất lớn và trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế. Bởi vừa giúp tăng chi tiêu của Chính phủ và nếu nguồn vốn này được thực hiện với tỷ trọng các nhà thầu, các DN Việt Nam tham gia cao hơn sẽ tạo ra sự lan tỏa rất lớn. Việc thực hiện tốt giải ngân đầu tư công sẽ vừa tác động trực tiếp lên tăng trưởng kinh tế năm nay, đồng thời tạo ra những tiền đề cho các năm tiếp theo vì chủ yếu các dự án đầu tư công hiện nay đều liên quan đến cơ sở hạ tầng thiết yếu và mở rộng không gian kinh tế nên rất cần được chú trọng”, chuyên gia này lưu ý.
Đỗ Lê
Nguồn: