Kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc từ quý II?
Hài hòa giữa hỗ trợ nền kinh tế và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng Đồng hành thúc đẩy phát triển kinh tế vùng Đông Nam bộ |
Kết quả kinh doanh quý I nhiều khó khăn
TS. Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội cho biết, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp đã có sự ảnh hưởng rất lớn từ quý III/2022 và quý IV/2022, các đơn hàng ở các ngành chủ lực đều đã bị ảnh hưởng. Ví dụ như ngành dệt may và da giày, từ những quý cuối của năm 2022 đã sụt giảm từ 30% cho đến 40%, cá biệt có doanh nghiệp giảm đến 65%, và tình trạng này kéo dài đến quý I/2023. Điều quan trọng là những ngành chủ lực như vậy khi bị suy giảm cũng sẽ ảnh hưởng chung đến thị trường.
Ở một số quốc gia khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Sri Lanka hay Indonesia, trong quý I/2023, lực lượng doanh nghiệp rời bỏ khỏi thị trường tăng hơn 10% so với cùng kỳ. Sự suy giảm này cho thấy thị trường nói chung là khó khăn. Một phần nữa là do lạm phát của các nước tại châu Âu và Mỹ đều tăng đã ảnh hưởng lớn đến cầu thương mại. Khi nguồn cầu thế giới giảm, cùng với cầu thị trường nội địa cũng giảm tương đối đã khiến các doanh nghiệp thêm phần khó khăn.
Dưới góc nhìn của mình, Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt, bà Nguyễn Thị Phương Lam cho biết, khi tổng hợp kết quả kinh doanh quý I/2023 của hơn 1.000 tổ chức niêm yết, bao gồm cả doanh nghiệp và ngân hàng, trên ba sàn chứng khoán nhận thấy lợi nhuận trong quý I của các doanh nghiệp nhìn chung đã giảm hơn 16% so với cùng kỳ. Chỉ một vài ngành đơn lẻ với các doanh nghiệp đơn lẻ có mức tăng trưởng lợi nhuận tốt, ví dụ như nhóm khu công nghiệp và văn phòng cho thuê, hay du lịch, giải trí và nhóm hàng không. Đây là những nhóm ngành hay doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 nên có sự hồi phục trong quý I/2023 cũng là điều dễ hiểu.
Trong khi đó, hầu hết các nhóm ngành còn lại đều cho thấy bức tranh tăng trưởng lợi nhuận âm so với cùng kỳ, đặc biệt ở các ngành bán lẻ, dịch vụ tài chính, hóa chất, ô tô, phụ tùng, tài nguyên cơ bản, xây dựng và vật liệu xây dựng, với mức giảm lợi nhuận từ trên 60% đến trên 80% so với cùng kỳ.
Dệt may tiếp tục gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu. |
Ngoài ra, biên lợi nhuận gộp tổng thể quý I/2023 vẫn đang trong xu hướng giảm, ước giảm khoảng 1,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2022 và giảm 1,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021. Điều này cho thấy sức ép về giá vốn còn cao, hoặc do sức mua yếu mà doanh nghiệp gặp hạn chế trong khả năng tăng giá bán đề bù đắp cho chi phí đầu vào cao.
Tuy nhiên, cũng có điểm tích cực là khi nhóm ngành hóa chất, gồm các doanh nghiệp phân bón, cao su tự nhiên, hay hóa chất cơ bản, có mức biên lợi nhuận gộp giảm mạnh nhất. Đây vốn là những ngành kinh doanh đầu vào của nhiều ngành khác, do vậy, việc biên lợi nhuận gộp của các ngành này giảm cũng hàm ý rằng giá hàng hóa và nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành sản xuất kinh doanh đã và đang hạ nhiệt.
Khó khăn lớn nhất là bài toán thị trường
Nhìn nhận những khó khăn mà các doanh nghiệp hiện đang phải đối mặt hiện nay trong Talk show Phố Tài chính trên VTV8, TS. Mạc Quốc Anh cho biết, khó khăn nhất đối với doanh nghiệp hiện nay là bài toán về mặt thị trường. Cả kênh xuất khẩu và tiêu thụ nội địa đều khó để đưa sản phẩm, dịch vụ ra thị trường, do nguồn cầu giảm.
Khó khăn thứ hai nữa đó là về nguồn tài chính. Trong bối cảnh khó khăn chung, phương án kinh doanh của doanh nghiệp mà không khả thi thì các ngân hàng rất khó để giải ngân. Trong khi trên thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu, thị trường cổ phiếu cũng đang có những điểm nghẽn nhất định nên việc cung cấp thêm các nguồn vốn mới cho doanh nghiệp là khó.
Khó khăn thứ ba là về mặt chính sách khi vẫn còn những thủ tục hành chính đang ngăn trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, khi cấp độ để xử lý các văn bản và chính sách của chúng ta còn nhiều hạn chế.
Một phần nữa là nguồn lực lao động của chúng ta hiện nay đang bị dịch chuyển, những nguồn lực lao động có tay nghề lại luôn tìm những đơn vị trả mức lương cao hơn nên với những đơn vị đang khó khăn thì người lao động lại di chuyển sang đơn vị khác.
Một khó khăn nội tại nữa là khả năng tiếp cận các trình độ về mặt khoa học công nghệ, đổi mới về trang thiết bị của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn hạn chế, chỉ có trên 46% doanh nghiệp đang tập trung trong vấn đề đổi mới về khoa học công nghệ để tăng được năng lực cạnh tranh.
Còn bà Nguyễn Thị Phương Lam khi theo dõi khảo sát các hiệp hội và tình hình kinh doanh của doanh nghiệp cũng nhận thấy đang nổi lên hai khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp đang gặp phải. Một là nhu cầu cả trong và ngoài nước giảm, tiếp đến là khó tiếp cận vốn và chi phí vốn cao.
Chẳng hạn như khảo sát 100 doanh nghiệp do Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh thực hiện vào tháng 2 cho thấy, 83% doanh nghiệp đang gặp khó khăn với các khó khăn chính gồm thị trường bị thu hẹp (41,2%), hàng tồn kho nhiều (30,1%), khó tiếp cận nguồn vốn (40%), chi phí vốn cao (43%), thủ tục vay vốn phức tạp, tốn nhiều thời gian (38,2%), giá nguyên liệu đầu vào tăng (17,6%).
Còn theo báo cáo xu hướng sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng quý I/2023 và dự báo quý II/2023 của Tổng cục Thống kê thì các doanh nghiệp cho rằng, các khó khăn của doanh nghiệp bao gồm nhu cầu thị trường, trong nước và quốc tế thấp chiếm lần lượt 52,4% và 32,2%, tính cạnh tranh của hàng trong nước cao chiếm 48%, chi phí vốn cao và các khó khăn về tài chính chiếm lần lượt 47,8% và 30,2%.
Ngoài ra, bà cũng cho rằng khó khăn trong lĩnh vực bất động sản cũng lan sang các ngành khác như xây dựng, nguyên vật liệu xây dựng và tiêu dùng. Số liệu cho thấy số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới đã giảm khoảng 61% so với cùng kỳ trong khi tỷ lệ tạm ngừng kinh doanh và giải thể tăng đến 57%.
Số liệu kinh tế bốn tháng đầu năm cũng đang cho thấy kết quả không mấy tích cực, khi mà tổng kim ngạch xuất khẩu ước giảm 12% trong khi kim ngạch nhập khẩu giảm hơn 15% so với cùng kỳ, chỉ số toàn ngành công nghiệp giảm 1,8% trong khi số lao động đang làm việc trong các ngành công nghiệp giảm 3,5% so với cùng thời điểm năm 2022.
Động lực nào giúp doanh nghiệp tăng tốc
Trong quý I/2023, nền kinh tế chỉ tăng trưởng 3,32%, nếu muốn đạt được mục tiêu 6,5% sẽ phải tăng tốc kể từ quý II. Vậy đâu sẽ là động lực giúp cho các doanh nghiệp tăng tốc từ quý II, qua đó thúc đẩy nền kinh tế và thị trường chứng khoán tích cực hơn?
TS. Mạc Quốc Anh cho rằng quý II và đến quý III/2023 sẽ là thời điểm đặc biệt quan trọng khi hàng loạt chính sách, cơ chế, nghị định, thông tư của Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ban, ngành đã được ban hành sẽ đi vào thực thi một cách hiệu quả hơn, đặc biệt là vấn đề về tài chính, tài khóa, về giảm các chi phí, giảm lãi vay của hệ thống ngân hàng… Cùng với đó là sự đồng hành của Chính phủ, yêu cầu từ cán bộ, công chức, viên chức tăng cường trách nhiệm để hỗ trợ, giúp đỡ người dân và doanh nghiệp được thụ hưởng chính sách một cách nhanh nhất.
Về mặt thị trường, chúng ta đang cố gắng tập trung vào thị trường nội địa. Bởi vì với số dân số hơn 100 triệu chắc chắn sức mua tương đối lớn. Hiện, các địa phương đang tăng cường rất nhiều hội chợ, các chương trình mua sắm tập trung rồi giảm giá, khuyến mại. Đó là những yếu tố quan trọng để thị trường nội địa bùng nổ trong quý II và quý III/2023.
Một phần nữa là rất nhiều nhà đầu tư FDI đã quay lại tăng số vốn đầu tư vào Việt Nam. Bên cạnh đó làn sóng du lịch, nhất là khi Trung Quốc đã mở cửa trở lại sau dịch Covid-19. Đây là một yếu tố quan trọng bởi ngành du lịch đang có hơn 200 sản phẩm, các ngành khác ăn theo sự phát triển của ngành này.
Đối với ngành nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, sản phẩm hữu cơ của các doanh nghiệp Việt Nam đều được nhà đầu tư nước ngoài hết sức quan tâm. Ví dụ cà phê Việt Nam đã được các nước Đức và Ý đầu tư vào Việt Nam cách đây khoảng 6 năm, giờ là thời điểm mà họ sẽ đưa các sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu vào các nước... Với những yếu tố như vậy, ông Quốc Anh cho rằng quý II, quý III/2023 sẽ là thời điểm tăng trưởng của các doanh nghiệp Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Phương Lam thì cho rằng, các động lực hiện giờ đều suy giảm, từ xuất khẩu đến tiêu dùng. Cho nên để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế của cả năm thì kỳ vọng lớn nhất hiện giờ vẫn là vào đầu tư công và sự khởi sắc trở lại của các đơn hàng xuất khẩu. Ngoài ra, lãi suất hạ nhiệt cũng là một điểm then chốt, cùng với triển vọng chính sách đối với thị trường bất động sản trở nên rõ ràng hơn, đặc biệt là vấn đề pháp lý đối với dự án bất động sản, sẽ giúp thị trường dần ấm lại và lan tỏa sang nhiều ngành kinh doanh khác.
Thêm vào đó, nếu gọi là điểm sáng thì đó là số liệu về kế hoạch kinh doanh năm 2023 của các tổ chức niêm yết khi trong tổng thể cả năm, các doanh nghiệp vẫn đặt đặt kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng dương. Nếu như tin vào khả năng phán đoán và lên kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp, có thể kỳ vọng rằng giai đoạn khó khăn nhất đang dần đi qua và các quý tới sẽ có sự phục hồi nhất định.