Lãi suất cho vay sẽ giảm theo sự phục hồi của nền kinh tế
Các ý kiến doanh nghiệp phản ánh tại hội nghị rằng, mặt bằng lãi suất cho vay cao khiến họ khó tiếp cận vốn ngân hàng. Doanh nghiệp cũng nêu vướng mắc về tài sản thế chấp và đề nghị các ngân hàng đơn giản hóa thủ tục vay vốn để người đi vay dễ dàng tiếp cận vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi.
Đại diện OCB cho biết, mặt bằng lãi suất đang giảm, lãi suất cho vay thời gian qua giảm nhanh hơn lãi suất huy động. Ngân hàng này cách nay 3 tuần đã giảm một loạt các mức lãi suất cho vay ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt cho vay vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh.
OCB phải tích cực phát triển dịch vụ để tăng thu ngoài lãi tín dụng và kêu gọi doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ để ngân hàng thu hẹp khoảng cách giữa giá vốn huy động với giá vốn cho vay, tạo ra bình quân giá vốn thấp.
Lãi suất cho vay dựa trên lãi suất huy động, đại diện ACB cho biết, ngân hàng cho vay còn phải dựa trên điểm tín nhiệm và mức độ giao dịch của khách hàng và hình loại hình vay ngắn hạn, trung hạn, hay dài hạn… từ đó mỗi khách hàng lại có mức lãi suất khác nhau.
Trả lời các thắc mắc của doanh nghiệp, ông Võ Minh Tuấn, Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho hay, NHNN Việt Nam hiện đang áp dụng trần lãi suất huy động dưới 6 tháng, các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên ngân hàng được phép thỏa thuận với người gửi tiền để đảm bảo nguyên tắc cung cầu thị trường.
“Lãi suất cao là vấn đề chúng tôi không mong muốn, tuy vậy tôi tin rằng lãi suất sẽ xuống dần, theo sự phục hồi của nền kinh tế và những diễn biến của thị trường thế giới”, ông Võ Minh Tuấn nói.
Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp năm nay sẽ tiếp tục gắn với thực hiện hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư 03 của NHNN Việt Nam về cho vay doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong thời kỳ hậu Covid-19.
Theo số liệu thống kê của NHNN chi nhánh TP.HCM, tính đến cuối tháng 2/2023, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã thực hiện hỗ trợ tín dụng đạt 469.000 đồng, trong đó ngân hàng giảm lãi suất khoảng 300.000 tỷ đồng dư nợ cho vay; tăng hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp 100.000 tỷ đồng và hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 trên 9.000 tỷ đồng…
TP.HCM đề xuất cho phép sử dụng quyền thuê đất hàng năm thế chấp vay vốn Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp và khẳng định đối với những vướng mắc do cơ chế chính sách chính quyền thành phố sẽ kiến nghị để tháo gỡ. Ông Mãi cho rằng, đối với trường hợp cụ thể sẽ giải quyết trực tiếp, tuy vậy không nên lấy trường hợp cụ thể khái quát vấn đề có thể sẽ làm cho nhận diễn vấn đề không chính xác. Trên tinh thần đó, xác định một số vấn đề, thành phố sẽ phản ánh lên Trung ương tháo gỡ, chứ không chỉ nằm trong phạm vi giải quyết của ngành Ngân hàng. Ví dụ: các quy định về dùng quyền thuê đất trả tiền hàng năm để thế chấp, hoặc định giá đất làm sao tiệm cận giá thị trường thì ngân hàng không thể tự mình giải quyết được. Ông Mãi cho biết thêm, trong dự thảo Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM, thành phố đã đề xuất được phép sử dụng quyền thuê đất hàng năm để thế chấp, chuyển nhượng. Nếu được thông qua, quy định này sẽ mở ra rất nhiều không gian phát triển kinh tế, trong đó có hoạt động ngân hàng. Bên cạnh đó, thành phố cũng đề xuất cho phép TP.HCM được xác định hệ số điều chỉnh giá đất làm sao tiệm cận với giá thị trường trong từng loại đất để phục vụ cho các giao dịch của ngân hàng với doanh nghiệp, người dân. |