Lại thêm rào cản đầu tư lĩnh vực y tế
Kết nối FDI mạnh hơn với khu vực trong nước | |
VBF 2017: Tăng kết nối DN trong nước với DN FDI | |
DN FDI hãy đến với Việt Nam với khối óc và trái tim |
Là một trong số các cơ quan Chính phủ đang đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, thủ tục kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm điều kiện kinh doanh, các nỗ lực của Bộ Y tế thời gian qua đã được DN trong ngành ghi nhận. Tuy nhiên theo phản ánh của NĐT nước ngoài trong lĩnh vực này, nhiều rào cản trong đầu tư y tế chưa kịp hạ xuống, đã có thêm các rào cản khác được dựng lên, khiến DN như “ngồi trên lửa” vì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động đầu tư, kinh doanh của DN, gây thiệt hại hàng trăm triệu USD.
Nhiều chức năng bị hạn chế
Tâm điểm chính sách trong lĩnh vực y tế đang được NĐT nước ngoài tập trung phản ánh trong suốt mấy ngày gần đây chính là Nghị định 54/2017/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Dược, có hiệu lực từ ngày 1/7/2017. Theo đó, Nghị định đã cho phép các DN FDI nhập khẩu sản phẩm dược, tuy nhiên lại đưa ra nhiều giới hạn khiến DN bị hạn chế ở những chức năng khác.
Ông Lê Nết, Tiểu Ban Y tế, Hiệp hội DN Hoa Kỳ (Amcham) cho biết, điều 91 khoản 10 Nghị định 54 quy định các DN FDI không được thực hiện các hoạt động liên quan trực tiếp đến phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc, bao gồm vận chuyển, nhận bảo quản thuốc. Quy định này khiến NĐT nước ngoài không được đầu tư thành lập cơ sở bảo quản thuốc. Bên cạnh đó các NĐT đã được cấp phép đầu tư và thành lập cơ sở bảo quản thuốc từ trước khi có Nghị định 54 phải ngừng cung cấp dịch vụ bảo quản thuốc, cho dù họ có nhập khẩu thuốc hay không.
Thay đổi chính sách với ngành dược có thể gây thiệt hại hàng trăm triệu USD |
Cũng theo Nghị định 54 về điều kiện kinh doanh, mục 60 quy định các DN FDI đã có giấy phép cung cấp dịch vụ vận chuyển, bảo quản, giao thuốc… không được thực hiện các hoạt động liên quan trực tiếp đến phân phối thuốc, bao gồm vận chuyển, bảo quản thuốc.
“Điều đó nghĩa là DN FDI được nhập khẩu thuốc nhưng không được vận chuyển và bảo quản thuốc. Vậy các DN FDI khác đã thực hiện việc vận chuyển và bảo quản này từ trước tới nay có được làm tiếp hay không? Cũng không được luôn!”, ông Lê Nết giải thích.
Vị này than phiền, cho phép DN nhập khẩu thuốc mà không được vận chuyển và bảo quản là quá vô lý. Bên cạnh đó, mặc dù không cho phép vận chuyển và bảo quản, song Nghị định lại bắt buộc các DN dược nước ngoài phải tự xây kho, hoặc nếu thuê kho thì phải tự vận hành và chịu trách nhiệm quản lý, cũng khó lý giải về tính logic trong xây dựng chính sách.
Những hệ lụy đi kèm
Sự thay đổi này, theo các DN dược là thành viên của Amcham, đã dẫn tới nhiều hệ quả về mặt pháp lý, kinh tế, cũng như chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Trước hết về pháp lý, cách giải thích các hoạt động liên quan trực tiếp đến phân phối của Nghị định 54 trái với quy định của hệ thống CPC WTO, Luật Dược, Luật Thương mại 2005 và Nghị định 23/2007. Một cách trực tiếp, cách tiếp cận này đi ngược với quy định của Luật Dược 2016, đó là bảo quản không phải là phân phối mà là loại hình dịch vụ riêng. Bên cạnh đó, việc cấm các DN FDI tiếp tục kinh doanh ngành nghề này, trong khi họ đã đầu tư tài sản trên thực tế, có thể bị coi là áp dụng hồi tố quy định của pháp luật.
Về mặt kinh tế, các DN FDI đang cung cấp dịch vụ bảo quản thuốc chuyên nghiệp sẽ phải ngừng hoạt động hoặc thay đổi mô hình kinh doanh, gây tổn thất cho dự án đầu tư. Các DN nhập khẩu thuốc sẽ phải đầu tư xây dựng hệ thống kho bảo quản mới, và đầu tư nhân lực để tự vận hành hệ thống kho bảo quản đó, làm phát sinh lãng phí và thiếu hiệu quả do không đạt quy mô tối thiểu để hoạt động kinh tế.
Quy định này còn gây ảnh hưởng tới vấn đề chăm sóc sức khoẻ nhân dân do chi phí trên mỗi đơn giá thuốc sẽ tăng, làm giảm khả năng chi trả cho các sản phẩm thuốc của người dân, đặc biệt là những người có thu nhập thấp. Bên cạnh đó, chất lượng thuốc có thể không được đảm bảo do việc bảo quản thuốc sẽ không phải do các đơn vị chuyên nghiệp đảm nhận mà do các DN nhập khẩu tự thực hiện.
Ông Lê Nết nhấn mạnh, xu thế trên thế giới hiện nay là chuyên môn hoá các ngành dịch vụ để nâng cao hiệu quả và giảm thiểu chi phí đầu tư. Ông lưu ý, mỗi công đoạn trong chuỗi sản xuất đều đã có các DN chuyên trách thực hiện và nếu họ đang làm tốt việc đó thì hãy để họ tiếp tục làm. Các NĐT nước ngoài cũng cho rằng việc DN FDI cung cấp dịch vụ bảo quản thuốc không cạnh tranh trực tiếp với DN Việt Nam. “Nếu lo ngại có sự cạnh tranh không lành mạnh làm ảnh hưởng tới thị phần thì hãy giao cho Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương thực hiện quản lý và ra quyết định dựa trên các đánh giá tác động thực tế”, đại diện của Amcham khuyến nghị.
Cùng chung lo ngại với cộng đồng DN Hoa Kỳ, ông Bradley Allen Silcox, thành viên Hiệp hội DN châu Âu (Eurocham) lo ngại, với việc thay đổi quy định theo Nghị định 54, các DN FDI cung cấp dịch vụ kho bãi và vận tải vốn đã hoạt động tại Việt Nam trong hơn 20 năm qua có khả năng không thể tiếp tục kinh doanh. Các DN dược nước ngoài có thể gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác đáp ứng yêu cầu chất lượng và tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế, từ đó có rủi ro ảnh hưởng đến tính liên tục của nguồn cung và chất lượng sản phẩm.
Ông cũng cho rằng việc hạn chế tham gia của DN FDI trong phân phối dược sẽ làm tăng chi phí tiếp cận thuốc đối với người tiêu dùng Việt Nam. Eurocham dẫn thông tin, hiện nay thời gian để bệnh nhân ở Việt Nam tiếp cận thuốc mới còn chậm, dẫn đến nhu cầu du lịch y tế tăng đáng kể. Cụ thể, chỉ có 6% tất cả những phân tử mới được giới thiệu toàn cầu có mặt tại Việt Nam sau 3-7 năm. Do đó, xét về giá trị (22%) và số lượng (4%), thuốc biệt dược gốc tại Việt Nam chiếm tỷ lệ thấp nhất trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, khiến người Việt phải ra nước ngoài để sử dụng các loại dược phẩm cần thiết. Kéo theo đó du lịch y tế tăng cao, ước tính khoảng 2 tỷ USD/năm, làm chảy mất một lượng ngoại tệ không nhỏ.