Kết nối FDI mạnh hơn với khu vực trong nước
DN FDI cần xem thành công của DN Việt Nam là thành công của chính mình | |
VBF 2017: Tăng kết nối DN trong nước với DN FDI | |
Để tăng lực hút FDI |
Việt Nam sẽ không thu hẹp khoảng cách giữa DN trong nước và DN FDI bằng cách “kéo lùi” khối FDI, thay vào đó là thiết kế chính sách để kết nối 2 khối DN này cùng phát triển. Phản hồi chính sách với cộng đồng DN tại Diễn đàn doanh nghiệp giữa kỳ (VBF) 2017, các đại diện của Chính phủ Việt Nam đã khẳng định thông điệp nhất quán và xuyên suốt này.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ:
Ưu đãi hơn cho DN FDI chủ động kết nối với DN Việt
Chính phủ Việt Nam luôn coi FDI là bộ phận hết sức quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam và chủ trương tiếp tục thu hút mạnh mẽ, tạo mọi điều kiện để các DN FDI vào đầu tư kinh doanh thành công tại Việt Nam, coi thành công của DN FDI là thành công của Chính phủ và nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay còn có sự lệch pha giữa khu vực FDI và khu vực trong nước. Trước thực trạng này, không phải Chính phủ sẽ thu hẹp khoảng cách bằng cách làm yếu đi khu vực FDI mà thay vào đó phải tạo mọi điều kiện, nhất là môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để kết nối thành công 2 khu vực này trong nền kinh tế quốc gia thống nhất, làm sao để DN Việt Nam và DN FDI đủ sức mạnh tham gia chuỗi giá trị khu vực và thế giới, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Thiết kế chính sách để kết nối 2 khối DN trong nước và DN FDI cùng phát triển |
Với tinh thần đó, tới đây Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh thu hút có chọn lọc đầu tư từ FDI, tập trung ưu tiên những DN FDI đầu tư vào Việt Nam phù hợp định hướng tái cơ cấu của Việt Nam, ưu tiên các DN có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, có sẵn chuỗi quản trị tốt và sẵn sàng kết nối với DN Việt Nam. Chúng tôi sẽ nghiên cứu các thể chế chính sách ưu đãi nhiều hơn cho các DN FDI có kết nối với DN Việt Nam. Trên tinh thần đó, Chính phủ Việt Nam mong các DN FDI ngược lại cũng coi thành công của các DN Việt Nam nói riêng và thành công của nền kinh tế Việt Nam nói chung như thành công của chính bản thân các bạn.
Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương:
Rào cản kỹ thuật dựng lên là cần thiết
Việt Nam là quốc gia luôn tuân thủ nghiêm túc các quy định của WTO, chưa bao giờ thua kiện ở WTO. Cam kết trong WTO cho phép Việt Nam áp dụng kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) đối với các nhà bán lẻ nước ngoài và trên thực tế nhiều thành viên WTO cũng áp dụng ENT. Theo tôi biết cũng không có thành viên WTO nào đưa ra được tiêu chí rõ ràng về việc kiểm tra nhu cầu này, xuất phát từ đó quy định của Việt Nam cũng đưa ra một số khó khăn nhất định trong áp dụng ENT.
Tuy nhiên điều đó cũng không cản trở các nhà bán lẻ nước ngoài có mặt hết sức hoành tráng tại Việt Nam, từ các hệ thống siêu thị hiện đại đến hệ thống cửa hàng tiện lợi đang có mặt và chèn ép các nhà bán lẻ ở Việt Nam. Vì vậy tôi cho rằng cần áp dụng ENT để hạn chế sự đe doạ, cản trở các nhà bán lẻ trong nước. Bên cạnh đó, trong EVFTA, Việt Nam đã cam kết sẽ bải bỏ ENT với các DN từ EU, vì vậy sắp tới sự hiện diện của các DN bán lẻ EU chắc chắn cũng sẽ thuận lợi hơn.
Chúng tôi hoan nghênh sáng kiến về tăng cường đối thoại giữa Bộ Công Thương và Chính phủ với các DN trong ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ trong bối cảnh hội nhập và thuế nhập khẩu đã về 0%, đặc biệt lưu ý câu chuyện chống gian lận thương mại tại cửa khẩu, đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng, công bằng giữa ô tô sản xuất trong nước và ô tô nhập khẩu.
Bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính:
Chính sách thuế sẽ có nhiều thay đổi
Bộ Tài chính khẳng định sẽ luôn đồng hành và lắng nghe ý kiến DN để ngày càng tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn. Hiện nay 98,3% DN đã đăng ký nộp thuế điện tử, 100% thủ tục hải quan đã được tự động hoá và đã thực hiện nộp thuế qua NH và thuế điện tử… Vì vậy trong đánh giá về môi trường kinh doanh thì việc tăng 9 bậc có sự đóng góp của chỉ số kê khai nộp thuế tăng 11 bậc và chỉ số thương mại qua biên giới tăng 15 bậc. Đồng thời, chúng tôi cũng tiếp tục tăng cường đối thoại, hướng dẫn DN, có kiểm tra kiểm soát, đào tạo đội ngũ để đáp ứng nhu cầu DN, cam kết thời gian tới tiếp tục cải cách đổi mới ứng dụng CNTT, hiện đại hoá tạo thuận lợi hơn nữa cho DN.
Hiện nay Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp Bộ Công Thương và các bộ ngành có khảo sát cụ thể về công nghiệp ô tô, công nghiệp hỗ trợ, báo cáo Chính phủ và các cấp có thẩm quyền thúc đẩy công nghiệp ô tô phát triển. Như vậy có thể khẳng định Chính phủ vẫn chủ trương phát triển công nghiệp ô tô.
Hiện nay chúng tôi đã có đề xuất và Chính phủ đã đồng ý đưa vào chương trình xây dựng một luật sửa 5 luật thuế trong đó có thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt... dự kiến trình Quốc hội vào tháng 5/2018, trong đó có các nội dung liên quan đến các vấn đề về thuế mà các nhóm đề xuất ở đây.
Ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam:
Chủ động cải cách để khơi thông dòng chảy FDI
Trong số các khuyến nghị của các nhóm công tác thuộc VBF nêu ra từ cuối năm 2016 thì từ đầu năm 2017 đến nay, NHNN đã tổ chức các buổi họp kỹ thuật để giải đáp dứt điểm 7/13 kiến nghị, đến nay còn 6 kiến nghị cần xử lý và nhóm công tác cũng ghi nhận đây là các vấn đề liên quan đến pháp lý. NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu xử lý trong thời gian tới.
Liên quan đến số hoá và Fintech, đây là vấn đề được Chính phủ và NHNN quan tâm thúc đẩy. Thống đốc NHNN cũng đã ban hành Quyết định 288 ngày 16/3/2017 về việc thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc lĩnh vực Fintech của NHNN nhằm đưa ra các giải pháp để hoàn thiện cơ chế quản lý và khuôn khổ pháp lý phù hợp, tạo thuận lợi cho các DN Fintech Việt Nam phát triển. NHNN cũng đã chủ động tiếp cận và làm việc với các DN Fintech, xác định những thách thức và cơ hội đối với các DN Fintech, trên cơ sở đó đưa ra giải pháp phù hợp để hoàn thiện hệ sinh thái Fintech ở Việt Nam.
NHNN nhận thấy công nghệ đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của Fintech. Việc ứng dụng các công nghệ hiện đại, thúc đẩy các dịch vụ NH số để cung cấp cho khách hàng những trải nghiệm tốt hơn khi sử dụng các sản phẩm dịch vụ là rất cần thiết. Do đó, NHNN đang nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi những quy định pháp lý liên quan nhằm tạo điều kiện để các định chế tài chính cũng như các công ty Fintech có thể yên tâm đầu tư và triển khai những giải pháp mới tại thị trường Việt Nam.
Bên cạnh đó, NHNN đã giao cho các đơn vị chức năng phối hợp với các thành viên nhóm công tác liệt kê danh mục các chứng từ giao dịch và rà soát các chứng từ liên quan tới thuế, hải quan điện tử để có những nghiên cứu kỹ lưỡng, đề xuất phù hợp, đảm bảo tính pháp lý. Trên tinh thần theo các quy định của pháp luật. NHNN giao cho các TCTD hướng dẫn cụ thể về hồ sơ chứng từ giao dịch, kiểm tra chứng từ phù hợp với quy định pháp lý, NHNN đề nghị nhóm công tác NH chủ động nghiên cứu, rà soát các quy định hiện hành và kinh nghiệm quốc tế để xây dựng quy định nội bộ của các NH về hồ sơ, chứng từ khách hàng cần xuất trình khi thực hiện giao dịch ngoại hối phù hợp với chủ trương đẩy mạnh số hoá và kết nối điện tử hải quan.
Đồng thời đảm bảo mục tiêu quản lý, kiểm soát, tránh trường hợp các cá nhân, tổ chức thực hiện giao dịch vi phạm pháp luật. Trong thời gian tới, NHNN tiếp tục phối hợp, làm việc với Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính và nhóm các NH để nghiên cứu, xem xét và có đề xuất phù hợp.
Hiện, NHNN đang quy định đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam tại Thông tư 19 của NHNN đã quy định cụ thể đối tượng mở và sử dụng tài khoản vốn đầu tư trực tiếp gồm DN FDI và các bên nước ngoài tham gia vào hợp đồng hợp tác kinh doanh, các giao dịch thu, chi liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp phải thực hiện thông qua tài khoản này. Các trường hợp mở tài khoản vốn FDI và tài khoản vốn FII khi thực hiện đầu tư trực tiếp vào Việt Nam dưới dạng góp vốn hay mua cổ phần.
Đồng thời với các hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam, Thông tư 05 cũng đã quy định cụ thể về mục đích, đối tượng và tài khoản vốn đầu tư gián tiếp là nhà đầu tư nước ngoài là người không cư trú, các giao dịch thu, chi liên quan đến hoạt động đầu tư gián tiếp phải được thực hiện thông qua tài khoản này. Mặc dù theo quy định tại khoản 3 Điều 36 Luật Doanh nghiệp 2014 mọi giao dịch chuyển nhượng vốn đều thông qua tài khoản vốn, tuy nhiên Điều 3 Luật Doanh nghiệp 2014 đã quy định cụ thể về điều khoản áp dụng Luật Doanh nghiệp và luật chuyên ngành.
Do vậy hiện tại hoạt động FDI, FII vào Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài, DN FDI, FII phải tuân thủ theo quy định của pháp luật, chuyên ngành về quản lý ngoại hối nêu trên. Thực tế triển khai thực hiện thì các TCTD không có vướng mắc phát sinh, đều thống nhất được cách hiểu và hướng dẫn kế hoạch thực hiện theo đúng TT 19 và TT 05. NHNN cam kết tiếp tục hợp tác với nhóm các NH trong thời gian tới để tiếp tục tháo gỡ vướng mắc khó khăn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN.