Lạm phát tăng thấp, thêm dư địa phục hồi tăng trưởng
Tại hội thảo “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2023” do Viện Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính) phối hợp với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) tổ chức ngày 4/7, TS. Lê Quốc Phương - nguyên Phó giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) dự báo, CPI năm nay sẽ theo hai kịch bản. Ở kịch bản 1, với giả định kinh tế thế giới suy thoái, giá cả trên thế giới không tăng và kết hợp với các yếu tố cả thuận lợi, không thuận lợi trong nước thì lạm phát 6 tháng cuối năm sẽ không tăng mạnh, cả năm ở mức 3,5%. Ở kịch bản 2, giả định kinh tế thế giới hồi phục, giá cả tăng nhẹ và kết hợp với các yếu tố trong nước thì lạm phát 6 tháng cuối năm sẽ tăng cao hơn 6 tháng đầu năm và cả năm ở mức 4%-5%. Đây cũng là mức dự báo lạm phát cao nhất được đưa ra tại hội thảo này.
Đơn cử, PGS.TS. Phan Thế Công - Trưởng khoa Kinh tế, Đại học Thương mại nhận định, các yếu tố như: Giá nguyên vật liệu đầu vào thế giới vẫn đang ở mức cao; việc thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ do Nhà nước quản lý (nhất là giá dịch vụ y tế và giáo dục, theo hướng tính đúng, tính đủ); giá lương thực, thực phẩm, đồ dùng gia đình thường tăng theo quy luật vào các tháng cuối năm và các yếu tố thiên tai, dịch bệnh có thể gây ảnh hưởng đến giá lương thực, thực phẩm; việc tăng lương cơ sở từ ngày 1/7... dự kiến sẽ gây áp lực lên mặt bằng giá trong những tháng còn lại của năm 2023. Tuy nhiên lạm phát bình quân cả năm nay chỉ ở mức quanh 4%.
Hay theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, lạm phát năm nay dự kiến sẽ trong khoảng 3,3% - 3,5% hoặc 3,5% - 3,8% tùy vào mức tăng trưởng kinh tế đạt được trong năm nay. Cụ thể ở kịch bản 1, chuyên gia này dự báo trong 6 tháng cuối năm 2023, nếu giá dầu và nguồn cung nguyên vật liệu tăng cao, lạm phát của các nền kinh tế lớn vẫn ở mức cao, kinh tế thế giới phục hồi chậm, các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng “tạm được” cơ hội từ các FTA, thì kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng ở mức 6,3% - 7,0%; khả năng lạm phát cả năm sẽ trong khoảng 3,3% - 3,5%.
Ở kịch bản 2, nếu giá dầu thô, nguyên vật liệu giao động ở mức như hiện nay, cơ hội chống lạm phát của các quốc gia tốt hơn, kinh tế thế giới phục hồi tốt hơn dự báo từ đầu năm, các gói hỗ trợ hồi phục và tăng trưởng kinh tế phát huy tốt tác dụng, doanh nghiệp Việt Nam tận dụng tốt các cơ hội, trong đó có đẩy mạnh xuất nhập khẩu và các khu vực du lịch, dịch vụ tăng trưởng mạnh mẽ, giải ngân đầu tư công đạt mức cao… tăng trưởng GDP năm 2023 có thể đạt mức 6,7% - 7,3%, kéo theo lạm phát cả năm cũng có khả năng sẽ nhích nhẹ trong mức 3,5% - 3,8%.
Mức dự báo CPI tăng thấp nhất được đưa ra bởi TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính. Chuyên gia này dự báo, lạm phát bình quân cả năm 2023 có thể sẽ ở mức 2,5%. Đây là con số đáng ngạc nhiên bởi như vậy, thậm chí lạm phát 6 tháng cuối năm sẽ tiếp tục đà giảm của những tháng gần đây. Ngạc nhiên nhưng cũng rất đáng lưu ý bởi chuyên gia này từng không ít lần dự báo rất sát với diễn biến thực.
“Đầu năm 2023 chúng tôi đã đưa ra dự báo lạm phát so với cùng kỳ sẽ đạt đỉnh vào tháng 1 và sau đó giảm dần về mức 3% vào cuối năm, lạm phát trung bình cả năm sẽ xoay quanh mức 3,5%. Sau 6 tháng đầu năm, có thể thấy lạm phát đã đạt đỉnh vào tháng 1, nhưng đồng thời cũng giảm mạnh hơn dự báo. Theo số liệu mới được Tổng cục Thống kê công bố, lạm phát so với cùng kỳ vào tháng 6/2023 đã giảm về mức chỉ còn 2%”, chuyên gia này cho biết.
Điều chỉnh giá tránh dồn vào cuối năm
TS. Nguyễn Đức Độ cho rằng, sự suy giảm mạnh của lạm phát trong 6 tháng đầu năm 2023 xuất phát từ những nguyên nhân chủ yếu như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức thấp với tất cả các cấu thành của tổng cầu đều tăng trưởng chậm (đầu tư, tiêu dùng) hoặc sụt giảm (xuất khẩu); Tăng trưởng cung tiền cũng thấp và lãi suất thực còn ở mức cao. “Tổng phương tiện thanh toán tính đến ngày 20/6/2023 mới chỉ tăng 2,53% so với cuối năm 2022, thấp hơn cả thời kỳ xảy ra dịch bệnh Covid-19. Nguyên nhân chính khiến cung tiền tăng chậm, một mặt là do tổng cầu yếu khiến nhu cầu tín dụng thấp, mặt khác là lo ngại nợ xấu gia tăng. Những nguyên nhân này khiến số nhân tiền tệ hay tốc độ quay vòng tiền tệ bị suy giảm mạnh”, TS. Nguyễn Đức Độ phân tích.
Cũng theo chuyên gia này, các yếu tố nêu trên không chỉ khiến lạm phát giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm mà còn tiếp tục có tác động kiềm chế tốc độ tăng CPI trong 6 tháng cuối năm. Bên cạnh đó, các nguy cơ xảy ra các cú sốc về cung như giá dầu, tỷ giá… như xảy ra trong năm 2022 cũng không cao, nên thuận lợi cho việc kiềm chế lạm phát. “Trong vòng 1 năm qua, CPI chỉ tăng trung bình 0,17%/tháng. Với giả định tốc độ này tiếp tục được duy trì trong 6 tháng cuối năm, lạm phát so với cùng kỳ vào tháng 12/2023 được dự báo sẽ ở mức 1,7% và lạm phát trung bình cả năm 2023 sẽ ở mức 2,5%. Với bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế hiện nay không mấy khả quan, lạm phát trong năm 2023 nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm, và mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4,5% năm nay chắc chắn sẽ được hoàn thành”, TS. Độ tính toán và chia sẻ.
Chia sẻ tại hội thảo, đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, với tốc độ tăng CPI như 6 tháng đầu năm cho thấy dư địa kiểm soát lạm phát đang tốt dần và là điều kiện thuận lợi để thực hiện linh hoạt việc điều chỉnh giá một số mặt hàng Nhà nước quản lý theo lộ trình thị trường sau khi việc thực hiện đã bị trễ trong những năm vừa qua. Tuy nhiên, ảnh hưởng của việc điều chỉnh này đến CPI còn phụ thuộc vào thời điểm ban hành các văn bản điều chỉnh giá các mặt hàng của các bộ, ngành. Ngoài ra, việc lạm phát cơ bản đang ở mức cao hơn nhiều so với lạm phát chung cho thấy những rủi ro lạm phát cao có tính dài hạn.
Đề xuất cụ thể về vấn đề này, đại diện Cục Quản lý giá cho rằng các bộ, ngành cần tận dụng thời điểm để chủ động sớm các phương án điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý, tránh dồn vào các tháng cuối năm, hoặc dồn vào cùng một thời điểm để hạn chế tác động cộng hưởng, đồng thời giảm bớt áp lực cho công tác điều hành giá, kiểm soát lạm phát các năm tiếp theo. Đồng thời, cần có phương án giảm thiểu những tác động tiêu cực đối với người nghèo và những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trước những tác động từ việc điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu.