Làng nghề Hà Nội có cơ hội phát triển
Công văn nêu rõ, UBND thành phố nhận được văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo tồn và phát triến làng nghề. Trong đó cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 833/VPCP-NN ngày 23/1/2018 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản nêu trên. Đồng thời, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan lập danh mục làng nghề cần bảo tồn lâu dài.
Việc lập danh mục làng nghề cần bảo tồn lâu dài cần lưu ý xác định rõ tiêu chí đánh giá, có bản thuyết minh sự cần thiết của việc bảo tồn lâu dài và đề xuất các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án, mô hình để bảo tồn và phát triển các làng nghề... Các tỉnh, thành phố báo cáo gửi về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 30/6/2018 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Về việc này, UBND thành phố giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện, hoàn thành báo cáo UBND thành phố trước ngày 28/6/2018.
Cũng liên quan đến vấn đề này, UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 2953/QĐ-UBND, thành lập Cụm công nghiệp làng nghề Đại Thắng ở thôn Văn Hội và Phú Đôi, xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên.
Theo quyết định, cụm công nghiệp rộng 7,37ha. Ngành nghề hoạt động chủ yếu là phục vụ ngành nghề của làng nghề Đại Thắng; cơ khí, sản xuất bàn ghế, may màn, đồ mộc gia dụng; dịch vụ phục vụ cụm công nghiệp... Tổng mức vốn đầu tư cụm công nghiệp khoảng 134,5 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của nhà đầu tư 26,9 tỷ đồng; vốn vay từ các tổ chức tín dụng 67,25 tỷ đồng; vốn huy động từ nhà đầu tư thứ phát 40,35 tỷ đồng.
Tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, từ quý III/2018 đến quý III/2020, nhằm tạo mặt bằng di chuyển các cơ sở sản xuất công nghiệp xen kẽ trong khu dân cư, cải thiện vấn đề ô nhiễm môi trường (tiếng ồn, khói bụi, chất thải rắn...) và phòng chống cháy nổ trong khu dân cư. Chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp ít hiệu quả sang lĩnh vực sản xuất tiểu thủ công nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, tạo điều kiện tăng thu nhập cho người dân, đồng thời, là điểm lưu trữ, khai thác và phát triển làng nghề truyền thống, du lịch làng nghề. Xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan Cụm công nghiệp làng nghề Đại Thắng đáp ứng các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo các tiêu chuẩn nhằm đáp ứng yêu cầu của các tổ chức, cá nhân cơ sở sản xuất phải di dời, đảm bảo các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy và vệ sinh môi trường.
Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp: Sử dụng đất đúng mục đích để xây dựng công trình theo quyết định giao đất, cho thuê đất. Nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về đánh giá tác động môi trường của dự án. Xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đặc biệt là hệ thống thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn công nghiệp và đảm bảo các quy định về hệ thống phòng cháy, chữa cháy. Nghiêm cấm thực hiện việc chuyển nhượng dự án và huy động vốn để triển khai dự án không đúng quy định pháp luật dưới mọi hình thức, trường hợp vi phạm sẽ bị thu hồi, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Các sở, ngành liên quan có trách nhiệm hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện thủ tục về quy hoạch, đất đai, xây dựng, nghĩa vụ tài chính và các thủ tục khác liên quan đến việc triển khai thực hiện dự án theo quy định hiện hành của Nhà nước và thành phố. UBND huyện Phú Xuyên thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động tạo được sự đồng thuận của người dân; chuẩn bị tốt phương án đền bù, giải phóng mặt bằng không để phát sinh khiếu kiện phức tạp.