Lập sàn giao dịch vàng: Nên hay chưa?
Hậu quả thật từ sàn vàng ảo | |
Sàn vàng chui: Đừng huyễn hoặc với lợi nhuận | |
Về lâu dài có thể thành lập sàn giao dịch vàng quốc gia |
UBND TP. Hồ Chí Minh vừa có đề xuất NHNN nghiên cứu xây dựng đề án thành lập các trung tâm, sàn giao dịch vàng vật chất do nhà nước quản lý. Đây không phải là lần đầu tiên có ý kiến đề xuất lập sàn giao dịch vàng, nghiên cứu phương án huy động nguồn vàng nhàn rỗi trong dân được đưa ra.
Trước đó, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cũng có văn bản đề xuất nghiên cứu giải pháp huy động vàng trong dân và thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia để góp phần giảm chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế, giảm bớt tình trạng buôn lậu vàng...
Để vàng tạo thêm nguồn lực cho xã hội, quan trọng vẫn là quản lý, giám sát hiệu quả |
Tuy nhiên theo nhận định của NHNN và đánh giá của nhiều chuyên gia: Việc quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP trong những năm qua và từ đầu năm tới nay tiếp tục phát huy hiệu quả. Theo đó, giá vàng trong nước diễn biến tương đối ổn định, bám sát với giá vàng thế giới. Cung cầu vàng miếng tương đối cân bằng, tình trạng “vàng hoá” đã từng bước được hạn chế, việc sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán đã được ngăn chặn.
Cùng với các giải pháp khác trong quá trình chống vàng hoá, đô la hoá nền kinh tế thì Nghị định 24 đã giúp tỷ giá, lạm phát không còn bị ảnh hưởng quá nhiều từ biến động giá vàng. Kinh tế vĩ mô nhờ đó cũng ổn định hơn. Đây có thể là lý giải cho việc UBND TP. Hồ Chí Minh đưa ra đề xuất nêu trên khi nhận thấy có cơ sở để thực hiện đề án lập sàn vàng, huy động vàng nhàn rỗi trong dân. Nhưng liệu đây đã phải thời điểm thích hợp để có thể hiện thực hoá đề xuất này hay chưa?
TS. Bùi Quang Tín, Đại học NH TP. Hồ Chí Minh phân tích: Cách đây vài năm, đã có ý kiến đề xuất thành lập sàn giao dịch vàng tài khoản. Còn hiện nay, đề xuất của UBND TP. Hồ Chí Minh là thành lập sàn vàng vật chất. Theo tôi, nếu xem xét cho lập sàn vàng thì nên cho thành lập sàn vàng vật chất. Còn trước mắt, chưa nên thành lập sàn giao dịch vàng quốc gia để giao dịch mua, bán vàng tài khoản.
Chia sẻ về mô hình thành lập sàn giao dịch vàng quốc gia về vàng vật chất, ông Tín nêu ý kiến, vàng của người dân khi gửi trên sàn giao dịch sẽ nhận lại chứng chỉ huy động vàng của NHNN và được hưởng một mức lãi suất đủ hấp dẫn. Nhưng quan trọng là để chuẩn hoá vàng trong dân và nộp vào sàn giao dịch thì Nhà nước phải đưa ra những quy định cụ thể trên sàn (có thể lấy vàng miếng SJC làm chuẩn). Muốn như vậy phải có một cơ quan được phép chuyển đổi từ vàng của dân thành vàng chuẩn, và chi phí chuyển đổi cũng là vấn đề cần xem xét...
Bên cạnh đó, khi cho phép lập sàn vàng cần đảm bảo các mục tiêu như: Thứ nhất, thay vì nhập khẩu vàng nguyên liệu sẽ tốn rất nhiều ngoại tệ nên lấy vàng trong nước để cung cấp vàng nguyên liệu cho các DN sản xuất, kinh doanh vàng và lấy đó sản xuất vàng SJC. Thứ hai, người dân có nơi gửi vàng vật chất và giao dịch vàng thông qua chứng chỉ vàng. Thứ ba là chuẩn hoá vàng vật chất trong nước. Và cuối cùng là phải cân bằng được trạng thái về vàng, dù là dưới hình thức vàng vật chất hay chứng chỉ vàng. Như vậy mới có thể giảm thiểu rủi ro về giá vàng.
Một chuyên gia kinh tế khác nêu quan điểm việc lập sàn vàng quốc gia khi có đủ yếu tố thuận lợi là chuyện cần thiết. Song ông cũng bày tỏ sự thấu hiểu tâm tư lãnh đạo của NHNN trong việc cho triển khai lập sàn giao dịch vàng và kiểm soát việc này. Bởi thị trường vàng vừa được lập lại trật tự mấy năm gần đây.
Tuy rằng thực tế phương thức quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24 đã trải qua nhiều thử thách (những biến động trên thị trường vàng thế giới thời gian qua…) nhưng nếu giờ cho lập sàn giao dịch vàng mà chưa có sự chuẩn bị đầy đủ thì khả năng thị trường vượt ra khỏi sự kiểm soát lâu nay, chắc chắn sẽ tạo ra những lo lắng cho nhà điều hành. Song ở khía cạnh khác, ông cũng cho rằng, NHNN sớm muộn cũng cần có giải pháp cho vấn đề này.
Một chuyên gia tài chính khác nêu quan điểm: Thời điểm hiện tại chưa phải là lúc để thành lập sàn giao dịch vàng. Nên dành ra ít nhất từ 1 - 2 năm để có sự xem xét, chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở hạ tầng, hoàn thiện quy định, các tiêu chí về chuyện vàng lên sàn, ai được niêm yết, ai được đăng ký... mới mong thực hiện được. “Các cơ quan liên quan phải có sự thống nhất, quyết định có triển khai hay không. Nếu có, thì phải dành thời gian lên một lộ trình cụ thể, chứ không thể nửa chừng mãi được” - chuyên gia cho hay.
Về phía NH, lãnh đạo một NHTMCP nhận thấy: Bản chất vàng cũng là hàng hoá, không thể ngăn cấm giao dịch được, có điều đây được xem là loại hàng hoá đặc biệt nên cần thận trọng. Đề xuất đưa ra của UBND TP. Hồ Chí Minh không có gì ngạc nhiên. Hiểu đơn giản là tạo ra cho loại hàng hoá này một cơ chế, để có thể trao đổi, mua bán, liên thông được cũng là điều tốt.
Quan trọng là tạo hành lang, cơ chế vận hành ra sao để vàng lưu thông được, tạo nguồn lực cho xã hội và thị trường tránh được những cú sốc quá lớn. Vị này cũng chia sẻ thêm, NHNN lo lắng là tất yếu. Vì để làm được chuyện này, cần một chiến lược cụ thể, và ở thời điểm nào thì còn phải cân nhắc.
Trước đó, NHNN cũng cho biết đề xuất thành lập sàn vàng hay không đều là những ý kiến để NHNN phân tích, cân nhắc thận trọng trước khi đưa ra các biện pháp quản lý thị trường vàng theo đúng chủ trương của Chính phủ đề ra.