Liên kết là sức mạnh
Gián tiếp điều tiết bất động sản | |
Cho vay mua nhà ở cần được chú trọng hơn | |
Bảo lãnh tài chính để bảo vệ người mua |
Linh hoạt trong thanh toán
Về lý thuyết, sự sôi động của thị trường BĐS chỉ tác động gián tiếp đến sự phát triển của ngành Ngân hàng thì nay, theo đà ấm lên của thị trường BĐS, người ta lại có thể dự báo một cách trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của ngành Ngân hàng. Đặc biệt là những ngân hàng có thế mạnh về cho vay BĐS và chọn phát triển dịch vụ làm trọng tâm.
Thế nên mới có chuyện, khi nghe những số liệu thống kê đại loại như: “quý IV là thời điểm sôi động để bàn giao các dự án BĐS. Hay nguồn cung căn hộ từ các dự án mở bán mới sẽ tiếp tục tăng ở cả 2 thị trường Hà Nội (khu Tây) và TP. Hồ Chí Minh (khu Đông và khu Nam)… thì những người làm ngành Ngân hàng cũng bắt đầu bận rộn hơn trong việc thiết kế các gói cho vay để làm sao phù hợp với từng đối tượng khách hàng.
Sự hồi phục của thị trường BĐS đang có tác động trực tiếp lên tình hình hoạt động của các ngân hàng tại Việt Nam |
Theo chia sẻ của một giám đốc chi nhánh Vietcombank, trước đây, các DN BĐS thường tự thiết kế cho mình một hình thức thanh toán riêng dành cho khách hàng mua dự án. Theo đó, ngân hàng là tổ chức độc lập tham gia cho vay theo nhu cầu của khách hàng. Nhưng thời gian gần đây, nhiều chủ đầu tư đã mời ngân hàng tham gia phối hợp tính toán các hình thức tài chính ngay từ bước đầu nên việc cho vay ngày nay hơn hẳn trước đây. Cũng chính vì vậy mà chỉ cần thấy số lượng khách hàng tìm đến xem mua dự án là người ta có thể ước tính được có chừng đó người sẽ tìm đến ngân hàng để tìm hiểu các hình thức vay để thanh toán tốt nhất. Và cũng chính vị lãnh đạo ngân hàng trên cũng thừa nhận rằng, sự hồi phục của thị trường BĐS đang có tác động trực tiếp lên tình hình hoạt động của các ngân hàng tại Việt Nam.
Điều đó lý giải vì sao gần đây, khi tìm hiểu một vài dự án, người mua BĐS được giới thiệu rất nhiều gói tài chính tối ưu, thậm chí có những khoản vay ngân hàng mà không phải trả lãi.
Trường hợp của chị Phương (TP.HCM) mua dự án A tại Q.9 là ví dụ. Ngay từ thời điểm tìm hiểu dự án chị đã rất hào hứng khi được ngân hàng cũng như chủ đầu tư đưa ra những hình thức thanh toán vô cùng hấp dẫn. Theo đó, thay vì trả góp theo tiến độ như các dự án thông thường, chị chọn hình thức vay ngân hàng giải ngân hết một lần để được hưởng chiết khấu 8% trên tổng giá trị căn hộ. Tức là, một căn hộ có giá khoảng 2 tỷ đồng, chị vay ngân hàng trả luôn một lần cho chủ đầu tư được giảm hơn 160 triệu đồng. Trong khi đó, hàng tháng chị chỉ phải trả cho ngân hàng khoảng 15-16 triệu đồng.
Tương tự, cũng dự án A đó, chị Phương Nhi (TP.HCM) chọn hình thức trả góp không lãi suất. Tức là căn hộ có giá 1,3 tỷ đồng, chị thanh toán trước cho chủ dự án 50% giá trị căn hộ (khoảng 650 triệu đồng). 45% còn lại ngân hàng đứng ra cho chị mượn để thanh toán cho chủ đầu tư. Mỗi tháng, chị Nhi chỉ phải trả cho ngân hàng 1% tiền gốc (tương đương 13 triệu đồng) trong vòng 45 tháng mà không mất một khoản lãi nào.
Thực tế còn rất nhiều hình thức thanh toán trả góp mua nhà qua ngân hàng mà khách hàng không cần phải trả lãi suất trong vòng 2-3 năm. Các gói vay linh hoạt này đang giải quyết được nhu cầu mua nhà của rất nhiều người chưa đủ tiền mà lo ngại gánh nặng lãi suất.
Nội lực tăng gấp bội
Sự linh hoạt trong hình thức cho vay của ngân hàng trong thời gian qua không chỉ kích cầu được thị trường, người mua được lợi mà nó còn ghi nhận vào kết quả kinh doanh của một số DN lẫn ngân hàng tăng lên gấp nhiều lần. Trong đó, với các DN BĐS, điểm rơi của nhiều dự án và các khoản lợi nhuận bất thường đã đưa nhiều DN BĐS trở thành quán quân về tăng trưởng trong quý III năm nay như Khang Điền, Novaland. Thậm chí, so với cùng kỳ năm trước, các DN BĐS như Hoàng Quân, Đất Xanh, Năm Bảy Bảy, Thủ Đức House, Phát Đạt… hoặc thua lỗ hoặc lãi rất nhỏ thì năm nay đều đạt lợi nhuận từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng.
Còn với ngành Ngân hàng, trong 9 tháng đầu năm 2017, phần lớn các ngân hàng đều cho biết lợi nhuận có được do sự đóng góp đáng kể từ thu nhập lãi và hoạt động dịch vụ. Trong đó, các yếu tố dẫn đến sự tăng trưởng mạnh như trên gồm có NIM cải thiện nhờ mặt bằng lãi suất ổn định và các ngân hàng cơ cấu danh mục cho vay sang các lĩnh vực có lãi suất cho vay tốt. Bên cạnh tín dụng tăng trưởng mạnh, thì các ngân hàng còn mở rộng danh mục sản phẩm dịch vụ như quản lý tài chính, bảo hiểm...
Đơn cử như Ngân hàng Quân đội (MB) có hoạt động kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ trong quý III/2017 nhờ sự khởi sắc của thu nhập lãi và hoạt động dịch vụ. Trong đó, đối với hoạt động dịch vụ, thu nhập lãi thuần của MB đạt lần lượt 374 tỷ đồng (tăng 109%) trong quý III/2017.
Với ACB, kết thúc quý III/2017, tăng trưởng tín dụng đạt 12,8%. Theo chia sẻ của lãnh đạo ACB, hoạt động tín dụng tiếp tục đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh của ngân hàng, với tổng thu nhập lãi thuần 9 tháng đạt 6.075 tỷ đồng (tăng 22% so với cùng kỳ). Còn VietinBank, dù chi phí hoạt động trong quý III/2017 tăng 10,6%, lên 3.368 tỷ đồng trong khi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lại giảm 7,6%, xuống còn 1.819 tỷ đồng. Theo đó, kết thúc quý III/2017, VietinBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 2.418 tỷ đồng, tăng trưởng 9,3% so với cùng kỳ năm trước…
Điều này khiến một chuyên gia đưa ra quan điểm cá nhân rằng, đây không chỉ là lúc thích hợp để nhà đầu tư bắt đầu tích lũy dần những cơ hội vay mượn tài chính để đầu tư, đặc biệt là những DN BĐS có uy tín dẫn đầu và có hoạt động kinh doanh cốt lõi. Mà chính những ngân hàng chưa có sự linh hoạt cũng như đa dạng trong các gói vay, nên có những nghiên cứu mới để liên kết với DN BĐS đưa ra chính sách cho vay tốt nhất hòng nâng cao giá trị của mình…