Loạn sàn giao dịch bất động sản
Thị trường timeshare tại Việt Nam vẫn đang chờ cú hích | |
Chuỗi khách sạn mới Wink Hotels tiết lộ vị trí đắc địa 2 dự án đầu tiên ở Việt Nam | |
Bách Đạt Corp ký kết hợp tác toàn diện với Nhất Nam Land |
Gây hỗn loạn thị trường
Thị trường bất động sản (BĐS) tại TP. Đà Nẵng thời gian qua liên tục diễn ra sôi động với hàng nghìn sản phẩm ở các phân khúc được giao dịch hàng tháng. Theo đại diện Hội Môi giới BĐS TP. Đà Nẵng, dấu ấn nổi bật của thị trường BĐS tại Đà Nẵng năm 2017, chính là sự tăng trưởng mạnh của các giao dịch. Với phân khúc đất nền, ngoài khu vực phía Nam Đà Nẵng vẫn là “điểm nóng”, với 500 - 1.000 sản phẩm đất nền được tung ra mỗi tháng với gần 20 dự án, thì tại khu vực Tây Bắc, trước đây trầm lắng, thì thời gian gần đây cũng đã có những sôi động trở lại. Theo đó, khu vực này trong năm qua cũng đã cung cấp cho thị trường khoảng gần 3.000 sản phẩm...
Sàn giao dịch làm ăn chụp giật, ảnh hưởng đến quyền lợi khách hàng |
Đóng góp vào những dấu ấn tích cực của thị trường BĐS ở địa phương trong thời gian qua không thể không nhắc đến vai trò của các công ty môi giới, sàn giao dịch BĐS. Theo số liệu của các cơ quan chức năng ở địa phương, đến nay, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 30 sàn giao dịch BĐS đã gửi thông báo hoạt động đến Sở Xây dựng và được sở kiểm tra, đề nghị Bộ Xây dựng đăng tải trên website các sàn giao dịch BĐS Việt Nam theo Luật Kinh doanh BĐS 2014, Nghị định số 76/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015 của Chính phủ và Thông tư số 11/2015/TT-BXD ngày 30/12/2015 của Bộ Xây dựng...
Tuy nhiên trên thực tế, hiện nay ngoài những thương hiệu có uy tín, đã xây dựng được thương hiệu trên thị trường BĐS ở Đà Nẵng cũng như khu vực miền Trung như: Địa Ốc First Real, Đất Xanh miền Trung... thì hiện có hàng loạt sàn giao dịch, công ty môi giới từ nhỏ đến lớn mọc lên như nấm sau mưa.
Nguyên nhân đầu tiên là do thị trường BĐS ở địa phương đang tăng nhiệt, có dấu hiệu ăn nên làm ra, nên không ít người mặc dù không có kinh nghiệm, tay ngang vẫn đứng ra thành lập các sàn giao dịch, trung tâm môi giới... hoạt động rất nghiệp dư, chụp giật. Và đây chính là nguyên nhân chính gây nên sự hỗn loạn thị trường BĐS ở Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước.
Theo đó, các sàn giao dịch này thường xuất hiện theo kiểu “thóc đâu, bồ câu ở đó”. Ở đâu có nhiều dự án đất nền hay chung cư, thì ở đó lập tức xuất hiện hàng loạt các sàn giao dịch tạm bợ, nhếch nhác. Chỉ riêng trên đoạn đường ngắn ở khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, vừa qua cầu Hòa Xuân hoặc phía Nam cầu Nguyễn Tri Phương nằm trên địa bàn quận Cẩm Lệ đã có tới hàng trăm sàn giao dịch BĐS như vậy.
Hỗ trợ tích cực cho các sàn giao dịch, công ty môi giới kiểu này là hoạt động của đội ngũ các “cò”. Hầu hết những người này đều không có nghề nghiệp ổn định, thậm chí là thất nghiệp. Kinh doanh theo kiểu thiếu chuyên nghiệp, chỉ quan tâm đến bản thân, những “cò” này hoàn toàn không quan tâm đến lợi ích của các khách hàng, mà thậm chí sẵn sàng gây thiệt hại nếu có lợi cho họ. Cụ thể, một số người không chỉ giới thiệu để hưởng hoa hồng, mà còn sẵn sàng bỏ ra một số tiền rất nhỏ so với giá trị dự án để đặt cọc giữ đất, nhằm tạo ra “cú hích ảo” đối với các sản phẩm. Sau đó, sẽ tìm kiếm một khách hàng mới để bán sang tay với giá được đẩy lên từ vài chục cho đến hàng trăm triệu đồng. Điều này, như đã nói ở trên, là tác nhân chính gây nên những cơn sốt “ảo”, làm hỗn loạn thị trường.
Khó kiểm soát
Đại diện một công ty BĐS ở TP. Đà Nẵng đã thẳng thắn chia sẻ rằng, các sàn giao dịch, trung tâm môi giới BĐS đang mọc lên như nấm sau mưa chủ yếu là để đón “sóng” các giao dịch BĐS đang tăng cao trong thời gian qua. Các sàn này dễ dàng dựng lên, nhưng cũng sẵn sàng... bỗng dưng biến mất. Chỉ cần tồn tại trong một thời gian ngắn, làm ăn kinh doanh để hưởng “hoa hồng”, lợi nhuận chứ hoàn toàn không quan tâm đến lợi ích của các khách hàng. Bởi vậy, hoạt động của những công ty này ảnh hưởng rất lớn đến sự minh bạch của thị trường BĐS, đến những đơn vị làm ăn nghiêm túc.
Kinh doanh BĐS là ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định pháp luật về đầu tư. Bởi vậy, việc hoạt động của các sàn giao dịch, công ty môi giới phải tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh BĐS, cũng như các quy định khác có liên quan. Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nay việc quản lý các sàn giao dịch tạm bợ này rất khó khăn. Nguyên nhân đầu tiên do phần lớn các sàn giao dịch được tổ chức theo kiểu di động, ở đâu có dự án bán thì ở đó sẽ mọc lên những sàn giao dịch tạm bợ. Trong khi đó, Hội Môi giới BĐS ở địa phương chỉ có thể kêu gọi các sàn môi giới hội viên kinh doanh chuẩn mực, nâng cao ý thức nghề nghiệp, tuân thủ quy định của pháp luật, chứ không có vai trò hay quyền hạn xử lý các sai phạm của các sàn giao dịch BĐS làm ăn bất chính...
Được biết, nhằm tăng cường công tác quản lý, đối với các giao dịch BĐS, đặc biệt liên quan việc kiểm tra, giám sát các dự án mở bán nhưng chưa đủ điều kiện, ngày 24/3/2016, Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng đã ban hành Công văn số 2097/SXD-QLN yêu cầu chủ đầu tư dự án BĐS và các DN kinh doanh BĐS chỉ được đưa BĐS (có sẵn hoặc hình thành trong tương lai) vào kinh doanh khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại Luật Kinh doanh BĐS năm 2014; Đồng thời, Sở Xây dựng cũng đã thông báo các dự án đủ điều kiện theo quy định tại website sở (htpp://www.sxd.danang.gov.vn) để các tổ chức, cá nhân tra cứu, theo dõi. Bên cạnh, Sở Xây dựng cũng đã ban hành Quyết định số 563/QĐ-SXD về kế hoạch thanh tra năm 2018. Trong đó, tập trung tiến hành thanh tra một số dự án liên quan đến việc kinh doanh BĐS về điều kiện mở bán đất nền, căn hộ, sàn giao dịch BĐS...
Tuy nhiên, trước tình trạng phát triển nóng của thị trường BĐS như ở Đà Nẵng hiện nay, vì lợi nhuận các sàn giao dịch làm ăn bất chính sẽ vẫn tiếp tục tăng cường hoạt động. Để tránh các rủi ro có thể xảy ra, các “thượng đế”, khi tham gia giao dịch BĐS nên lựa chọn các sàn hợp pháp, uy tín. Về lâu dài, các cơ quan chức năng cần phải bổ sung khung pháp lý về việc thủ tục thành lập sàn cũng như quản lý phải chặt chẽ hơn. Có như vậy, hoạt động môi giới BĐS mới có thể trở nên chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.