M&A bất động sản sẽ sôi động từ năm 2024
Ra mắt bộ 3 siêu chính sách chào thuê tổ hợp nhà phố thương mại The Center Point - Vinhomes Ocean Park 2 Nhiều cửa hiệu “sống khỏe” nhờ chọn địa điểm kinh doanh tại Vinhomes Grand Park |
Thời gian gần đây, thị trường BĐS chứng kiến hoạt động M&A sôi động của các nhà đầu tư (NĐT) nội. Mới đây CTCP Địa ốc Sài Gòn vừa hoàn tất nhận chuyển nhượng 90% vốn của Công ty TNHH Xây dựng Thương mại và Xuất nhập khẩu Đức Nhi để trở thành chủ sở hữu khu đất có tổng diện tích khoảng 7.700 m2 đường Lê Sát, TP. Hồ Chí Minh. Trước đó CTCP Địa ốc First Real cũng chính thức trở thành cổ đông lớn của Bạch Đằng Complex với tỷ lệ sở hữu 22% sau khi cũng đã hoàn tất nhận chuyển nhượng thỏa thuận gần 10 triệu cổ phiếu của CTCP Thương mại Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng…
Tuy nhiên, NĐT nước ngoài vẫn đang dẫn dắt thị trường trong năm 2023. Mới đây nhất, Tập đoàn Hưng Thịnh cũng bắt tay với Marubeni để đầu tư phát triển một dự án tọa lạc tại trung tâm hành chính mới thành phố Thủ Đức với tổng mức đầu tư dự kiến trên 10.000 tỷ đồng.
Phân tích của CTCP Tư vấn EY Việt Nam cho thấy, 7 tháng đầu năm NĐT nước ngoài tập trung vào việc đầu tư BĐS khu công nghiệp (KCN) thông qua M&A doanh nghiệp BĐS và M&A tài sản BĐS. Riêng mảng M&A tài sản BĐS có 24 thương vụ có tổng trị giá 874 triệu USD, trong đó khối ngoại chiếm 92% bên mua chủ yếu đến từ Đài Loan, Singapore và Hàn Quốc. Sự tham gia mạnh mẽ của khối ngoại vào phân khúc này cũng khiến mức tăng trưởng của M&A tài sản BĐS dù giảm 32% so với cùng ký 2022, song vẫn cao hơn nhiều so với mức giảm bình quân chung toàn thị trường M&A BĐS là 65%.
Nhìn nhận về xu hướng chi phối M&A BĐS trong thời gian tới, bà Đào Thiên Hương - Phó Tổng Giám đốc Cấp cao, EY-Parthenon Tư vấn Chiến lược, CTCP Tư vấn EY Việt Nam cho biết, BĐS KCN và BĐS hạ tầng logistics sẽ thuận lợi hơn để vượt qua khó khăn và phục hồi do tác động của các yếu tố tích cực.
Từ ghi nhận nhiều giao dịch đã và đang trong quá trình đàm phán với triển vọng khá sáng, CTCP Tư vấn EY Việt Nam dự báo giao dịch M&A BĐS KCN sẽ sôi động hơn, dự kiến từ 2024 sau quá trình thương lượng kéo dài. Điạ bàn M&A BĐS KCN tập trung tại các khu vực tiềm năng dự kiến sẽ thu hút nhiều vốn FDI ví dụ như Bắc Giang, Bắc Ninh Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Bình Dương, Long An... Cùng với đó, sẽ có thêm các doanh nghiệp tư nhân Việt có tiềm lực tài chính tốt mở rộng sang lĩnh vực BĐS KCN.
Với BĐS dân cư, CTCP Tư vấn EY Việt Nam chỉ ra, sản phẩm BĐS nhà ở trong phân khúc trung cao & cao cấp, khu đô thị vệ tinh và các dự án phức hợp, sẽ hút khách. Trong đó, người mua sẽ tiếp tục quan tâm tới các địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Giá BĐS tại Việt Nam nhìn chung vẫn thấp hơn so với nhiều quốc gia khác trong khu vực. Với giá trị đất đai và giá thuê vẫn ổn định tạo cơ hội cho bên mua lại các dự án với giá hấp dẫn. “Chúng tôi ghi nhận nhiều thương vụ M&A dự án lớn (mega- project) có thể đạt ngưỡng hàng tỷ USD đang trong quá trình đàm phán”, CTCP Tư vấn EY Việt Nam cho biết. Bên mua khối ngoại chủ yếu là các chủ đầu tư, quỹ ngoại có kinh nghiệm ở thị trường Việt Nam: Capital Land, Keppel, Warburg Pincus... và có thể sẽ có bên mua mới trong làn sóng chuyển vốn về từ Đông Âu trong bối cảnh chiến tranh Nga-Ukraina.