Mâu thuẫn sở hữu: Tại anh, tại ả?
“Rào” cỡ nào cũng hở
Khi sự việc mâu thuẫn giữa “nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp” diễn ra, thì thường là giữa cổ đông nước ngoài (sở hữu cổ phần lớn) và cổ đông lớn trong nước (thường là cổ đông sáng lập); cũng có trường hợp cổ đông nước ngoài mâu thuẫn với ban lãnh đạo là người trong nước.
Cần giải quyết tốt các xung đột giữa quỹ đầu tư và doanh nghiệp |
Trở lại với câu chuyện VinaCapital và Ba Huân. Mấu chốt của vấn đề dường như nằm ở những thoả thuận đầu tư khi có sự khác biệt giữa lúc bàn bạc và thực thi. Và đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho rất nhiều thương vụ quỹ ngoại đầu tư vào doanh nghiệp bị đổ bể hoặc “đứt gánh giữa đường”.
Thoạt nhìn, sự khác biệt có thể xử lý bằng những giải pháp sau: Tăng cường đối thoại, tìm hiểu, thẩm định để giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp hiểu nhau hơn; hay ràng buộc bằng nhiều thoả thuận, điều khoản, quy định cụ thể, chi tiết và các giải pháp xử lý.
Nhưng kể cả có làm “hết nước hết cái” thì vẫn còn một loại rủi ro chưa thể xử lý được đó là: thì tương lai. Thí dụ: Quỹ A đầu tư vào doanh nghiệp B và Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ của B cam kết nếu không đạt được doanh thu, lợi nhuận, cổ tức chừng này thì sẽ mua lại cổ phần từ quỹ A. Khi kịch bản tạm gọi là không mong muốn này xảy ra, B không đạt được như cam kết của người đứng đầu, Chủ tịch HĐQT phải mua lại cổ phần thì điều này cũng chưa chắc đã được thực thi.
Lúc này, sẽ có nhiều lý do cả chủ quan, khách quan được đưa ra, hay đơn giản hơn người đứng đầu doanh nghiệp B chỉ cần nói… không có tiền để mua thì cũng khó lòng làm gì nhau. Thực tế đã diễn ra những mâu thuẫn kiểu này nhưng thường thì chẳng bên nào tung hê lên vì chỉ tổ làm xấu mặt nhau và không giải quyết được điều gì.
Không hợp thì chia tay
“Đồng tiền đi liền khúc ruột”, quỹ đầu tư bỏ tiền đương nhiên phải muốn tối đa hoá lợi nhuận. Trong khi đó, cổ đông sáng lập gây dựng rồi điều hành doanh nghiệp đi lên từ con số 0, ai cũng muốn bảo vệ thành quả của mình, tránh mọi sự xâm phạm. Như đã nói ở trên, vì tất cả những thoả thuận khi đặt bút ký chỉ dựa vào quá khứ và đoán định tương lai, nên cũng không ai có thể lường trước được điều gì sẽ xảy ra. Ý tưởng có thể giống nhau, nhưng thực tế và cách làm của mỗi bên lại khác nhau.
Chẳng hạn, cổ đông sáng lập với sự am hiểu về ngành, kinh nghiệm thương trường có thể đưa ra các chiến lược có phần mạo hiểm để gia tăng thị phần cho mình. Tuy nhiên, một quỹ đầu tư thận trọng có thể không chấp nhận điều này, phần vì thận trọng, phần khác cũng không hiểu rõ về ngành giống như doanh nghiệp.
Một vấn đề được đặt ra ở đây là nếu so những mâu thuẫn giữa VinaCapital và Ba Huân với những mâu thuẫn quỹ ngoại-doanh nghiệp nhiều năm trước đây cũng sẽ thấy nhiều điểm giống nhau, cũng xung đột chiến lược, quyền lợi… Tại sao các quỹ hay doanh nghiệp không rút được kinh nghiệm để khắc phục?
Thực chất, đây là một loại rủi ro đầu tư, mà trong thương vụ VinaCapital rót vốn vào Ba Huân theo hình thức đầu tư vốn tư nhân (private equity-PE) là một loại rủi ro hiện hữu. Thông thường, đầu tư P/E sẽ đòi hỏi quỹ phải đi cùng với sự phát triển của doanh nghiệp, nếu hợp nhau thì cả hai bên sẽ bổ sung cho nhau những lợi thế để tạo ra những bước nhảy vọt.
Chẳng hạn, các quỹ đầu tư vốn am hiểu về lĩnh vực tài chính có thể giúp doanh nghiệp tái cấu trúc, chuẩn hoá sổ sách, hệ thống quản lý. Doanh nghiệp có thêm vốn thì triển khai những kế hoạch kinh doanh đã ấp ủ từ lâu. Đầu tư thì không tránh khỏi rủi ro, rủi ro thì cắt lỗ hoặc chia tay nhau. Mâu thuẫn chiến lược, lợi ích cũng xuất hiện ở mọi cấp độ, quy mô, không chỉ là ở những thương vụ lớn, mà ngay cả với những dự án khởi nghiệp (startup).