Mở lại chợ truyền thống để giảm áp lực
Nhu cầu cấp thiết
Trong thời gian cả nước đang căng mình chống dịch như hiện nay, việc cung ứng, phân phối hàng hóa theo các “kênh” tạm thời, chỉ phù hợp trong điều kiện giãn cách ngắn ngày. Còn nếu tiếp tục giãn cách kéo dài chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung cầu, cụ thể là việc cung cấp lương thực thực phẩm cho người dân. Bởi vậy, để sống chung với dịch, việc xây dựng phương án phục hồi hệ thống chợ truyền thống là cần thiết. Tuy nhiên, phải đáp ứng các yếu tố an toàn giữa “bão dịch”.
Chợ Hàn đã hoạt động trở lại sau một thời gian đóng cửa để phòng chống dịch |
Trong thời gian này, tại TP. Đà Nẵng việc mua lương thực, thực phẩm của người dân được thực hiện thông qua ban điều hành khu dân cư để đặt hàng các siêu thị, chuỗi cung ứng. Trong khi, năng lực cung ứng của các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, các đơn vị phân phối cũng đang gặp những vấn đề. Chưa kể đến việc mặt bằng giá cả cao hơn chợ truyền thống, phù hợp với phân khúc khách hàng ít có thời gian đi chợ, thu nhập ổn định. Bên cạnh, thói quen của nhiều “thượng đế” chủ yếu đi chợ tại các chợ truyền thống để thực phẩm được tươi, ngon với mức lượng mua đủ dùng hàng ngày hoặc vài ngày... Bởi vậy, việc sớm mở lại chợ truyền thống là một yêu cầu cấp thiết, đi cùng với đó là bảo đảm an toàn cho cả người mua lẫn người bán.
Tại quận Thanh Khê 12 chợ truyền thống đã phải dừng hoạt động do phải thực hiện các biện pháp phòng, chống Covid-19. Những ngày gần đây, các nhu cầu thiết yếu của người dân trên địa bàn đều được phân phối thông qua ban điều hành tại các tổ dân phố. Để cung ứng thực phẩm cho người dân, địa phương đã xây dựng phương án khôi phục chợ truyền thống. Mới đây, quận Thanh Khê đã triển khai phương án khôi phục hoạt động của các chợ truyền thống nhằm phục vụ người dân. Đó là, siêu thị Nguyễn Kim phục vụ nhân dân các phường Chính Gián, Vĩnh Trung, Tân Chính, Thạc Gián; chợ Phú Lộc phục vụ nhân dân các phường Thanh Khê Đông, Thanh Khê Tây, Xuân Hà, Tam Thuận; chợ Tân An phục vụ nhân dân các phường An Khê, Hoà Khê...
Trong khi đó, tại quận Hải Châu, 2 chợ trung tâm thành phố là chợ Cồn và chợ Hàn cũng mở bán trở lại sau thời gian tạm dừng hoạt động. Theo ông Nguyễn Trung Thành - Trưởng Ban quản lý chợ Hàn cho hay, để bảo đảm nhu cầu nguồn hàng, ban quản lý chợ và tiểu thương kinh doanh mặt hàng cá, tôm đã chủ động đặt nguồn hải sản tươi sống tại Hội An (tỉnh Quảng Nam). Ngay trong buổi sáng đầu tiên hoạt động trở lại, hơn 100 kg cá và 60 kg tôm đã được bán hết...
Tương tự, tại quận Ngũ Hành Sơn cơ quan chức năng đã tổ chức hoạt động chợ Bắc Mỹ An và chợ Khuê Mỹ. Được biết, tại các chợ này nguồn thực phẩm được quận Ngũ Hành Sơn nhập từ phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam). Ngoài ra, trên địa bàn quận có một số điểm nuôi tôm và cá diêu hồng, nguồn lực tại chỗ này góp phần phong phú nguồn thực phẩm, đáp ứng được nhu cầu của người dân. Trong khi đó, quận Liên Chiểu cũng đã cho phép hoạt động trở lại đối với 4 chợ truyền thống gồm: chợ Hòa Khánh, chợ Hòa Mỹ, chợ Nam Ô, chợ Vật tư. Thời gian hoạt động các chợ từ 6h00 đến 11h00 hàng ngày. Mặt hàng phục vụ tại các chợ gồm các mặt hàng chính như, rau, củ, quả, thịt, cá. Người bán hàng là tiểu thương đang kinh doanh trong các chợ, hiện đang cư trú tại địa bàn có chợ.
Bảo đảm an toàn giữa “bão dịch”
Tại TP. Đà Nẵng, hiện có 75 chợ truyền thống, UBND TP. Đà Nẵng đã đồng ý cho phép mở lại chợ truyền thống ở “vùng vàng”, “vùng xanh”, ưu tiên tiểu thương ở khu dân cư. Để bảo đảm các chợ hoạt động an toàn giữa đại dịch, 100% nhân viên ban quản lý, tiểu thương tại chợ phải được tiêm vaccine, xét nghiệm SARS-CoV-2 3 ngày/lần...
Trước đó, Sở Công thương thành phố cũng đã gửi văn bản hướng dẫn việc triển khai hoạt động lại của chợ truyền thống và cửa hàng tạp hóa trên địa bàn thành phố. UBND các quận, huyện xây dựng kế hoạch và chủ động quyết định mở lại các chợ truyền thống bảo đảm tuân thủ quy định của ngành công thương và y tế. Theo đó, chỉ cho phép những tiểu thương không thuộc các vùng cách ly y tế và tiểu thương đang lưu trú tại phường, xã có chợ được hoạt động trở lại tham gia vào việc cung ứng. Các ban quản lý chợ, các hộ tiểu thương, người lao động tại các chợ đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19, thực hiện xét nghiệm PCR 3 ngày/lần, tuân thủ thông điệp 5K, sử dụng kính chắn giọt bắn, niêm yết giá bán tại quầy hàng.
Trong khi đó, tại các chợ phải bố trí các quầy, sạp bán hàng cách nhau tối thiểu 5m, có rào chắn và kiểm soát chặt lối ra vào cổng; lắp tấm che chống giọt bắn theo từng quầy sạp. Đặc biệt, vào thời điểm này không bán hàng trực tiếp cho người dân, chỉ bán hàng thông qua ban điều hành khu dân cư, khu chung cư, tổ dân phố; bên cạnh đó huy động các lực lượng đoàn thể: phụ nữ, thanh niên, tình nguyện viên, tổ dân phố… tại địa phương tham gia mua hàng, giao nhận hàng cho người dân.
Sau khi có hướng dẫn của cơ quan chức năng, tại các chợ truyền thống được phép hoạt động trở lại trên địa bàn Đà Nẵng, các mô hình “chợ xanh” an toàn đang được thực hiện một cách nghiêm túc. Đơn cử, như tại chợ An Hải Bắc, nằm trên địa bàn quận Sơn Trà, tại cổng chợ được bố trí chốt kiểm soát dịch, lực lượng chống dịch hướng dẫn các thành viên tổ Covid-19 tuân thủ thực hiện 5K, kiểm soát giấy tờ chặt chẽ. Toàn bộ các gian hàng, quầy bán thực phẩm được ngăn cách bằng bạt ni lông nhằm hạn chế tiếp xúc giữa người mua và tiểu thương. Chợ hoạt động trở lại sẽ phục vụ theo khung giờ, tổ dân phố dựa vào khung giờ quy định để đến mua hàng nhằm hạn chế tập trung đông người... Theo ông Trần Văn Hùng - Chủ tịch UBND phường An Hải Bắc, trong ngày đầu tiên chính quyền thành phố cho chợ truyền thống hoạt động trở lại, các tiểu thương và Ban quản lý chợ đã thực hiện tốt công tác chuẩn bị. Dù chợ An Hải Bắc có 136 gian hàng nhưng chỉ bố trí 36 gian hàng phục vụ bà con, là các mặt hàng thiết yếu như cá, thịt, rau củ quả, gia vị…
Có thể nói, với việc chợ truyền thống hoạt động trở lại đã giảm bớt áp lực, gánh nặng đi mua hàng tại các siêu thị của tổ trưởng tổ dân phố và thành viên tổ hỗ trợ Covid-19. Bên cạnh các chợ truyền thống, TP. Đà Nẵng cũng cho phép một số quầy tạp hóa mở cửa trở lại với điều kiện là khu dân cư “vùng xanh”, vị trí thông thoáng, chủ cửa hàng tạp hóa phải được tiêm vaccine, có hàng rào ngăn cách với khách...