Mời gọi doanh nghiệp tham gia nhận ưu đãi phát triển công nghiệp hỗ trợ
Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) vừa có văn bản kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp trên phạm vi cả nước đăng ký tham gia Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ năm 2025.
Theo đó, để tham gia chương trình này, các tổ chức kinh tế và doanh nghiệp có nhu cầu cần xây dựng bộ hồ sơ đề án và nộp cho Bộ Công Thương trước ngày 31/3/2024.
Đề án này cần đảm bảo tuân thủ theo những biểu mẫu, quy định cụ thể tại Quyết định số 1403/QĐ-BCT của Bộ Công Thương (quy định về quy chế xây dựng, tổ chức thực hiện và quản lý chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ).
Trong đó, phần liên quan đến dự toán kinh phí cần tham chiếu các quy định tại Thông tư 29/2028/TT-BTC của Bộ Tài chính (về hướng dẫn lập, quản lý và sử dụng kinh phí chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ).
Mức kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước đảm bảo không vượt quá tỷ lệ tối đa theo Quyết định số 10/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời tổng kinh phí không được vượt quá khung kinh phí được phê duyệt theo Quyết định 68/2017/QĐ-TTg.
Được biết, theo Quyết định 68/2017/QĐ-TTg, trong giai đoạn 2021-2025 tổng kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương và các nguồn vốn khác dành cho các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ do Bộ Công Thương quản lý và tổ chức thực hiện khoảng 870,7 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước là 750,2 tỷ đồng, nguồn vốn khác là 120,5 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2021-2025, mỗi năm ngân sách Trung ương dành khoảng 150 tỷ đồng để hỗ trợ các dự án phát triển công nghiệp hỗ trợ của doanh nghiệp cả nước |
Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ năm 2025 mà Bộ Công Thương đang kêu gọi doanh nghiệp cả nước đăng ký tham gia nhắm đến mục tiêu hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho các các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Trong đó, tập trung vào các nhóm ngành chính như: điện tử, ô tô, cơ khí chế tạo, dệt may, da giày và công nghiệp công nghệ cao.
Các hoạt động hỗ trợ chủ yếu nhắm đến là: Hỗ trợ kết nối với các chuỗi cung ứng trong và ngoài nước; hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý theo chuỗi giá trị hàng hóa; hỗ trợ nghiên cứu phát triển công nghệ và hỗ trợ đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên cả nước.