Một năm thăng trầm của ngành dệt may Việt Nam
3 khúc thăng trầm
Theo số liệu từ Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), 9 tháng đầu năm 2021, ngành vẫn giữ được mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ 2020 và gần bằng kim ngạch xuất khẩu cùng kỳ năm 2019. “Tuy nhiên, đây cũng là thời gian các doanh nghiệp dệt may trải qua rất nhiều bước thăng trầm”, Chủ tịch của VITAS, ông Vũ Đức Giang nói. Với thời gian 9 tháng, trải qua 3 quý, cũng là 3 giai đoạn, với 3 trạng thái và tâm trạng rất khác nhau, đó là: “lạc quan” trong quý I, “lo lắng” trong quý II và “tổn thất” ở quý III.
Các DN dệt may đang nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh |
Năm 2021, ngành dệt may bước vào năm mới với một khí thế phấn chấn đầy lạc quan khi ngay từ đầu năm nhiều DN đã ký được đơn hàng đến hết quý III, thậm chí hết năm 2021 do nhiều nước như Mỹ, EU, Trung Quốc, các nước trong khối CPTPP… đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, tỷ lệ tiêm vacxin cao và từng bước nới lỏng giãn cách, nhu cầu hàng tiêu dùng, trong đó có dệt may, tăng trở lại.
Nhưng quý II, cả ngành rơi vào lo lắng khi dịch bùng phát tại nhiều tỉnh phía Bắc, nhất là tại Bắc Giang, Bắc Ninh… Tuy nhiên, chúng ta kiểm soát dịch bệnh tại các địa phương này khá tốt nên mức độ ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh toàn ngành chưa lớn và chưa ở diện rộng, kết quả xuất khẩu 6 tháng đầu năm của ngành vẫn tăng 22% so với 6 tháng 2020 và tăng trên 5% so với năm 2019.
Từ đầu quý III/2021 đến nay là thời gian cực kỳ khó khăn cho các doanh nghiệp dệt may. Diễn biến vô cùng phức tạp và kéo dài của dịch Covid-19 tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam đã làm cho nhiều doanh nghiệp dệt may phải đóng cửa, ngừng sản xuất, sản xuất cầm chừng, không thực hiện được đơn hàng, phải giao hàng chậm, giao hàng bằng máy bay hoặc bị khách hàng hủy đơn hàng gây đứt gãy chuỗi cung ứng.
Tổn thất không những về kinh tế mà cả uy tín đối với khách hàng. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu tháng 9 ước đạt 3 tỷ USD tiếp tục giảm 9,2% so với tháng 8/2021 và giảm 10,5% so với tháng 9/2020.
Các kịch bản và thách thức
Cho đến thời điểm này, theo VITAS, 3 kịch bản có thể xảy ra với ngành dệt may.
Kịch bản tích cực nhất là Việt Nam khống chế được dịch bệnh và thực hiện “bình thường mới” từ đầu tháng 10/2021, khả năng kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt khoảng 37,5 – 38 tỷ USD.
Kịch bản trung bình là khi tình hình dịch bệnh còn phức tạp, còn có một số địa phương, khu công nghiệp bị phong tỏa, cách ly trong tháng 11/2021, kim ngạch xuất khẩu năm 2021 dự kiến sẽ đạt khoảng 36 - 36,5 tỷ USD.
Kịch bản kém tích cực nhất là tình hình dịch bệnh còn phức tạp đến đầu tháng 12/2021, kim ngạch xuất khẩu của ngành dự kiến chỉ đạt 33,5 – 34 tỷ USD.
Hiện nay các doanh nghiệp trong ngành đang đối diện với các thách thức lớn. Thứ nhất là đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu lao động, giảm đơn hàng. Từ khi dịch bệnh bùng phát năm 2020 đến nay, ngành dệt may đã chịu nhiều tác động tiêu cực khác nhau đến chuỗi cung ứng.
Thách thức thứ hai là người lao động giảm việc, giảm thu nhập, còn doanh nghiệp thì đang lo không đủ lao động khi đưa sản xuất trở lại nhịp độ. Dịch bệnh bùng phát mạnh khiến gần 1 triệu lao động dệt may bị ảnh hưởng do phải nghỉ việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động.
Thách thức tiếp theo là đơn hàng. Khi dịch bệnh bùng phát ở 19 tỉnh phía Nam cũng là trung tâm sản xuất của ngành dệt may, nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động, nhiều doanh nghiệp duy trì sản xuất 3 tại chỗ nhưng công suất sụt giảm mạnh. Lo đứt gãy, đối tác nước ngoài đã rút đơn hàng. Ước khoảng 30-40% đơn hàng đã rút khỏi thị trường Việt Nam.
Giải pháp phục hồi
Để phục hồi sản xuất, có 2 điều các doanh nghiệp trong ngành quan tâm đầu tiên, đó là tiêm vaccine cho người lao động và sự phối hợp chặt chẽ giữa DN và chính quyền địa phương trong việc thực hiện các phương án chống dịch và phương án sản xuất để thực hiện mục tiêu kép và chủ trương “sống chung an toàn với dịch để phục hồi kinh tế” của Chính phủ.
Bên cạnh việc tự cứu mình là chính, các DN cũng rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương để vượt qua đại dịch. Trong đó, VITAS và các doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước hỗ trợ để tránh cho DN không rơi vào tình trạng đứt thanh khoản. Để giảm bớt khó khăn cho DN, đề nghị Nhà nước tiếp tục giảm giá điện và thuế VAT từ 20-30% cho các DN ở các địa phương phải thực hiện Chỉ thị 16 đến hết tháng 6 năm 2022. Và các DN đang phải gồng mình chống dịch thì các địa phương không điều chỉnh giá thuê đất và nên giảm tiền thuê đất 50% cho DN ở các địa phương áp dụng Chỉ thị 16 đến hết tháng 6 năm 2022.