Mua hàng “online” nhưng trả tiền “offline”
Triển khai tuyến đường thanh toán không dùng tiền mặt | |
Lan tỏa phố, chợ không tiền mặt | |
Mở rộng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn |
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, năm 2022, hoạt động thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục phát triển, trở thành kênh phân phối quan trọng. Quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam năm 2022 ước đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Ước tính, có khoảng 57 - 60 triệu người Việt mua sắm trực tuyến với giá trị mua sắm bình quân đầu người 260 - 285 USD trong năm 2022.
Với tốc độ tăng trưởng 20%/năm, Việt Nam được eMarketer xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.
Ảnh minh họa |
Có thể thấy, trong thời gian qua, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, tuy nhiên chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt trên các sàn lại chưa tăng lên tương xứng.
Dẫn số liệu thống kê từ Sách trắng thương mại điện tử năm 2022, ông Lê Đức Anh - Giám đốc, Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương thông tin, tỷ lệ khách hàng lựa chọn hình thức thanh toán tiền mặt khi mua hàng trên sàn thương mại điện tử lên tới trên 70%. Thời gian qua, có giai đoạn hình thức thanh toán qua ví điện tử được người dân ưa chuộng khi mua hàng trên các sàn thương mại điện tử do các sàn này tích cực tung nhiều chương trình ưu đãi để thu hút khách hàng mới. Tuy nhiên, khi chương trình ưu đãi kết thúc, không ít người mua hàng đã lại quay về với hình thức thanh toán tiền mặt.
Ngoài nguyên nhân trên, ông Nguyễn Việt Phương, Trưởng bộ phận kỹ thuật phần mềm - công nghệ ngân hàng doanh nghiệp, Ban Công nghệ Techcombank cho rằng, tâm lý của người mua hàng luôn muốn đảm bảo chắc chắn về chất lượng sản phẩm, muốn cầm “đằng chuôi chứ không ai cầm đằng lưỡi” nên hình thức nhận hàng trả tiền vẫn phổ biến.
Thường xuyên mua hàng trên các sàn thương mại điện tử, chị Hoàng Bích Ngọc (Long Biên, Hà Nội) cho biết đã quen với việc mua hàng online trên mạng. Tuy nhiên, thay vì việc thanh toán trực tuyến, chị Ngọc lại quen dùng hình thức trả tiền mặt khi nhận hàng. Không chỉ chị Ngọc, nhiều người dân hiện vẫn sử dụng hình thức “ship COD” tức là nhận hàng và thanh toán tiền cho đơn vị vận chuyển thay vì trả tiền ngay khi đặt hàng thông qua các hình thức như tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng, ví điện tử…
Theo các chuyên gia, thực tế, việc áp dụng hình thức thanh toán online khi mua hàng trên các sàn sẽ mang lại lợi ích cho rất nhiều bên. Người bán hàng sẽ an tâm hơn khi người mua đã trả tiền, không còn lo người mua “bùng hàng” hay đặt cho vui (hàng hoàn về người bán sẽ phải chịu chi phí vận chuyển). Mặt khác, với phương thức thanh toán COD, công ty vận chuyển mất tới 5-7 ngày để chuyển tiền hàng dẫn đến người bán không nhanh chóng lấy dòng tiền để kinh doanh. Còn người mua cũng mua hàng thuận lợi hơn khi không phải chuẩn bị tiền trả cho người vận chuyển đồng thời nhận được nhiều ưu đãi khi thanh toán online.
Về phía các đơn vị quản lý, sẽ kiểm soát dòng tiền giao dịch, là tiền đề cho xã hội số hóa, không sử dụng tiền mặt trong tương lai. Bên cạnh đó, có thể nâng cao hệ thống quản lý thuế, hạ tầng công nghệ thông tin về kê khai, nộp và thu thuế; xây dựng hệ thống quản lý thuế thông minh, tăng thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch… tránh tình trạng thất thu thuế trên sàn thương mại điện tử.
Tại Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 nêu mục tiêu đến cuối năm 2025, giá trị thanh toán không dùng tiền mặt sẽ gấp 25 lần GDP và tỷ trọng của phương thức thanh toán này trong thương mại điện tử chiếm 50%. Vì vậy, việc đẩy mạnh thanh toán online trên các sàn là vô cùng cần thiết góp phần đạt được mục tiêu chung của thanh toán không dùng tiền mặt.
Tuy nhiên, khi thói quen nhận hàng rồi mới thanh toán đã ăn sâu vào tiềm thức của người mua hàng, nhiều vụ việc nhận hàng không đúng với mong muốn xảy ra… việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trên sàn thương mại điện tử sẽ cần rất nhiều nỗ lực của nhiều bên.
Ông Đức Anh cho rằng, điểm mấu chốt là thay đổi được hành vi của khách hàng, giúp cả người bán, người mua nhận ra được sự tiện lợi khi thanh toán online khi mua hàng. Thanh toán đảm bảo sẽ là hình thức giải quyết được điểm nghẽn hiện nay là việc người mua lo ngại về chất lượng hàng hoá.
Đây là mô hình trên thế giới đã tồn tại rất lâu, cho phép số tiền thanh toán vẫn được gửi dưới dạng điện tử nhưng không được chuyển ngay cho người bán mà giữ tại một tài khoản đảm bảo của tổ chức thanh toán được nhà nước cho phép, đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ thúc đẩy hình thức thanh toán đảm bảo để thông qua đó phát triển thanh toán số trên sàn thương mại điện tử.
Về phía ngân hàng, ông Nguyễn Việt Phương cho biết, thói quen hành vi của khách hàng cũng đã có sự thay đổi. Nhiều khách hàng đã quen với việc chuyển khoản hoặc quét mã để thanh toán khi nhận hàng. Chính vì vậy, bên cạnh các hình thức thanh toán truyền thống, ngân hàng cũng đang thúc đẩy nhiều hình thức thanh toán mới như ví điện tử, QR Code. Đặc biệt, ông Phương nhận định, QR Code sẽ ngày càng phổ biến bởi tính thuận tiện, nhanh chóng. Thay vì đi lắp thiết bị đọc thẻ chuyên dụng tại các cửa hàng thì hiện tại ai cũng có thể có một mã QR để có thể thanh toán.
Đồng thời, các nhà băng cũng tăng cường ứng dụng nhiều công nghệ, giải pháp mới để ngăn ngừa rủi ro an ninh mạng, bảo vệ bí mật khách hàng; cung cấp các sản phẩm, dịch vụ an toàn, tiện lợi, phù hợp với nhu cầu. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng thanh toán điện tử đang tiếp tục được đầu tư thỏa đáng để nâng cao hiệu quả và đảm bảo an toàn cho thanh toán điện tử.