Nâng cao hiệu quả kinh tế hợp tác xã
Tháo gỡ và nâng cao hiệu quả cung ứng vốn cho hợp tác xã | |
Hà Nội phấn đấu có hơn 3.000 hợp tác xã vào năm 2030 | |
Ngân hàng Hợp tác xã: Phát huy vai trò đầu mối dẫn dắt, liên kết hệ thống QTDND |
Dù kinh tế tập thể, hợp tác xã có tỷ lệ đóng góp vào GRDP của thành phố rất nhỏ (chỉ chiếm 0,46%), nhưng TP.Hồ Chí Minh vẫn xác định đây là động lực quan trọng trong việc cải thiện và nâng cao mọi mặt đời sống của người lao động. Chính vì vậy, năm 2023, TP.Hồ Chí Minh đã đặt nhiều mục tiêu để phát triển thành phần kinh tế này.
Theo đó, UBND TP.Hồ Chí Minh quyết tâm nâng số hợp tác xã đăng ký hoạt động, cũng như số lao động làm việc trong khu vực kinh tế tập thể; gia tăng tỷ lệ cán bộ quản lý, nghiệp vụ hợp tác xã đã qua đào tạo có trình độ đại học trở lên…
Để thực hiện mục tiêu trên, TP.Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung những nội dung chưa phù hợp với thực tiễn gây khó khăn trong việc áp dụng đối với các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 và các văn bản hướng dẫn liên quan theo lĩnh vực, ngành.
Saigon Coop là một trong những mô hình hợp tác xã thành công của TP. Hồ Chí Minh |
Bên cạnh đó, yêu cầu các đơn vị nghiên cứu, đề xuất ban hành chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2023 - 2025 (trong đó, ưu tiên hỗ trợ đối tượng là hợp tác xã, thành viên hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao). Đồng thời, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, xây dựng chương trình xúc tiến thương mại năm 2023.
Trong năm 2023, UBND TP.Hồ Chí Minh sẽ tích cực củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của hợp tác xã kiểu mới trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, hợp tác xã đa ngành nghề, đa lĩnh vực hoạt động; Phát triển các loại hình hợp tác theo hướng hiện đại đa dạng, sáng tạo (như hợp tác xã các sinh viên, hợp tác xã của các công nhân...) góp phần thu hút thêm thành viên trẻ…
Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh cho biết năm 2023, UBND TP.Hồ Chí Minh cũng đề ra kế hoạch hỗ trợ các hợp tác xã tham gia xây dựng chương trình quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ trên trang thông tin điện tử của Liên minh Hợp tác xã thành phố và các sở, ngành. Hỗ trợ các hợp tác xã có sản phẩm xuất khẩu tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước. Triển khai showroom trưng bày giới thiệu các sản phẩm nổi bật, tiêu biểu của các hợp tác xã trên địa bàn. Thành phố sẽ tổ chức tập huấn về nhãn hiệu cho các hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia Chương trình OCOP, hỗ trợ đăng ký bảo hộ các nhãn hiệu tập thể/nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm…
Thời gian qua, chỉ riêng với ngành nông nghiệp, TP.Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh triển khai nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ các hợp tác xã phát triển sản xuất, kinh doanh theo định hướng ứng dụng khoa học kỹ thuật và nông nghiệp công nghệ cao.
Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.Hồ Chí Minh cho biết, thành phố hiện có 96 hợp tác xã đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, với khoảng gần 2.100 thành viên. Như vậy, bình quân một hợp tác xã có 22 thành viên, sử dụng trên 880 lao động. Doanh thu bình quân của các hợp tác xã khoảng 3,15 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Trong số này, theo đánh giá hiện có khoảng 74% hợp tác xã hoạt động có hiệu quả. Các cơ sở này đang tập trung sản xuất các sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp thành phố như rau an toàn, hoa, cây kiểng, bò sữa, heo, tôm nước lợ và cá cảnh. Các hợp tác xã đang làm đầu mối kết nối với các bên cung cấp để giảm chi phí đầu vào như vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi và tìm đầu ra cho sản phẩm của các nông hộ, gắn kết xây dựng thương hiệu sản phẩm của mình, nhất là các sản phẩm OCOP.
“Hợp tác xã đã làm tốt việc hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, góp phần vào sự phát triển chung của nông nghiệp TP.Hồ Chí Minh”, ông Hiệp cho biết.
Lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh cũng cho biết, thời gian qua Liên minh Hợp tác xã TP.Hồ Chí Minh, Quỹ trợ vốn xã viên hợp tác xã đã có nhiều hoạt động nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã trên địa bàn, tạo lòng tin, mang lại lợi ích, đáp ứng nhu cầu vốn vay và góp phần giải quyết việc làm, từ đó tăng thêm thu nhập cho người lao động. Trong thời gian tới, TP.Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục phát huy vai trò Liên minh Hợp tác xã TP.Hồ Chí Minh là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức kinh tế tập thể, giữ vai trò nòng cốt và thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của thành phố.
Để hỗ trợ các hợp tác xã phát triển, thành phố đặc biệt quan tâm đẩy mạnh thực hiện hỗ trợ các tổ chức kinh tế tập thể vay vốn với lãi suất ưu đãi thông qua Quỹ trợ vốn xã viên hợp tác xã (Quỹ CCM, trực thuộc Liên minh Hợp tác xã TP.Hồ Chí Minh). TP.Hồ Chí Minh phấn đấu tăng nguồn vốn hoạt động của quỹ đạt xấp xỉ 2.000 tỷ đồng và thành lập thêm các chi nhánh quỹ ở các quận, huyện.
"Việc cung cấp các sản phẩm tín dụng đa dạng và linh hoạt nhằm giúp các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nói chung cũng như thành viên và người lao động trong hợp tác xã, tổ hợp tác nói riêng có thêm việc làm, tăng thêm thu nhập, từ đó góp phần xóa đói, giảm nghèo …", lãnh đạo UBND TP.Hồ Chí Minh nhấn mạnh.