Nâng tầm thương hiệu "Make in Vietnam”
CMC hướng tới trở thành tập đoàn công nghệ toàn cầu vào năm 2025 CMC được vinh danh Top 4 Thương hiệu công nghệ giá trị nhất Việt Nam |
Theo báo cáo của Grandview Research, Multi Cloud đang trở thành xu hướng của doanh nghiệp trên khắp thế giới với thị trường đạt 8,03 tỷ USD vào năm 2022 và dự kiến tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 28,0% đến năm 2030. Việc sử dụng đa đám mây giúp doanh nghiệp tăng tính linh hoạt trong vận hành, giảm sự phụ thuộc vào một nhà cung cấp duy nhất. Tuy nhiên, thách thức với việc sử dụng đa đám mây là quy trình quản lý phức tạp, đòi hỏi lực lượng nhân sự đông đảo và trình độ cao, chi phí lớn.
Hiểu được nhu cầu đó, một doanh nghiệp hạ tầng tại Việt Nam đã đi tiên phong trong việc cung cấp đa nền tảng đám mây ngoại kết hợp với Cloud tự phát triển, đó chính là CMC Telecom. Trong 15 năm hình thành và phát triển, CMC Telecom đã trở thành tên tuổi đi đầu trong xây dựng nền tảng cloud “Make in Vietnam”, cùng giải pháp Multi Cloud đưa các “đám mây” hàng đầu thế giới vào thị trường Việt.
Tiên phong về Cloud “nội địa"
Là một trong 5 ISP hàng đầu tại thị trường Việt Nam và tập trung vào khối khách hàng doanh nghiệp, CMC Telecom sở hữu lợi thế về hạ tầng kết nối mạnh mẽ cùng sự thấu hiểu để cung cấp các sản phẩm phù hợp nhất cho doanh nghiệp Việt. Từ những năm 2017, khi xu hướng điện toán đám mây bắt đầu phát triển tại Việt Nam, CMC Telecom đã thành công phát triển và xây dựng nền tảng CMC Cloud. “Đám mây” Việt khi đó đáp ứng nhu cầu cấp thiết của nhiều doanh nghiệp, phục vụ nhu cầu vận hành nhanh chóng và “kéo” dữ liệu về Việt Nam đáp ứng các quy định pháp luật.
Toàn bộ hệ thống vật lý của CMC Cloud được đặt tại trung tâm dữ liệu đạt chuẩn Tier 3, có chứng chỉ bảo mật PCI DSS đầu tiên tại Việt Nam. Hệ thống được sử dụng dịch vụ riêng có kết nối cáp quốc tế ổn định, băng thông 40Gbps. Đặc biệt CMC Telecom là đơn vị có chứng chỉ ISO 27017 – 27018, tiêu chuẩn quốc tế về kiểm soát bảo mật an toàn thông tin cho dịch vụ điện toán đám mây.
So sánh với các hãng công nghệ trên thế giới, đại diện CMC Telecom cho biết ưu thế lớn nhất của một "local Cloud" là sự thấu hiểu "khẩu vị" của doanh nghiệp bản địa. “Doanh nghiệp Việt sử dụng dịch vụ trong nước sẽ luôn được đảm bảo và được hỗ trợ 24/7”, ông Đặng Tùng Sơn, P.TGD/ GD Kinh doanh và Marketing CMC Telecom nói.
Với hạ tầng trong nước, dữ liệu của khách hàng được xử lý với tốc độ cao, giảm tối đa độ trễ, từ đó nâng cao hiệu quả vận hành. Ngoài ra, sự thấu hiểu thị trường cũng giúp CMC Telecom cung cấp được những gói dịch vụ phù hợp nhất, doanh nghiệp có thể dễ dàng điều chỉnh lưu lượng tài nguyên phù hợp với nhu cầu sử dụng theo các khoảng thời gian khác nhau, từ đó tối ưu chi phí.
Sau gần 6 năm phát triển trên thị trường, CMC Cloud đã trở thành dịch vụ Cloud nội địa hàng đầu Việt Nam, chiếm hơn 25% thị phần. Không dừng lại ở đó, đầu năm nay, CMC Telecom tiếp tục nâng cấp và cho ra mắt CMC Cloud thế hệ mới có nhiều tính năng, dịch vụ cải tiến với 9 nhóm sản phẩm dịch vụ chính gồm: compute, storage, networking, databases, containers, management & governance, content delivery, automation, security.
Hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ của CMC Cloud |
“Việc ra mắt CMC Cloud thế hệ mới sẽ thu ngắn khoảng cách về quy mô và tính năng với Cloud quốc tế, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp Việt trên hành trình chuyển đổi số”, ông Sơn cho biết thêm.
Dẫn đầu về Cloud quốc tế tại Việt Nam
Khi xu thế toàn cầu hoá phát triển, sản phẩm Việt ra thế giới, trong khi nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin thế giới thâm nhập vào thị trường Việt Nam, nhu cầu sử dụng các Cloud quốc tế trở nên cấp thiết. Nhờ vị trí dẫn đầu về hạ tầng số, CMC Telecom là cái tên được chọn làm đối tác cấp cao khi những “ông lớn” như AWS, Google hay Microsoft tiến vào Việt Nam.
Với lợi thế của một ISP hàng đầu, CMC Telecom mang đến khả năng kết nối trực tiếp đến Data Center của các nhà cung cấp cloud lớn. Với AWS, đó là kết nối Direct Connect, Google Cloud thông qua kết nối Interconnect còn Microsoft Azure là kết nối ExpressRoute. Băng thông lớn, cùng mạng lưới trải dài từ Bắc tới Nam, thông suốt với các trung tâm kết nối của khu vực và thế giới. Đó cũng là điểm làm nên sự khác biệt của CMC Multi Cloud mà khó có doanh nghiệp nào hiện nay thay thế được.
CMC Telecom kết nối trực tiếp đến Data Center của các nhà cung cấp cloud như AWS, Google, Microsoft, Oracle |
Năm 2018, một năm sau khi bước sâu vào lĩnh vực đám mây, CMC Telecom đã đạt được xếp hạng năng lực vàng (Gold Competency) trong việc cung cấp các dịch vụ điện toán đám mây và chính thức trở thành Solutions Partner của Microsoft tại Việt Nam. Đến nay, công ty cũng là Advanced Tier Service Partner của AWS và là nhà cung cấp Việt Nam đầu tiên được chứng nhận Premier Partner của Google Cloud trên toàn cầu. Tháng tư năm nay, trước thềm kỷ niệm 15 năm thành lập, CMC Telecom cũng chính thức trở thành nhà mạng Việt Nam đầu tiên cung cấp dịch vụ kết nối tốc độ cao - OCI FastConnect thông qua hạ tầng đám mây Oracle tại khu vực Singapore.
Liên tục mở rộng hệ sinh thái dịch vụ Cloud
Với những thế mạnh đó, CMC Cloud hiện là nền tảng đám mây nội địa hàng đầu Việt Nam, liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng kép trên 100% trong 5 năm, được khuyến nghị sử dụng bởi Bộ Thông tin và Truyền thông. Sản phẩm cũng liên tiếp nhận giải Nền tảng đa đám mây tốt nhất Việt Nam 2021 do Tạp chí IFM bình chọn, Top 10 nền tảng số xuất sắc Make in Viet Nam năm 2021. CMC Telecom cũng là Nhà cung cấp dịch vụ đám mây của năm 2022 do IBM công bố, Nhà cung cấp dịch vụ hạ tầng số tốt nhất Việt Nam 2022 của IFM, giải Cloud sáng tạo của năm tại Asian Telecom Awards mới đây.
Những kết quả này không chỉ thể hiện sự quyết tâm đi đầu của CMC Telecom trong mảng điện toán đám mây tại Việt Nam, mà còn là tiền đề giúp khách hàng của họ nhận những dịch vụ tốt nhất. Đó là quyền lợi được tư vấn chuyên sâu, chính sách ưu đãi tốt hơn cho các sản phẩm dịch vụ trong hệ sinh thái của các nền tảng, với nhiều lợi ích đi kèm khác như kết nối nhanh, chuyên nghiệp hơn, giám sát hỗ trợ 24/7 - điều mà ít nhà cung cấp Cloud tại Việt Nam làm được.
Nói về những thành công này, ông Đặng Tùng Sơn cho rằng đây là thành quả của cả quá trình chuẩn bị lâu dài, của một chiến lược đầu tư đúng hướng. Trong đó, việc xây dựng đội ngũ nhân lực cao, liên tục nghiên cứu các giải pháp tối ưu hiệu quả sử dụng đám mây là ưu tiên hàng đầu.
“Là nhà cung cấp Cloud hàng đầu tại Việt Nam và là đối tác cao cấp của các Cloud Providers quốc tế hàng đầu, chúng tôi hiểu sự phức tạp của việc quản lý môi trường đa đám mây. Vì vậy CMC Telecom đặc biệt quan tâm và liên tục phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, được chuyên môn hóa theo từng hãng để hỗ trợ doanh nghiệp”, ông Sơn nhấn mạnh.
Ông Đặng Tùng Sơn, P.TGD/ GD Kinh doanh và Marketing CMC Telecom chia sẻ |
Đến nay, CMC Telecom có đội ngũ vận hành hệ thống Cloud hơn 600 nhân sự, phân tầng chặt chẽ, chuyên biệt: Cloud Team, Network Team, Security Team,... 100% kỹ thuật, kiến trúc sư giải pháp của Cloud Team được đào tạo và có các chứng chỉ được cấp bởi các AWS, Google hay Microsoft.
Nhờ nền tảng năng lực đó, CMC Telecom tạo ra sự khác biệt với những đơn vị khác, khi không dừng lại ở việc phân phối, mà còn có thể tạo ra một hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ đáp ứng nhu cầu sử dụng đa đám mây của doanh nghiệp. Bài toán đặt ra khi ấy với CMC Telecom là làm sao để các khách hàng có thể sử dụng nhiều dịch vụ Cloud phù hợp với nhu cầu nhất, trong khi vẫn đảm bảo sự tiện dụng, tối ưu trong quản trị và chi phí.
Mới đây nhất, doanh nghiệp này đã giới thiệu ra thị trường CMC Cloud Management Platform - nền tảng quản lý đa đám mây “all in one”, giúp doanh nghiệp dễ dàng quản lý nhiều Cloud trên một giao diện điều khiển duy nhất, với khả năng quản lý chi phí theo thời gian thực, quét các lỗ hổng bảo mật theo các tiêu chuẩn trên thế giới, từ đó tự động đưa ra khuyến nghị để tối ưu chi phí và nâng cao hiệu năng. Cùng với đó là SecureZone - giải pháp được thiết kế để khởi tạo môi trường Landing Zone an toàn, giúp doanh nghiệp có thể “lên mây” nhanh chóng, hiệu quả và an toàn.