Nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi từ COVID-19 hay chưa? Hãy hỏi các doanh nhân nữ
Theo phụ bản thường kỳ báo cáo Cập nhật Triển vọng phát triển châu Á 2020 được ADB công bố mới đây, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự báo ở mức 2,3% năm 2020. Mặc dù thấp hơn những năm gần đây, song đó là một thành tựu đáng kể trong bối cảnh nền kinh tế nhiều nước trong khu vực đang rơi tự do.
Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách phải cân nhắc liệu nền kinh tế có cần được kích thích thêm hay không? Dựa trên các biện pháp thông thường, có lẽ là không. Bởi bên cạnh tốc độ tăng trưởng GDP dự báo vẫn khá tích cực của năm nay và dự kiến sẽ phục hồi mạnh trong năm tới (ADB dự báo tăng trưởng 6,1%) thì tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp (như theo báo cáo của Tổng cục Thống kê Việt Nam chỉ là 2,5% vào tháng 9/2020), cho thấy thị trường lao động dường như vẫn mạnh.
Mặc dù vậy, các chỉ số truyền thống như GDP và tỷ lệ thất nghiệp có thể không bao quát được hết. Vì nếu bức tranh tổng thể là tốt, các chính phủ có thể lựa chọn từ bỏ các hỗ trợ bổ sung, khiến một số nhóm nhất định có thể gặp khó khăn hơn.
Để ứng phó với điều đó, một số nhà kinh tế gần đây đã đề xuất cần những chỉ số trọng tâm hơn để đánh giá sự phục hồi kinh tế. Ví dụ, đã có những lời kêu gọi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ trong hoạch định chính sách tiền tệ cần xem xét tỷ lệ thất nghiệp của người Mỹ da đen thay vì sử dụng tỷ lệ thất nghiệp chung.
Ông Donald Lambert, Chuyên gia chính về Phát triển khu vực kinh tế tư nhân của ADB |
Xây dựng chính sách tiền tệ và tài khóa dựa trên các nhóm dễ tổn thương nhất về kinh tế có khả năng giải quyết những bất bình đẳng mang tính hệ thống. Nhưng làm sao để áp dụng khái niệm đó vào một quốc gia thu nhập trung bình như ở Việt Nam? Hãy hỏi phụ nữ. Cụ thể hơn, hãy hỏi những phụ nữ là chủ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).
Hãy chia nhỏ ý tưởng này thành các bộ phận cấu thành, bắt đầu với năm lý do để tập trung vào các doanh nghiệp nhỏ trong quá trình phục hồi.
Thứ nhất, các doanh nghiệp này đại diện cho một bộ phận quan trọng của nền kinh tế. Tính cả các doanh nghiệp siêu nhỏ, chúng chiếm 98% tổng số doanh nghiệp và khoảng một nửa tổng số việc làm.
Thứ hai, các DNNVV có thể đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi kinh tế, đặc biệt trong tạo việc làm.
Thứ ba, các DNNVV có tiềm năng để trở nên hiệu quả hơn về mặt kinh tế. Hiệu quả rất quan trọng, vì nó không chỉ dẫn đến việc làm, mà còn là việc làm tốt để có thể thu hẹp bất bình đẳng kinh tế.
Thứ tư, các DNNVV có thể thúc đẩy sáng tạo và thường có khả năng xoay chuyển linh hoạt hơn so với các doanh nghiệp quy mô lớn vốn chậm chạp hơn. Điều này có thể giúp Việt Nam tránh được “bẫy thu nhập trung bình”.
Cuối cùng, các DNNVV đặc biệt dễ tổn thương trước khủng hoảng kinh tế. Họ thiếu các nguồn lực tài chính như của những doanh nghiệp lớn hơn, và khả năng tiếp cận tài chính của họ bị hạn chế ngay cả trong những giai đoạn kinh tế ổn định. Và cuộc khủng hoảng vì Covid hiện nay cũng không phải là ngoại lệ.
Trong bối cảnh chung của các DNNVV, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thậm chí còn dễ bị tổn thương hơn vì họ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tiếp cận tài chính. Một báo cáo của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) năm 2017 cho thấy các doanh nghiệp nhỏ do phụ nữ làm chủ ở Việt Nam đối mặt với sự thiếu hụt vốn lên tới 1,2 tỷ USD, và trong số đó chỉ có 37% đã vay ngân hàng trong hai năm trước đó - thấp hơn đáng kể so với tỷ lệ 47% của các DNNVV do nam giới làm chủ.
Tương tự, một nghiên cứu năm 2019 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy tính trung bình, các doanh nghiệp nhỏ do phụ nữ làm chủ có thời hạn khoản vay ngắn hơn 16% so với các DNNVV do nam giới làm chủ, mặc dù có hiệu quả kinh doanh tương đương. Những xu hướng này có thể sẽ gia tăng trong thời kỳ suy thoái, khi các ngân hàng thường trở nên thận trọng hơn… Những khác biệt này là kết quả của những định kiến đã được ghi nhận lâu nay, và đây là cơ sở cho việc sử dụng sức sống kinh tế của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ như một thước đo của sự phục hồi và phát triển kinh tế.
Hơn nữa, chính sách kinh tế chú trọng tới sự phát triển của các doanh nghiệp này sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho phụ nữ, mà là tất cả các bên tham gia nền kinh tế. Tập trung vào sự ổn định của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ cũng sẽ cải thiện khả năng chống chịu về kinh tế. Điều này sẽ dẫn đến những kết quả kinh tế - xã hội tốt hơn. Bằng việc bảo đảm việc tiếp cận công bằng nguồn vốn, dòng vốn sẽ được phân bổ tới các doanh nghiệp có tiềm năng lớn nhất trong việc thúc đẩy tăng trưởng và việc làm.
Các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ cần sự hỗ trợ nhiều hơn từ các ngân hàng, đặc biệt trong những thời điểm thắt chặt tài chính như hiện nay. Điều này đang dần xảy ra. Ví dụ, ADB mới đây đã cung cấp một khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 5 triệu USD từ Quỹ Sáng kiến Tài chính dành cho nữ doanh nhân (We-FI) để hỗ trợ các DNNVV do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam bị suy yếu khả năng tiếp cận tài chính vì đại dịch COVID-19.
Mục tiêu của khoản viện trợ nhằm khuyến khích các ngân hàng tham gia tái cơ cấu những khoản vay hiện thời hoặc mở rộng các khoản vay mới cho ít nhất 500 DNNVV do phụ nữ làm chủ. Nguồn vốn sẽ được giải ngân trên cơ sở “đến trước, phục vụ trước”, do vậy các ngân hàng sẽ phải cạnh tranh để thu hút vốn và có động lực để tích cực chủ động tìm kiếm những doanh nghiệp đủ điều kiện. Đã có năm ngân hàng tình nguyện tham gia chương trình này.
Những nỗ lực như thế sẽ hữu ích. Nhưng để chính sách kinh tế định chuẩn theo các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trở thành một công cụ chính sách khả thi thì sẽ cần phải có dữ liệu tốt hơn. Dữ liệu kinh tế ở Việt Nam nhìn chung không được phân tách theo giới, do đó cần phải có dữ liệu phân tách theo giới, và ADB đang làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để áp dụng cách thức thu thập dữ liệu này lần đầu tiên trong cuộc tổng điều tra kinh tế năm 2021 của Việt Nam.
Ở nhiều cấp độ, phụ nữ ở Việt Nam có đời sống tương đối khá hơn so với phụ nữ ở những nước có cùng trình độ phát triển kinh tế. Điều này có thể tạo ra quan điểm rằng lợi ích kinh tế của phụ nữ đã được đảm bảo đầy đủ. Tuy nhiên, sự tương đối không tương đồng với kết quả tuyệt đối, và như sự khác biệt trong tiếp cận tài chính cho thấy, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ vẫn phải đối mặt với những rào cản không tương xứng.
Hãy cùng thực hiện một bước quan trọng để phá bỏ những rào cản này, bằng cách biến chúng trở thành tiêu chí để đưa ra các quyết định kích thích kinh tế.