Nên quy định thế nào về mạng viễn thông dùng riêng?
Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham) và Phòng Thương mại Hoa Kỳ (U.S. Chamber) bày tỏ “không rõ về lý do yêu cầu cấp phép cho mạng VTDR” vì thông thường những cơ sở để ban hành qui định về cấp phép viễn thông không áp dụng cho các mạng VTDR. Lý do là vì mạng VTDR bị hạn chế trong một nhóm thành viên giới hạn, không được sử dụng cho mục đích tạo thu nhập vì vậy không sinh lợi, không cấu thành bất kỳ hình thức “kinh doanh” nào và cũng không có mối quan ngại về cạnh tranh nào có thể phát sinh. “Chất lượng dịch vụ” chỉ ảnh hưởng đến những người trong nhóm thành viên mạng VTDR giới hạn. Nhà điều hành sẽ chịu trách nhiệm về khung chất lượng mạng của chính mình và luôn bị ràng buộc bởi các quy định trong Luật An ninh mạng và Luật An toàn Thông tin mạng. Hiện không có yêu cầu nào về việc bảo đảm bảo vệ người tiêu dùng, vì không có người dùng nào khác được truy cập mạng VTDR.
"Việc áp dụng chế độ cấp phép đối với các mạng VTDR sẽ kìm hãm tiến trình chuyển đổi số trong DN và ngăn cản các công ty triển khai các giải pháp cho phép họ mở rộng sản phẩm của mình trên thị trường hoặc đạt được hiệu quả hoạt động", AmCham và U.S. Chamber khuyến nghị. Bên cạnh đó, do phạm vi của các mạng VTDR cũng khác nhau đáng kể nên không còn thích hợp để áp dụng cùng một bộ nghĩa vụ cấp phép. Làm như vậy sẽ tạo ra những rào cản lớn cho ngay cả những mạng được thu hẹp cho một khu vực nhỏ.
"Trong nhiều trường hợp, các lý do cho việc quản lý mạng VTDR bắt nguồn từ mối quan ngại rằng các đối tượng sẽ sử dụng chúng để truyền tải hoặc gây phương hại cho các dịch vụ mạng công cộng. Tuy nhiên, chế độ cấp phép toàn bộ sẽ là một phương pháp nặng nề để giải quyết vấn đề này. Cơ quan quản lý không nên tập trung vào việc giám sát các mạng VTDR, mà nên đưa ra các quy định pháp lý để cấm các loại hình hoạt động mà công ty có thể thực hiện bằng các mạng VTDR, ví dụ như hạn chế gây tổn hại cho các dịch vụ mạng công cộng hoặc cung cấp các dịch vụ mạng công cộng khi chưa được cấp phép. Điều này sẽ tạo ra sự cân bằng tối ưu, khiến cho cơ cấu quản lý của Việt Nam đối với các mạng VTDR phù hợp với thông lệ quản lý quốc tế", AmCham và U.S. Chamber phân tích. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chỉ can thiệp khi có hành vi, vi phạm các hạn chế pháp luật đối với việc sử dụng mạng VTDR.
Từ phân tích này, AmCham và U.S. Chamber kiến nghị bỏ Điểm b Khoản 3 Điều 35 và Khoản 2 Điều 41 trong dự thảo, đồng thời cần bổ sung thêm Khoản 4 vào Điều 44 dự thảo về miễn giấy phép viễn thông cho các DN, tổ chức khi thiết lập các mạng VTDR.
AmCham và U.S. Chamber cũng cho rằng, việc kết nối các mạng VTDR phải có sự đồng ý bằng văn bản của Bộ Thông tin và Truyền thông như quy định tại Điều 48, khoản 3 Dự thảo là một cách tiếp cận quản lý nặng nề với những lý do tương tự. Việc bỏ điều khoản này cũng sẽ đáp ứng cam kết của Việt Nam trong Hiệp định CPTPP về vấn đề này: “Việt Nam sẽ xem xét lại yêu cầu phải có sự chấp nhận bằng văn bản trong thời hạn hai năm kể từ ngày Hiệp định này có hiệu lực đối với Việt Nam". Tính đến thời điểm này, Hiệp định CPTPP có hiệu lực đối với Việt Nam được 4 năm.