Ngân hàng lại “cứu” giá lúa gạo
Sẵn sàng vốn cho thu mua lúa gạo | |
Gỡ khó tiêu thụ lúa gạo cho Đồng bằng sông Cửu Long | |
Agribank sẵn sàng đáp ứng vốn cho lúa gạo |
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến thời điểm này, các địa phương mới thu hoạch được 702 ngàn ha lúa vụ hè thu, nhưng nhiều nơi không có thương lái thu mua. Hiện còn hơn 800 ngàn ha nữa cần được thu hoạch từ nay đến 15/9 để kịp vào vụ thu đông. Ngày 7/8/2021 phát biểu tại cuộc họp trực tuyến liên ngành về tình hình sản xuất, tiêu thụ lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đại diện Bộ Công thương cho biết, giá lúa các loại đã giảm khoảng 1.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, các nhà nhập khẩu lại đang cần lượng lớn gạo Việt Nam. Thế nhưng đại dịch Covid-19 đã khiến chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy. Các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo Việt Nam dù đã ký được hợp đồng xuất khẩu, nhưng giao hàng chậm vì không thuê được tàu biển, container...
Ảnh minh họa |
Lúa gạo tồn kho tăng khiến tiến độ thu mua lúa hè thu rất chậm (giảm 20% - 30%), đẩy giá lúa ở ĐBSCL giảm sâu khiến người nông dân đứng trước nguy cơ “mùa vàng” bội thu nhưng lại thất thu. Theo tính toán của Bộ Công thương, các doanh nghiệp cần được hỗ trợ thu mua tạm trữ khoảng 4 triệu tấn lúa (khoảng 2,5 triệu tấn gạo) để giải quyết nhu cầu cấp bách trước mắt cho bà con khu vực ĐBSCL…
Sau cuộc họp trên, ngày 10/8/2021, NHNN đã có văn bản số 5747/NHNN-TD yêu cầu lãnh đạo các NHTM và Giám đốc NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL thực hiện ngay các giải pháp để góp phần hỗ trợ cho các thương nhân, doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh thóc, gạo.
Thống đốc yêu cầu các NHTM chủ động cân đối, đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn và mở rộng thêm hạn mức tín dụng đã cấp cho thương nhân, doanh nghiệp để có nguồn vốn thu mua tạm trữ thóc, gạo và nâng diện tích, chất lượng kho chứa, bảo quản, chế biến thóc, gạo, góp phần giảm thiểu tình trạng ách tắc trong lưu thông, tồn ứ thóc gạo hiện nay tại khu vực ĐBSCL; Chủ động làm việc trực tiếp với các thương nhân, doanh nghiệp để có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho họ tiếp cận vốn phục vụ thu mua tạm trữ thóc, gạo; không để xảy ra tình trạng ách tắc, ứ đọng thóc, gạo do thiếu vốn tín dụng... Tuy nhiên, việc cho vay đảm bảo các nguyên tắc tín dụng hiện hành, quản lý được dòng tiền và thu hồi nợ…
Đây không phải lần đầu tiên NHNN yêu cầu các TCTD hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thu mua lúa gạo. Thực tế việc cho vay hỗ trợ thu mua lúa gạo là nhiệm vụ ngành Ngân hàng đã thực thi nhiều năm qua.
Năm 2019, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đã chủ trì hội nghị riêng của ngành Ngân hàng nhằm thúc đẩy cho vay sản xuất, tiêu thụ lúa gạo khu vực ĐBSCL. Và trong chỉ đạo điều hành hàng năm, Lãnh đạo NHNN luôn yêu cầu các TCTD ưu tiên vốn tín dụng cho 5 lĩnh vực ưu tiên, trong đó hàng đầu là “tam nông”. Năm 2020, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 2.242.258 tỷ đồng, tăng 9,8% so với cuối năm 2019, chiếm 24,76% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế. Tỷ lệ tín dụng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn trong 5 năm gần đây (2016- 2020) luôn chiếm gần 25%/tổng dư nợ cho nền kinh tế. Trong đó, hàng năm các TCTD giành cả chục ngàn tỷ đồng cho vay thu mua lúa gạo. Đặc biệt, năm 2018 dư nợ cho vay của các TCTD đối với riêng ngành lúa gạo, đạt khoảng 99.000 tỷ đồng, trong đó 50% là cho khu vực ĐBSCL. Không chỉ Agribank – ngân hàng cho vay chủ lực trên mặt trận nông nghiệp, nông thôn mà hàng chục NHTM khác cũng tham gia cho vay thu mua lúa gạo hàng năm như Vietcombank, BIDV, Sacombank, LienVietPost Bank...
Trở lại với vụ hè thu năm nay, giá lúa gạo tại ĐBSCL lập tức tăng trở lại sau khi văn bản của NHNN được phát đi. Nhiều doanh nghiệp cũng bày tỏ vui mừng khi nhận được thông tin ngân hàng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp thu mua lúa gạo. Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho rằng, đây là hỗ trợ rất kịp thời của ngành Ngân hàng. Bởi khi nhận được vốn hỗ trợ của ngân hàng sẽ giúp doanh nghiệp tăng thu mua, đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu và quan trọng hơn là qua đó góp phần hỗ trợ nông dân có thu nhập, tiếp tục vào vụ Thu đông đúng thời hạn…
Hỗ trợ về vốn của ngân hàng rất kịp thời, cần thiết, song chúng ta cũng phải nhìn nhận lại vấn đề này. Bởi Việt Nam đã có gần 30 năm tham gia thị trường xuất khẩu gạo thế giới với vị thế luôn ở Top đầu, nhưng hiện tượng được mùa, mất giá liên tục tái diễn. Do đó các bộ, ngành liên quan cần xem xét và có giải pháp căn cơ cho chuỗi sản xuất, tiêu thụ lúa gạo hiện nay với các tác nhân tham gia là Nông dân - Thương lái - Doanh nghiệp – Người tiêu dùng.
Năm 2020, được cho là thắng lớn khi lượng gạo xuất khẩu của chúng ta đạt 6,15 triệu tấn với giá trị 3,07 tỷ USD, tuy giảm 3,5% về khối lượng nhưng tăng 9,3% về giá trị so với năm 2019. Cũng xin nhắc lại, Việt Nam từng đạt kỷ lục xuất khẩu hơn 8 triệu tấn gạo năm 2012. Không lý gì một nước đứng hàng đầu về xuất gạo như Việt Nam mà người nông dân lại luôn ở vào thế được mùa mất giá.