Sẵn sàng vốn cho thu mua lúa gạo
Gỡ khó tiêu thụ lúa gạo cho Đồng bằng sông Cửu Long | |
Agribank sẵn sàng đáp ứng vốn cho lúa gạo | |
Ngân hàng triển khai nhiều giải pháp thiết thực hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ lúa gạo |
Cùng doanh nghiệp chặn đà giảm giá
Ông Nguyễn Duy Thuận - Tổng giám đốc Công ty Lộc Trời cho biết, hiện việc thu mua lúa gạo vụ Hè Thu ở nhiều tỉnh ĐBSCL gặp nhiều khó khăn. Nguyên do một phần là thương lái lo ngại dịch bệnh, phần vì không kịp chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ xét nghiệm để vận chuyển giữa các địa phương nên không thể vào đồng thu mua lúa của nông dân. Để hỗ trợ tiêu thụ lúa, Công ty Lộc Trời đã phối hợp với các hợp tác xã và hộ dân nằm trong chuỗi sản xuất khép kín, đồng thời đặt vấn đề với các NHTM ở các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang nhằm cam kết thu mua lúa tươi tại ruộng với giá sàn 4.800 đồng/kg (đối với lúa OM 5451) và 5.500 đồng/kg (đối với lúa OM 18).
Không thiếu vốn, chỉ lo lưu thông lúa Hè Thu do nhiều tỉnh thành phố phía Nam đang cao điểm cách ly chống dịch Covid-19 |
Theo ông Thuận, doanh nghiệp này đang làm việc với Agribank và một số ngân hàng khác để xây dựng các mô hình cách đồng mẫu lớn khép kín. Vì vậy, trong bối cảnh giá lúa giảm như hiện nay, công ty cam kết sẽ cấp vốn vay cho các hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã đã có đăng ký với Lộc Trời từ đầu vụ. Công ty cũng sẽ không tăng giá vật tư nông nghiệp trong năm 2021 và hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn đầu tư phân bón, lúa giống cho các hợp tác xã nằm trong chuỗi khép kín.
“Để hỗ trợ dòng tiền vay mua lúa xuất khẩu, Lộc Trời sẽ vay các NHTM và đang đề xuất NHNN hướng dẫn cho vay mua lúa được thế chấp bằng lúa và gạo. Hỗ trợ lãi suất cho dòng tiền mua lúa mới để chuẩn bị xuất khẩu cho 4 tháng cuối năm 2021”, ông Thuận cho biết.
Thấu hiểu điều đó, các TCTD tại ĐBSCL đã nhanh chóng vào cuộc để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và bà con nông dân. Ông Nguyễn Tuấn Dũng - Giám đốc NHNN chi nhánh An Giang cho biết, NHNN An Giang đã chỉ đạo tất cả các TCTD trên địa bàn tập trung hỗ trợ giảm lãi suất, giãn nợ đối với các khoản vay theo Nghị định 55 và Nghị định 116 của Chính phủ. Đến hết tháng 7/2021, trên địa bàn An Giang, các NHTM đã cho vay trên 50.250 tỷ đồng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, dư nợ cho vay thu mua lúa gạo đạt khoảng 7.023 tỷ đồng, tăng 7,41% so cuối năm 2020; cho vay nuôi trồng, thu mua và chế biến thủy sản 8.558 tỷ đồng, tăng 4,67%.
Ông Nguyễn Kim Thài - Giám đốc chi nhánh Agribank Long An cho biết, chi nhánh đã rà soát tất cả các khoản vay cũ của các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản xuất khẩu, từ đó giảm trực tiếp 10% số lãi các khoản vay cũ để hỗ trợ doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp đáp ứng đủ các điều kiện về phòng dịch đang thực hiện thu mua lúa tại các địa phương, ngân hàng cam kết tài trợ đủ tất cả nhu cầu về vốn lưu động để đảm bảo mua kịp thời lượng lúa tồn đọng trong dân.
Chính phủ cần hỗ trợ tạm trữ
Theo ông Phạm Thái Bình - Giám đốc CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), việc đứt gãy thị trường xuất khẩu là nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp dè chừng chưa đẩy mạnh thu mua lúa gạo trong dân. Vì thế vừa qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất Chính phủ cho thu mua tạm trữ lúa gạo vào kho dự trữ quốc gia.
Quyết định dùng ngân sách hỗ trợ doanh nghiệp thu mua tạm trữ trong lúc này là cần thiết và phải thực hiện nhanh vì trong tháng 8/2021, tổng sản lượng quy gạo được thu hoạch ở khu vực ĐBSCL sẽ đạt trên 2 triệu tấn, trong đó có 1,12 triệu tấn gạo hàng hóa. Trong tháng 9 tới người dân các địa phương sẽ tiếp tục thu hoạch hơn 2,5 triệu tấn gạo, trong đó có 1,6 triệu tấn gạo hàng hóa. Vì vậy, nếu không kịp thời mua bổ sung vào kho dự trữ quốc gia các doanh nghiệp hiện chưa có đơn hàng xuất khẩu sẽ mua cầm chừng và giá lúa trong nước sẽ tiếp tục giảm.
Theo ông Trương Kiến Thọ - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, tuần vừa qua, các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, TP. Cần Thơ đã đồng kiến nghị Trung ương có giải pháp hỗ trợ gói tài chính cho doanh nghiệp thu mua nông sản và mua tạm trữ lúa gạo. Tổ công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã đề nghị Chính phủ triển khai thực hiện chương trình thu mua, dự trữ lúa gạo quốc gia để đảm bảo an ninh lương thực và đề xuất NHNN Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập danh sách các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm đủ năng lực để triển khai chương trình mở rộng hạn ngạch cho vay thu mua nông sản và vật tư phục vụ nông nghiệp theo những lĩnh vực ưu tiên.
Tuy nhiên theo hầu hết các doanh nghiệp, những đề xuất này cần được Chính phủ sớm chấp thuận và triển khai trong tháng 8 và tháng 9. Vì khi có chủ trương tạm trữ của Chính phủ thì các NHTM mới có cơ sở để tăng cho vay ngoài các hạn mức tín dụng đã cấp cho các doanh nghiệp và áp dụng các giải pháp hỗ trợ lãi suất phù hợp nhằm mua hết lượng lúa trong dân khi rộ vụ vào các tuần tới.
Ngày 10/8/2021, NHNN Việt Nam đã có văn bản số 5747/NHNN-TD yêu cầu Chủ tịch Hội đồng quản trị/Tổng giám đốc các NHTM và Giám đốc NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố Khu vực ĐBSCL thực hiện ngay các giải pháp để góp phần hỗ trợ cho các thương nhân, doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh thóc, gạo. Theo đó, NHNN yêu cầu các NHTM chủ động cân đối, đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn và mở rộng thêm hạn mức tín dụng đã cấp cho thương nhân, doanh nghiệp để có nguồn vốn thu mua tạm trữ thóc, gạo và nâng diện tích, chất lượng kho chứa, bảo quản, chế biến thóc, gạo, góp phần giảm thiểu tình trạng ách tắc trong lưu thông, tồn ứ thóc gạo hiện nay tại khu vực ĐBSCL. Cũng tại văn bản này, Thống đốc NHNN yêu cầu các NHTM đẩy mạnh triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55 nay là Nghị định 116 của Chính phủ… Bên cạnh đó, các NHTM tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng, trong đó có các thương nhân, doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh thóc, gạo bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi, phí, cho vay mới khôi phục sản xuất, kinh doanh… |