Ngân hàng tham gia cứu giá nông sản
Nông sản rớt giá giữa mùa dịch | |
Hỗ trợ Sơn La tiêu thụ xoài, nhãn | |
Đồng hành cùng Bắc Giang tiêu thụ nông sản |
Những tuần gần đây, các nhà vườn, hợp tác xã tại khu vực Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang vào vụ thu hoạch rộ các loại trái cây xoài, mít, nhãn và thanh long. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, việc xuất khẩu các mặt hàng này sang thị trường Trung Quốc và các thị trường truyền thống gặp nhiều trở ngại.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, hiện nay giá hầu hết các loại trái cây tiêu thụ trong nước đều đang rớt mạnh. Việc phải cạnh tranh khốc liệt với các chủng loại trái cây tương tự của Thái Lan, Campuchia cũng khiến hoạt động tiêu thụ trái cây ở Tiền Giang, Long An, Cần Thơ, Vũng Tàu… gặp nhiều khó khăn. Đa số các nhà vườn, hợp tác xã đều lâm vào tình trạng ùn ứ nông sản, đứng trước nguy cơ thua lỗ và không còn vốn để tái đầu tư sản xuất.
Ảnh minh họa |
Để hỗ trợ các doanh nghiệp đa dạng hóa các kênh tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch bệnh, hiện nay Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức nhiều chương trình đưa nông sản, trái cây lên các sàn giao dịch điện tử. Trong chuỗi hoạt động này, hệ thống NHTM và các trung gian thanh toán đã tham gia tích cực vào việc miễn giảm các loại phí giao dịch và tạo điều kiện thanh toán trực tuyến nhanh chóng tiện lợi.
Theo số liệu của sàn thương mại điện tử Shoppee, sau khi đưa thành công mận hậu và xoài tròn Sơn La lên bán trên sàn thương mại điện tử này, đơn vị đã phối hợp với gần 10 ngân hàng và các ví điện tử trong nước để tiếp tục triển khai đối với các vùng nông sản phía Nam. Tuần trước, Shopee đã làm việc với nhiều hợp tác xã nông nghiệp tại Tiền Giang để đưa các sản phẩm dừa xiêm và bưởi da xanh lên sàn điện tử.
Với các trang thương mại điện tử Cuccu.vn, Lazada, Voso.vn… hiện nay ngoài vải thiều Lục Ngạn, các đơn vị cũng đã làm việc với các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Sóc Trăng, Đồng Tháp để đưa các sản phẩm mít, xoài, thanh long và hành tím Vĩnh Châu lên bán trực tuyến ở thị trường các thành phố lớn. Theo các NHTM và ví điện tử liên kết với các nhà bán lẻ đều đang áp dụng hình thức giảm giá 20-30% đơn hàng, miễn các loại phí giao dịch khi thanh toán trực tuyến cho người tiêu dùng.
Ngoài việc hỗ trợ đa dạng hóa các kênh phân phối nông sản như kể trên, các chi nhánh NHTM tại khu vực Đông Nam bộ và ĐBCSL cũng hỗ trợ giảm lãi suất vay vốn, tăng hạn mức cho vay đối với nhà vườn và hỗ trợ vốn dài hạn để các cơ sở đầu tư chế biến sâu nông sản.
Ông Lưu Văn Thanh - Giám đốc Agribank huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng cho biết, để hỗ trợ các nhà vườn có đủ vốn lưu động, đơn vị đã áp dụng linh hoạt hơn về chính sách đảm bảo tiền vay. Theo đó, đối với cho vay nông nghiệp, nông thôn mức giá khi tính giá trị của tài sản sẽ cho vay bằng 100% giá trị tài sản theo khung giá của UBND tỉnh. Đối với vốn vay ngắn hạn ngân hàng đang tiến hành cho vay đến 90% nhu cầu vốn của bà con, 10% là vốn tự có của bà con nông dân.
Ở Tiền Giang, Bến Tre, đại diện các chi nhánh Agribank cũng cho rằng từ sau Tết Nguyên đán đến nay giá nông sản nói chung và trái cây nói riêng có chiều hướng sụt giảm và khó tiêu thụ. Để hỗ trợ các nhà vườn và hợp tác xã, hệ thống ngân hàng này đã liên tục triển khai các gói vay hỗ trợ lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4,8%/năm và trung dài hạn từ 7,5%/năm để các cơ sở duy trì sản xuất kinh doanh. Thống kê của Agribank chi nhánh Mỹ Tho, Tiền Giang trong đợt cao điểm tiêu thụ nông sản vừa qua đã có gần 400 hộ trồng xoài và các hợp tác xã vay được vốn để duy trì nối vụ. Ngoài ra, đã có khoảng trên 4.000 hộ nông dân được hệ thống Agribank đầu tư vốn phát triển các nhà vườn với dư nợ trên 230 tỷ đồng.
Ngoài ra, hầu hết các tỉnh thành nông nghiệp trọng điểm hiện xác định việc hỗ trợ cứu giá, thúc đẩy tiêu thụ nông sản cũng được các ngân hàng đẩy mạnh qua kênh đầu tư vào các doanh nghiệp đầu mối. Ở Kiên Giang hệ thống ngân hàng đang tập trung bỏ vốn vào 75 dự án liên kết chuỗi giá trị sản phẩm bao gồm thủy sản và cây ăn trái với dư nợ hàng trăm tỷ đồng. Trong khi đó, Tiền Giang, các doanh nghiệp lớn như Công ty TNHH Sản xuất Chế biến nông sản Cát Tường cũng đã sử dụng nguồn vốn vay từ Agribank để phát triển hệ thống phân phối tiêu thụ cho hơn 20.000 nhà vườn trái cây tại địa phương. Hay Khánh Hòa, Nhà máy Đường Việt Nam, Công ty TNHH Yến sào Khánh Hòa cũng đã được địa phương kiến nghị hợp tác với các NHTM để chung tay hỗ trợ nhà vườn tiêu thụ nông sản kịp thời trong mùa thu hoạch rộ.
(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ).