Ngân hàng tiếp sức doanh nghiệp phục hồi
Ngân hàng sẵn sàng triển khai hỗ trợ lãi suất | |
Kỳ vọng gói hỗ trợ lãi suất | |
Nhìn lại các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển giai đoạn hậu Covid-19 |
Là một DN hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm, thời điểm dịch bệnh bùng phát năm 2021, Công ty Cổ phần Hanoi Foods Việt Nam nhiều lần đối mặt với tình trạng thiếu vốn, hoạt động kinh doanh bị đình trệ. Tuy nhiên, nhờ dịch vụ vay vốn và giải ngân online nhanh gọn từ phía ngân hàng, Hanoi Foods đã được tiếp vốn, mau chóng quay lại sản xuất để hoàn thiện các đơn hàng theo đúng hẹn.
Ảnh minh họa |
Ông Vũ Bá Định - Giám đốc Kinh doanh của Hanoi Foods cho biết, dịch vụ giải ngân online đã giúp công ty xử lý các vướng mắc liên quan tới dòng vốn và duy trì tốc độ phát triển ổn định. Không chỉ Hanoi Foods, nhiều DN, nhất là DNNVV cũng đã tiếp cận được nguồn tín dụng ngân hàng thông qua nền tảng số dành riêng cho DN, từ đó có nguồn vốn duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thực tế cho thấy, thấu hiểu được khó khăn của DN, các ngân hàng đang ngày càng thể hiện sự tích cực trong việc tạo thuận lợi tối đa cho việc tiếp cận tín dụng của DN, nhất là DNNVV. Một trong những tiện ích được cộng đồng DN đánh giá cao đó chính là vay vốn online. Hiện các ngân hàng đang cung cấp sản phẩm vay online cho DN với mục đích vay đa dạng như vay bổ sung vốn lưu động, vay đầu tư dự án, vay tài trợ xuất nhập khẩu... với các hình thức như vay thông thường, bảo lãnh, tài trợ thương mại…
DN hoàn toàn có thể ngồi tại nhà và thực hiện các thao tác vay tiền online, quá trình giải ngân nhanh chóng, chỉ khoảng vài giờ để hỗ trợ kịp thời các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, còn tiết kiệm thời gian, chi phí cho DN khi không cần làm hồ sơ vay phức tạp, đến trực tiếp phòng giao dịch.
Đơn cử như tại VPBank, ngân hàng này đã cho ra mắt sản phẩm cấp vốn tín chấp online. Theo đó, những DNNVV hiện hữu có lịch sử giao dịch tín dụng tốt tại VPBank chỉ cần đăng ký và hoàn thiện 4 bước kê khai. Quá trình giải ngân hoàn toàn online và thời gian giải ngân chỉ khoảng 2 giờ đồng hồ thay vì theo quy trình thông thường DN phải ra quầy giao dịch nộp hồ sơ và có thể mất từ 1 tuần đến 1 tháng mới được giải ngân. Hạn mức vay lên tới 500 triệu đồng sẽ giúp DNNVV tiếp cận được nguồn vốn nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và nguồn nhân lực.
Tương tự, các nhà băng khác cũng đang tích cực cho ra mắt nhiều sản phẩm cho vay với hình thức đa dạng, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn để sản xuất kinh doanh.
Mới đây, Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), Sacombank và NextPay vừa ký kết biên bản ghi nhớ về việc hỗ trợ tài chính cho các chủ DNNVV thông qua thẻ tín dụng nội địa. Theo đó, các chủ DNNVV đang sử dụng dịch vụ của công ty trung gian thanh toán NextPay có thể dễ dàng tiếp cận tới nguồn tín dụng từ Sacombank thông qua việc phát hành thẻ tín dụng nội địa NAPAS. Đây là sản phẩm được thiết kế dành riêng cho các chủ DN với đầy đủ tính năng của thẻ tín dụng nội địa từ rút tiền mặt, thanh toán tại POS, thanh toán trả góp với lãi suất thấp, đáp ứng các nhu cầu chi tiêu phục vụ hoạt động kinh doanh.
VietinBank cũng cho biết tới đây sẽ ra mắt nền tảng ngân hàng số VietinBank eFAST mới, bổ sung 55 tính năng mới và nâng cấp 81 tính năng hiện tại. Trừ các dịch vụ ngân quỹ liên quan đến tiền mặt thì toàn bộ các dịch vụ ngân hàng đang được cung cấp tại quầy giao dịch đều được đưa lên VietinBank eFAST, trong đó có cho vay (giải ngân, trả nợ khoản vay), phát hành bảo lãnh, FX online, tiền gửi có kỳ hạn…
Chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định, việc ngân hàng đẩy mạnh cho vay online sẽ hỗ trợ tích cực cho các DN trong quá trình phục hồi trở lại. Với quy trình, thủ tục đơn giản, DN dễ dàng tiếp cận nguồn tín dụng chính thức thay vì tìm đến tín dụng đen. Đặc biệt là với các DNNVV có tiềm lực tài chính hạn chế và không có nhiều kinh nghiệm trong việc làm hồ sơ vay vốn, e ngại thủ tục phức tạp.
Một chuyên gia khác cũng cho rằng, phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm cho khách hàng là mục tiêu chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025 và định hướng năm 2030, là giải pháp hiệu quả phát triển thanh toán không dùng tiền mặt theo Đề án phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Mục tiêu cụ thể được ngành Ngân hàng Việt Nam đặt ra đến năm 2025 là 50% nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng thực hiện hoàn toàn trên kênh số; 70% số lượng giao dịch của khách hàng được thực hiện thông qua các kênh số; 50% quyết định giải ngân vốn cho vay của các NHTM, công ty tài chính đối với khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng của cá nhân được số hóa…
Vì vậy, NHNN cần chủ động tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, cụ thể với các bộ, ngành liên quan tập trung, nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo thuận lợi cho các hoạt động chuyển đổi số và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đặc biệt là việc triển khai các mô hình cung ứng dịch vụ mới dựa trên nền tảng công nghệ mới. Về phía các NHTM cần chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng ưu tiên kỹ thuật số, hoặc theo mô hình tương tác gắn kết đa kênh tích hợp xoay quanh triển khai nhanh gọn, linh hoạt công nghệ trí tuệ nhân tạo và năng lực máy học.