Nhìn lại các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển giai đoạn hậu Covid-19
Ngày 19/5, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển giai đoạn hậu Covid-19”.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã nhấn mạnh đến những tác động của đại dịch Covid-19 tới kinh tế - xã hội của Việt Nam, doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân kinh doanh ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế. Trong đó, các ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất lại là các ngành sử dụng nhiều lao động như du lịch và lưu trú, hàng không, bán lẻ và các ngành chế tạo xuất khẩu như dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử và chế biến thực phẩm. Các hộ gia đình và cá nhân kinh doanh chịu ảnh hưởng nhiều nhất là dịch vụ ăn uống và vui chơi giải trí.
Trước tình hình đó, Chính phủ và cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt, cùng với sự đồng lòng, đoàn kết của toàn dân, toàn quân với phương châm “chống dịch như chống giặc”, thực hiện nhiệm vụ kép “vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội”.
Quốc hội và Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản pháp quy, nhiệm vụ, giải pháp mạnh mẽ để kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ nền kinh tế, chia sẻ gánh nặng và khó khăn với người dân, doanh nghiệp.
Đặc biệt, Chương trình phục hồi tăng trưởng kinh tế 2022-2023 xác định 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với quy mô thực hiện dự kiến trong năm 2022-2023, gồm mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh là 60 nghìn tỷ đồng; bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm là 53,15 nghìn tỷ đồng.
Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh khoảng 110 nghìn tỷ đồng; phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển là 113,85 nghìn tỷ đồng; cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ngoài ra, huy động từ các Quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước khoảng 10 nghìn tỷ đồng.
Theo TS. Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Ngân sách, Văn phòng Quốc hội, các chính sách tài chính ứng phó với dịch Covid-19 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn dịch bệnh đã ban hành và triển khai trong thời gian qua là phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước.
Các bộ ngành, địa phương tập trung triển khai tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân được thụ hưởng đầy đủ kịp thời các chính sách, duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Có cùng quan điểm trên, PGS.TS. Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm phụ trách Khoa Tài chính, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, Nghị quyết số 43 của Quốc hội có hiệu lực thi hành ngay từ ngày 11/1/2022. Đây là một nghị quyết có tính đặc thù, vì hầu hết các nghị quyết của Quốc hội có chứa nội dung quy phạm pháp luật đều có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành.
"Điều này cũng khẳng định ý nghĩa vô cùng quan trọng và cấp bách của các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước do Quốc hội quyết định tại phiên họp bất thường lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động của Quốc hội Việt Nam", PGS.TS. Đinh Văn Nhã chia sẻ.
TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế, Viện Hàn lâm Khoa học Xã Hội Việt Nam cho biết, nhìn chung, Việt Nam đã hỗ trợ doanh nghiệp cũng như các đối tượng bị tổn thương vì đại dịch Covid-19 tương đối là sớm, tương đối đúng đối tượng, liều và lượng kịp thời.
Tuy nhiên thực tế thực thi chi ngân sách nhà nước cho thấy các chính sách còn tương đối thận trọng, quá chặt chẽ và mang tính “nghe ngóng”, nhất là giai đoạn từ quý 3/2021 trở về trước. Trong khi đó, còn nhiều lỗ hổng về giám sát mua sắm trang thiết bị, thuốc phòng chống Covid-19 khiến tham nhũng tràn lan trong hệ thống các trung tâm y tế kiểm soát dịch bệnh (CDC) các địa phương.
"Việc quy định quá chặt chẽ trong hỗ trợ của chính phủ khiến người thụ hưởng nhận sự hỗ trợ còn chậm so với dự kiến. Các liều hỗ trợ không tính đến đầy đủ trường hợp bệnh bùng phát và thực hiện giãn cách xã hội trên diện rộng nên khi những điều này xảy ra khiến mức hỗ trợ trở nên nhỏ giọt", TS. Lê Xuân Sang cho biết thêm.
Theo PGS.TS. Đinh Văn Nhã, có một số ý kiến cho rằng thời điểm ban hành các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển là chậm so với yêu cầu hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vì thực tế cho thấy cuối năm 2020 đã nghiên cứu chuẩn bị khá kỹ lưỡng. Chính phủ đã phải chủ động trình các cơ quan có thẩm quyền quyết định sớm hơn vào tháng 7-8/2021, khi Việt Nam bắt đầu thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch covid-19, vừa gắn với mục tiêu phục hồi sản xuất và kinh doanh.
TS. Lê Xuân Sang cho rằng, trong điều kiện nhiều bất lợi trong thực thi Chương trình phục hồi kinh tế, những khó khăn xuất phát từ xung đột quân sự Nga - Ucraina, Chính phủ nên nỗ lực tối đa để duy trì các hỗ trợ doanh nghiệp như kế hoạch trong giai đoạn 2022-2023. Đồng thời, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, các thể chế về đất đai, bất động sản, xây dựng.
Kiến nghị một số giải pháp cần tiếp tục nghiên cứu thực hiện trong thời gian tới, TS. Nguyễn Minh Tân cho rằng cần sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách năm 2021, có cơ chế huy động nguồn lực linh hoạt và hợp lý, tránh lãng phí. Bên cạnh đó, chính phủ cần đẩy nhanh việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước; nâng cao năng lực đầu tư của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) để có kế hoạch huy động, sử dụng phù hợp.
Chính phủ cần đẩy mạnh việc cải cách hành chính như cắt, giảm thủ tục hành chính; tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp. Tập trung tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế chính sách, pháp luật liên quan đến nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.