Ngăn khai thác hải sản bất hợp pháp từ... trên bờ
Đẩy mạnh kinh doanh thủy hải sản | |
Phải sẵn sàng tuân thủ “luật chơi” |
Đà Nẵng đang tăng cường truy xuất nguồn gốc thủy hải sản ngay tại cầu cảng |
Kiểm soát từ cầu cảng
Đà Nẵng là một trong những trung tâm nghề cá lớn của cả nước. Hiện, trên địa bàn thành phố có khoảng 1.230 tàu, thuyền đang khai thác thủy sản vùng khơi, lộng và ven bờ. Bên cạnh, thành phố còn có một trung tâm hậu cần dịch vụ nghề cá quy mô lớn, nằm trên địa bàn quận Sơn Trà, thu hút nhiều tàu cá từ các địa phương trong khu vực duyên hải miền Trung... Tuy có số lượng tàu thuyền lớn, ngư trường đánh bắt rộng, số lượng tàu thuyền ra vào nhiều..., song TP. Đà Nẵng đang trở thành một trong những điểm sáng về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) của cả nước.
Ước tính, hàng năm tổng sản lượng khai thác hải sản của các tàu cá TP. Đà Nẵng đạt khoảng 37 nghìn tấn. Tuy nhiên, tổng sản lượng thủy sản nhập vào cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà) lại lên đến hơn 100 nghìn tấn. Do có nhiều tàu cá của nhiều địa phương khác trong khu vực cập cảng và bán hàng.
Bởi vậy, việc truy xuất nguồn gốc các mặt hàng thủy hải sản của bà con ngư dân gặp nhiều khó khăn. Để chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, các cơ quan chức năng ở địa phương, trong đó nòng cốt là Chi cục Thủy sản, Bộ đội biên phòng, Ban quản lý Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, thực hiện nghiêm việc kiểm tra, truy xuất, xác nhận nguồn gốc hải sản cũng như thực thi các quy định về IUU ngay từ khi các tàu cá cập cảng.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố đảm bảo lực lượng trực 24h/ngày để thực hiện kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất bến; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá các hoạt động xuất, nhập bến và tuần tra trên các vùng biển để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các tàu cá có dấu hiệu vi phạm khai thác IUU. Đối với các trường hợp cố ý không thực hiện, không chứng minh được nguồn gốc hải sản, lực lượng chức năng TP. Đà Nẵng sẽ có những hình thức xử lý theo quy định...
Theo ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, UBND thành phố đã chỉ đạo, triển khai quyết liệt, trong đó có thành lập văn phòng đại điện kiểm soát nghề cá thực hiện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất, nhập bến…
Trước đó, để chống việc khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định... HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 255/2019/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ phát triển khai thác hải sản trên địa bàn. Trong đó, hỗ trợ kinh phí để ngư dân lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Cũng theo ông Hồ Kỳ Minh, TP. Đà Nẵng đã có những chính sách hỗ trợ khai thác hải sản rất tốt. Tất cả tàu cá khai thác vùng biển khơi đều lắp thiết bị hành trình, được hỗ trợ 100% thiết bị của năm đầu thuê bao. Bảo hiểm thân tàu hiện nay địa phương cũng đã triển khai với mức 50% là của Trung ương, 40% là của thành phố, còn 10% là trách nhiệm của chủ tàu. Ngoài ra, việc tuyên truyền, vận động của các ngành chức năng cũng tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của ngư dân trong hoạt động khai thác hải sản. Đến nay, chưa phát hiện trường hợp tàu cá của Đà Nẵng vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản trái phép.
Tăng cường công tác phối hợp
Mới đây, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiểm tra việc thực hiện quy định về hoạt động khai thác đánh bắt hải sản theo khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC) tại Đà Nẵng.
Tại buổi làm việc với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, TP. Đà Nẵng đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện chống khai thác hải sản bất hợp pháp, thực thi pháp luật trên biển; HĐND thành phố đã kịp thời có những chính sách về hỗ trợ phát triển khai thác hải sản một cách bền vững; góp phần nâng cao vai trò quản lý Nhà nước, kiểm soát tốt để truy xuất nguồn gốc, nghiêm túc thực hiện quy định hoạt động khai thác đánh bắt hải sản theo khuyến nghị của EC.
Bên cạnh, những nỗ lực truy xuất nguồn gốc thủy hải sản ngay tại cầu cảng, TP. Đà Nẵng cũng chú trọng việc tăng cường phối hợp với các địa phương khác để chống khai thác hải sản bất hợp pháp. Cụ thể, UBND TP. Đà Nẵng cũng đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành ven biển ngăn chặn khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Một trong những hình thức ngăn chặn là trường hợp tàu cá của Đà Nẵng vi phạm thì xử lý ở mức cao nhất.
UBND TP. Đà Nẵng cũng đề nghị các tỉnh, thành phố ven biển phối hợp, chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan liên quan của địa phương tuyên truyền, phổ biến cho ngư dân, tàu cá Đà Nẵng đi khai thác xuất, nhập bến tại địa phương về Luật Thuỷ sản năm 2017, các biện pháp chống khai thác IUU; thường xuyên trao đổi thông tin tàu cá Đà Nẵng hoạt động tại địa phương để kịp thời phối hợp, giải quyết những vấn đề có liên quan.
Đặc biệt, Đà Nẵng cũng yêu cầu các tỉnh, thành phố ven biển có biện pháp trục xuất, không cho neo đậu tại cảng cá, bến cá của địa phương; thông báo danh sách các tàu cá của TP. Đà Nẵng vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm khai thác IUU tại địa phương gửi về UBND TP. Đà Nẵng (thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng).
Dự kiến trong năm 2020, TP. Đà Nẵng sẽ nâng cấp cảng cá Thọ Quang để đáp ứng tốt hơn nhu cầu dịch vụ hậu cần nghề cá theo hướng hiện đại; hỗ trợ hiệu quả cho ngư dân Đà Nẵng và khu vực miền Trung tạo đầu mối thu mua thủy hải sản; góp phần chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, TP. Đà Nẵng đang là một trong 5 trung tâm nghề cá của Việt Nam, phải đi đầu, tiên phong trong mọi mặt. Muốn có một ngành thuỷ sản phát triển bền vững, khai thác hợp lý thì địa phương phải tiếp tục kiểm soát tốt việc truy xuất nguồn gốc như đã từng thực hiện.